Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người mẹ vứt con sơ sinh ở hố ga có thể bị xử lý thế nào?

Việc vứt con đẻ mới sinh của người phụ nữ 31 tuổi, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng chị này có thể sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng.

Chiều 8/6, người dân khu vực xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) phát hiện một bé sơ sinh chỉ vài ngày tuổi bị bỏ rơi dưới một hố ga bỏ hoang trong tình trạng không mảnh vải che thân, sức khỏe rất yếu, bị kiến, dòi bu đầy mắt, mũi, miệng, tai và cuống rốn nhưng vẫn khóc. Sau đó, cháu bé được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây trước khi chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Chiều 10/6, Công an thị xã Sơn Tây và VKSND cùng cấp đã tìm được người mẹ của cháu bé. Chị này tên P.T.T. (31 tuổi), ở Hà Nam.

Vut con so sinh anh 1

Người phụ nữ 31 tuổi tự đẻ rồi vứt bỏ con ngay sau đó. Ảnh: Công an Hà Nội.

T. trần tình vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên chị đã vứt bỏ bé trai ở cạnh hố ga phía sau đền Mẫu. Công an đang xem xét hành vi của người phụ nữ này để xử lý.

Sau vụ việc, có ý kiến cho rằng hoàn cảnh của người mẹ đáng thương nhưng cũng có luồng quan điểm đưa ra rằng cần phải xử lý chị T. để các trường hợp khác lấy làm gương.

Theo Điều 124, Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015, người mẹ giết con mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi sẽ bị phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm. Trong trường hợp vứt bỏ con mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn tới hậu quả đứa trẻ chết, theo khoản 2 điều này, sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Áp vào vụ việc trên, luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoàng Sa nhận định hành vi vứt bỏ con chưa dẫn tới hậu quả đứa trẻ chưa chết nên không thể áp dụng quy định tại Điều 124 để xử phạt đối với chị T.

Chung quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, cho biết nếu đứa trẻ thiệt mạng thì người mẹ có thể bị xử lý hình sự do giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ. Tuy nhiên, đứa trẻ được phát hiện, cứu sống kịp thời nên hành vi bỏ mặc con chưa thỏa mãn yếu tố cấu thành tội danh quy định tại Điều 124. Do đó, không xử lý người mẹ về tội danh này.

Theo luật sư Cường, do đứa trẻ bị bỏ rơi vẫn bị tổn hại sức khỏe nặng nề bởi hành vi cố ý của người mẹ nên người mẹ vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134, BLHS 2015.

"Đây là trường hợp người mẹ nhận thức được và biết những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra với con mình. Dù không mong muốn nhưng người mẹ vẫn cố ý để mặc cho hậu quả xảy ra. Nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của cháu bé và hành vi của người mẹ đủ yếu tố cấu thành tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì người mẹ vẫn có thể bị xử lý về tội danh này", Luật sư Cường phân tích.

Theo quy định tại Điều 134, BLHS 2015, người phạm tội Cố ý gây thương tích có thể chịu mức án nhẹ nhất là cải tạo không giam giữ 3 năm và nặng nhất là tù chung thân, tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Ngoài ra, theo Điều 22, Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hành vi bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh, cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng.

Luật sư đưa ra quan điểm, trong trường hợp này, chị T. trước mắt sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 144. Sau đó, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh, làm rõ vụ việc và đánh giá toàn diện về ý thức chủ quan, hành vi khách quan, điều kiện hoàn cảnh của người mẹ và hậu quả để lại cho cháu bé để xem xét có khởi tố vụ án hình sự hay không.


Người mẹ bỏ con sơ sinh ở hố ga khai gì?

Người phụ nữ trở dạ, vỡ ối khi đang đi chơi ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Sau khi tự đẻ, người mẹ đã vứt bỏ con trai rồi khai lý do hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm