Trong bối cảnh virus corona lây lan trên diện rộng, có không ít cán bộ y tế là những người vợ, người mẹ chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân để túc trực tại bệnh viện, chữa trị, hỗ trợ cho bệnh nhân ngày đêm. Tại tâm dịch Vũ Hán, 7 nữ y bác sĩ tại bệnh viện Giang Hạ (Vũ Hán) uống thuốc cai sữa trước khi xung phong bước lên tuyến đầu chống dịch bệnh nguy hiểm. Y tá Phương Văn Quân, người thường xuyên làm việc tại khu cách ly, quyết định cho con nhỏ 10 tháng tuổi bú lần cuối vào cuối tháng 1 rồi uống thuốc để tập trung vào công việc. Người mẹ đã không gặp con nhiều ngày từ khi số người mắc corona nhập viện tăng lên mỗi ngày. Ảnh: Weibo. |
"Đã nhiều ngày tôi không về nhà. Hai ngày trước tôi gọi video cho con nhưng hình như nó không nhận ra tôi nữa. Có thể tôi không phải là một người mẹ tốt khi chọn cai sữa sớm, nhưng trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng như hiện nay, tôi chỉ có thể làm vậy”, Phượng Mai, nữ y tá có con 7 tháng tuổi, nói. Trước đó, cô được gia đình ủng hộ về lựa chọn của mình. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc cai sữa, ngực cô thường sưng đau. Nữ y tá chấp nhận nhịn đau trong nhiều giờ, chờ đến lúc tan ca mới tự tay vắt sữa. Ảnh: Weibo. |
Nhiều bác sĩ, y tá lựa chọn cắt ngắn tóc hay cạo trọc đầu để tiện mặc đồ bảo hộ và giảm nguy cơ virus dính vào tóc. Trong ảnh, y tá Đơn Hà cạo trọc đầu trước khi vào ca làm việc. Cô quả quyết: "Không sao, rồi tóc sẽ mọc lại". Trước đó, cô gửi lại con trai cho ông bà chăm sóc. Ảnh: Sina. |
Zhao Chenhua, y tá tại một bệnh viện ở Hàng Châu, được nhiều người ca ngợi sau khi hình ảnh cô cạo đầu lan truyền trên mạng. Trả lời báo chí, cô cho hay hành động của mình “không phải là hy sinh lớn lao”. Zhao là y tá đầu tiên của bệnh viện vào khu vực cách ly, tiếp xúc trực tiếp với những người mắc virus corona trong 144 giờ liên tục. Zhao cho hay mái tóc dài làm tăng khả năng lây nhiễm chéo và tốn thời gian mặc đồ bảo hộ hơn nên cô lựa chọn cạo trọc toàn bộ. Ảnh: China News. |
Nhiều cán bộ y tế nữ chịu cảnh xa cách người thân trong thời gian dài. Liu Haiyan, một y tá tại tỉnh Hà Nam, được con gái mang bánh bao đến bệnh viện nơi cô đang làm việc. Tuy nhiên, hai mẹ con không được phép tiếp xúc trực tiếp và chỉ có thể đứng từ xa nói chuyện. Không được gặp mẹ từ Tết Nguyên đán, cô bé 9 tuổi bật khóc nức nở và nói lớn: "Con nhớ mẹ nhiều lắm". Hình ảnh hai người ôm nhau từ xa trong nước mắt khiến không ít người chứng kiến và người dùng mạng cảm động. |
Vừa trở về quê nhà Thiểm Tây được một ngày để đón Tết Nguyên đán cùng gia đình, Fu Xinyu, bác sĩ nhãn khoa tại bệnh viện ở Thành Đô, quyết định quay trở lại thành phố để hỗ trợ đồng nghiệp. Cha mẹ Fu giúp cô chăm sóc con trai và thường xuyên nhắn tin động viên con gái. "Tôi thường không ăn uống, nhịn đi vệ sinh suốt 12 tiếng để không phải cởi bỏ đồ bảo hộ, chỉ nghỉ giải lao một lần vào bữa trưa. Mặt tôi và nhiều đồng nghiệp cũng đau, hằn vết đỏ do đeo khẩu trang và kính bảo hộ”, cô chia sẻ. Ảnh: The Paper. |
Zhang Qiuping, trưởng khoa ngoại trú của bệnh viện phổi Vũ Hán (Trung Quốc) chưa từng rời xa nhiệm vụ của mình kể từ khi virus corona bùng phát. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, bà cũng từ chối về nhà với chồng con và nghỉ ngơi ngay tại văn phòng. Là người trực tiếp hội chẩn và thăm khám, bà trao đổi với vài trăm bệnh nhân, đôi khi lên đến 300-400 người mỗi ngày. Bàn tay của bà Zhang đầy vết trầy xước, rớm máu do tiếp xúc nhiều với chất khử trùng. Ảnh: China Daily. |
Đêm Giao thừa, khu vực cách ly bệnh nhân tại bệnh viện Shandong Zouping (Sơn Đông, Trung Quốc) có sự xuất hiện của 3 bác sĩ, 5 y tá tình nguyện nhận nhiệm vụ đầu tiên. Người lớn tuổi nhất trong số 8 người là bác sĩ Chen Qiangfu (46 tuổi) và trẻ nhất là y tá Liu Huiting (23 tuổi). Con cái của họ hầu hết chỉ từ 2 tháng tuổi đến 5 tuổi. “Mẹ/em ổn, đừng lo lắng" là những lời nhắn vội vàng họ gửi cho gia đình. Trong ảnh, y tá trưởng Peng Meili và đồng nghiệp Gong Xiaojun để lộ những vết hằn sâu trên khuôn mặt sau khi cởi bỏ đồ bảo hộ. Ảnh: China News. |