Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Công ty Luật TNHH Trường Lộc - cho rằng theo quy định của pháp luật phải công khai người “mua” điểm vì họ là đồng phạm.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn phân tích theo dõi thông tin từ báo chí được biết, ít nhất tới thời điểm hiện nay 3 cán bộ trong ngành công an bị khởi tố, nhiều cán bộ ngành giáo dục bị bắt giam.
Đáng nói, 2 tỉnh Sơn La và Hoà Bình có tới 108 thí sinh được nâng điểm, trong đó Hoà Bình là 64 thí sinh và Sơn Là là 44 thí sinh.
Nhiều cán bộ nhúng chàm vụ sửa điểm thi THPT 2018. Ảnh: Tiền Phong. |
Điều đó chứng tỏ sẽ còn rất nhiều người liên đới trong việc thông đồng với cán bộ ngành giáo dục và công an để xin xỏ, “mua điểm”. Về việc này, cơ quan điều tra cần tiếp tục làm rõ mối liên hệ giữa phụ huynh, người thân của thí sinh được nâng điểm khống với cán bộ ngành giáo dục, công an để xác định hành vi đồng phạm, luật sư Tuấn nói.
Luật sư Tuấn trích dẫn, căn cứ Điều 17, tội đồng phạm, Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó, tội đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một hành vi tội phạm. Tiếp đó là phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Ngoài ra, đồng phạm bao gồm người tổ chức, thực hành, xúi giục, giúp sức.
Chính vì thế, luật sư Tuấn cho rằng khi xác định được họ là tội phạm thì đương nhiên phải xử lý công khai danh tính theo quy định của pháp luật.
Đối với học sinh, luật sư Nguyễn Anh Tuấn cũng cho rằng vụ việc gian lận điểm thi xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua không phải thí sinh thực hiện mà do một số cán bộ sửa điểm thi. Các thí sinh được sửa điểm thi không thực hiện hành vi sửa điểm thi, không thực hiện hành vi gian lận trong thi cử. Do đó, các em không vi phạm quy định của pháp luật và không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo của Điều 28 của Thông tư số 04/2017/TT - BGDĐT ngày 25/1/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về quản điểm bài thi: Sau khi chấm thi xong tất cả các môn, Chủ tịch Hội đồng thi duyệt kết quả thi, báo cáo và nộp toàn bộ dữ liệu kết quả thi về Bộ GD&ĐT (Cục KTKĐCLGD) để lưu giữ và đối chiếu.
Dữ liệu kết quả thi phải lưu vào 2 đĩa CD giống nhau, được niêm phong và lập biên bản niêm phong dưới sự giám sát của thanh tra và công an; 01 đĩa giao cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu giữ, 01 đĩa bàn giao cho Bộ GD&ĐT (Cục KTKĐCLGD).
Sau khi duyệt kết quả thi và gửi dữ liệu thi về Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng thi chỉ đạo Ban Thư ký Hội đồng thi in Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh (theo mẫu thống nhất do Bộ GD&ĐT quy định), ký tên, đóng dấu và gửi cho các trường phổ thông, nơi thí sinh đăng ký dự thi.
Mỗi thí sinh được cấp 1 Giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất. Tất cả các tài liệu liên quan đến điểm bài thi đều phải niêm phong và do Chủ tịch Hội đồng thi trực tiếp bảo quản.
Pháp luật không quy định công bố điểm thi. Cũng không có quy định cụ thể nào điểm thi THPT quốc gia là bí mật của cá nhân.
Việc sửa điểm thi do các cá nhân là cán bộ, giáo viên thực hiện đã bị khởi tố, nếu có căn cứ xác định những người này thực hiện việc sửa điểm thi do người khác nhờ vả, yêu cầu thì những người đó đã đồng phạm với cán bộ, giáo viên sửa điểm thi. Những người này đã có hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi vi phạm pháp luật không phải là bí mật cá nhân, do đó việc công khai danh tính của họ không vi phạm pháp luật, luật sư Tuấn nói.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho rằng việc công khai danh tính của thí sinh phải tuân thủ Hiến pháp 2013 và Luật Dân sự 2016. Công bố danh tính ở thời điểm nào, công bố đến đâu là quyền của cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra cũng tính đến tác động của nhiều phía.
Theo ông Trinh, Hòa Bình có 64 thí sinh được nâng điểm với mức cao nhất là 26,45 điểm/3 bài thi, môn được nâng nhiều nhất là hơn 9 điểm.
Tại Sơn La, 44 thí sinh được nâng điểm, mức nâng cao nhất là 26,55 điểm/3 môn thi. Môn được nâng nhiều nhất là 9 điểm.