Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Nhật Bản thích ăn đồ sống

Nhiều món ở Nhật Bản được thưởng thức tươi, không qua các công đoạn như chiên, rán, nấu... Cách ăn này khiến nhiều người e sợ về độ an toàn vệ sinh thực phẩm.

Khi đặt chân tới xứ anh đào, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức ẩm thực đặc biệt với những món đồ sống. Các loại đồ ăn này đều đã được đầu bếp xử lý kỹ trước khi đến với thực khách. Văn hóa ăn sống đang dần vươn xa khỏi Nhật Bản, trở nên phổ biến hơn trên thế giới.

Vì sao người Nhật ăn đồ sống?

Đây là vấn đề được nhiều người đặt ra trên trang web chuyên hỏi đáp Quora. Chỉ cần tìm kiếm từ khóa "người Nhật" và "đồ ăn sống", bạn sẽ nhận được lượng lớn câu hỏi cùng lời giải đáp từ thành viên diễn đàn.

Một số người tin đây là thói quen được "du nhập" từ miền Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, văn hóa đồ sống ở Trung Quốc khá hạn chế. Số ít tài liệu chưa kiểm chứng nói người Nhật ăn đồ sống vì ảnh hưởng từ Bách Tế - một vương quốc cổ nằm ở phía tây nam bán đảo Triều Tiên xưa.

thit song nhat ban anh 1

Lý do người Nhật Bản thích ăn đồ sống vẫn chưa có lời giải đáp xác thực. Ảnh: Matador Network.

Sau khi vương triều sụp đổ, nhiều hoàng tộc và dân chúng Bách Tế đã di cư đến Nhật Bản. Họ quen ăn đồ sống nên đã tạo ảnh hưởng không nhỏ đến cách dùng bữa của người xứ anh đào.

Lịch sử của việc ăn đồ sống cũng có thể đến từ thời kỳ Jomon (giai đoạn đồ đá mới ở Nhật Bản). Người Jomon sống ở ven biển miền Đông Nhật Bản ngày nay. Thực phẩm của họ chủ yếu đến từ việc săn bắt hải sản và hái lượm thực vật như hạt dẻ, quả óc chó...

Dù vậy, hầu như không thể tìm thấy tài liệu chính xác lý giải việc người Nhật Bản thích ăn đồ sống. Văn hóa này đã len lỏi và ăn sâu vào tiềm thức của người dân xứ Phù Tang. "Chỉ khi lớn lên, tôi mới biết người nước ngoài không ăn trứng sống", chủ blog ẩm thực Ikechan's Japanese Food chia sẻ.

Bên cạnh đó, người Nhật Bản coi trọng độ tươi của nguyên liệu. Điều này khiến thực phẩm thô trở nên phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, thói quen ăn uống của mỗi người là khác nhau. Không phải người dân xứ anh đào nào cũng thích kiểu ăn đồ sống.

Những món ăn sống an toàn

Nỗi sợ đồ ăn sống của nhiều người đa số đến từ nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, ở một đất nước có trình độ khoa học cao như Nhật Bản, điều này có thể hạn chế đáng kể.

Salmonella, loại vi khuẩn gây bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, thường xuất hiện khi ăn trứng gà chưa đủ chín. Tại Nhật Bản, điều này dường như không đáng bận tâm. Xứ anh đào nổi tiếng với món tamago kake gohan, hiểu đơn giản là cơm kèm trứng sống.

thit song nhat ban anh 2

Món cơm trứng sống an toàn của người Nhật Bản. Ảnh: Love Foods.

Công thức món này khá đơn giản. Bạn chỉ cần đập quả trứng sống lên bát cơm chín rồi cho thêm nước tương, trộn đều. Vị béo ngậy của trứng kết hợp với cơm dẻo tạo nên món ngon.

Tinh túy của món tamago kake gohan nằm ở chính những quả trứng sống. Để được xét vào dạng "ăn được", quả trứng phải trải qua nhiều quy trình kiểm tra gắt gao.

Tại các trại gà, người nuôi phải mặc đồ bảo hộ khi vào chuồng. Họ còn thực hiện các biện pháp bảo hộ bổ sung để ngăn gà tiếp xúc với nguồn lây bệnh hoang dã như chim, côn trùng và một số loài động vật khác. Do đó, gà nuôi ở Nhật Bản có khả năng nhiễm khuẩn salmonella thấp hơn. Từ đó, nguy cơ trứng nhiễm khuẩn độc cũng giảm.

Sau khi xuất chuồng, trứng được cho chạy qua một máy rửa, khử trùng, đồng thời kiểm tra vết nứt trên bề mặt vỏ. Những quả không đạt tiêu chuẩn sẽ bị bỏ. Khi đem bán ra thị trường, trứng ở Nhật Bản thường được mặc định dùng để ăn sống. Do đó, nó chỉ có hạn sử dụng khoảng 2 tuần để đảm bảo độ tươi ngon.

thit song nhat ban anh 3

Quy trình kiểm tra nghiêm ngặt và cách chế biến đặc biệt giúp người Nhật Bản ăn được đồ sống. Ảnh: Getty.

Ngoài trứng sống, Nhật Bản còn nổi tiếng với món cá sống. Người dân xứ anh đào thích món này vì cá sống có lợi cho sức khỏe. Nếu nấu nướng, cá sẽ bị mất lượng lớn axit béo omega-3 lành mạnh. Tuy nhiên, nguyên nhân món cá sống trở nên phổ biến ở Nhật Bản cần được hiểu theo góc độ địa lý và tôn giáo.

Về địa lý, Nhật Bản là quốc gia được bao quanh bởi đại dương. Do đó, hải sản như cá trở nên phổ biến từ lâu đời. Các dòng hải lưu thay đổi trong năm giúp Nhật Bản có sự khác biệt về loại cá theo mùa. Những dòng sông sạch sẽ cũng tạo điều kiện cho cá nước ngọt sinh sôi, phát triển.

Nhật Bản chịu ảnh hưởng nhiều từ Phật giáo. Tôn giáo này đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 7 hoặc 8. Do ảnh hưởng của đạo Phật, việc ăn thịt tại Nhật Bản đã giảm hẳn từ thế kỷ thứ 10. Việc tránh ăn thịt không phải điều lạ ở Nhật Bản bởi Thần đạo cũng coi loại thực phẩm này là thứ ô uế.

Không được ăn thịt, người dân nước này tìm đến cá như nguồn bổ sung protein. Họ bắt đầu tiêu thụ cá đánh bắt từ đại dương trong thời kỳ Edo. Món cá sống cũng dần phổ biến và được thay đổi với nhiều cách thưởng thức. Hiện nay, Nhật Bản có nhiều món ăn nổi tiếng với nguyên liệu chính là cá sống như sashimi, sushi, narezushi hay tekkadon...

Để món cá sống trở nên an toàn, người Nhật Bản luôn tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt. Họ áp dụng 2 phương pháp loại bỏ ký sinh trùng trên cá là cấp đông ở nhiệt độ sâu hoặc làm nóng ở nhiệt độ cao. Sau khi đánh bắt, cá thường được giữ lạnh ở âm 20 độ C. Khi làm nóng, họ sẽ xử lý cá ở nhiệt độ cao (trên 60 độ C) trong ít nhất 1 phút.

Người dân xứ Phù Tang cũng diệt giun, sán bằng cách rắc một lớp muối mỏng trên cá. Khi ăn, họ thường dùng cá sống với những món có tính diệt khuẩn cao như wasabi, gừng, lá tía tô...

Rủi ro tiềm ẩn

Các loại đồ ăn sống đều có nguy cơ lây nhiễm sán, vi khuẩn. Điều này thường được xem nhẹ ở Nhật Bản vì họ có quy trình xử lý nghiêm ngặt thực phẩm trước khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, nếu không ở xứ Phù Tang hoặc dùng bữa tại những nhà hàng chuẩn Nhật Bản, việc ăn đồ sống nên được cân nhắc kỹ.

Tờ Indian Today từng có bài báo khuyến cáo không bắt chước ăn torisashi như người Nhật Bản. Đây là món ăn biến tấu từ sashimi nhưng thay nguyên liệu chính thành thịt gà sống.

Lý do tờ này đưa ra là các chủ trại có thể tiêm thuốc kháng sinh cho gà - điều vốn đã gây hậu quả xấu cho người tiêu dùng. Mặt khác, gà nuôi ở các trang trại không đảm bảo vệ sinh an toàn có nguy cơ nhiễm khuẩn, sán cao hơn.

Ngay cả khi dùng bữa ở Nhật Bản, ít ai dám chắc 100% rủi ro sẽ không xảy ra. Năm 2011, 4 người đã tử vong khi ăn thịt bò sống ở chuỗi nhà hàng Foods Forus Co. Khoảng 180 người khác xuất hiện triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau khi dùng bữa tại 6 nhà hàng thuộc chuỗi này ở các tỉnh Kanagawa, Toyama, Ishikawa, và Fukui.

Năm 2018, Tòa án Tokyo đã yêu cầu Foods Forus Co bồi thường 1,6 triệu USD cho gia đình các nạn nhân.

4 món ăn miền Tây nổi tiếng ở TP.HCM

Ẩm thực miền Tây chiều lòng thực khách bởi hương vị đặc trưng, hình thức đa dạng. Bạn có thể thưởng thức nhiều món ăn ngon xuất xứ từ vùng đất này ở TP.HCM.

4 thực phẩm xa xỉ của giới thượng lưu

Các món ăn có giá tới hàng triệu USD dưới đây thường được dùng để phục vụ trong những bữa tiệc thượng lưu.

Anh Tú

Tổng hợp

Bạn có thể quan tâm