Theo CF Fashion Book, bước đi đầu tiên của người nổi tiếng trong lĩnh vực làm đẹp là kiếm tiền từ tên và gương mặt bằng cách trở thành đại diện cho sản phẩm hoặc chiến dịch.
Nhiều công ty nhận thấy mọi người có xu hướng "noi gương" thói quen làm đẹp của ngôi sao. Do vậy, các thương hiệu tận dụng điều này để quảng cáo và bán sản phẩm.
Tuy nhiên, theo thời gian, người tiêu dùng dần từ chối chiến thuật tiếp thị này. Đây là xu hướng khi các thương hiệu làm đẹp do người nổi tiếng sản xuất "mọc lên" khá nhiều.
Bước đệm vào ngành công nghiệp làm đẹp
Trang điểm và chăm sóc da là hai mảnh ghép lớn của ngành công nghiệp làm đẹp. Tuy nhiên, nước hoa mới chính là nền tảng của những người nổi tiếng khi đặt chân vào ngành công nghiệp này.
Các nghệ sĩ như Cher, Michael Jackson và Elvis Presley đều tạo ra nước hoa từ những năm 1980. Đến những năm 1990, không ít người nổi tiếng khác cũng tham gia, thậm chí huyền thoại bóng rổ Michael Jordan cũng thử sức ở lĩnh vực này.
Bước sang những năm 2000, nước hoa của người nổi tiếng thực sự được chú ý. Từ siêu mẫu, nhà thiết kế thời trang đến ca sĩ, diễn viên như Naomi Campbell, cặp song sinh nhà Olsen, Britney Spears, Jessica Simpson đều tung ra sản phẩm riêng.
Do vậy, việc người nổi tiếng ra mắt thương hiệu làm đẹp riêng được xem như bình thường. Họ tập trung xây dựng thương hiệu của mình hơn là hỗ trợ các nhãn hàng hiện có. Họ tạo ra nước hoa rồi chuyển sang các dòng dưỡng da hoặc trang điểm.
Naomi Campbell, Mariah Carey cùng nhiều người nổi tiếng tung ra dòng nước hoa riêng. Ảnh: Claire Dalcorso, CR Fashion Book. |
Mong muốn đa dạng hóa bản thân
Kylie Cosmetics của Kylie Jenner và Fenty Beauty của Rihanna xuất hiện đã "thổi bùng" thị trường. Hai cái tên này được ví như "nguyên bản" trong số các thương hiệu làm đẹp nổi tiếng hiện nay.
Kylie Jenner bắt đầu tạo ra nhiều xu hướng làm đẹp nổi tiếng vào năm 2014. Cô trở thành nữ doanh nhân triệu phú nhờ vào thương hiệu của mình.
Trong khi đó, đế chế Fenty của Rihanna thay đổi rõ rệt ngành công nghiệp làm đẹp. Dòng kem nền của cô ra mắt lần đầu với 40 sắc thái da (hiện nay là 50). Ở thời điểm đó, đây là con số chưa từng có trong tiền lệ.
"Hiệu ứng Fenty" ra đời như lời thách thức tiêu chuẩn và vượt qua các ranh giới. Điều này thúc đẩy các thương hiệu mở rộng dòng trang điểm để mang tới sự đa dạng cho khách hàng.
Fenty và Kylie Cosmetics có tác động mạnh đến thị trường làm đẹp. Ảnh: Grazia, ELLE. |
Kể từ đó, các thương hiệu làm đẹp của người nổi tiếng tiếp tục mọc lên. Họ không giới hạn bản thân trong trang điểm và chăm sóc da. Họ mở rộng hoạt động trên các lĩnh vực như chăm sóc tóc, dụng cụ làm đẹp hay trang điểm...
"Xây dựng thương hiệu riêng là cách tuyệt vời để mở rộng tên tuổi, thể hiện sự sáng tạo. Họ muốn đa dạng hóa bản thân thay vì chỉ được biết đến với vai trò ca sĩ hay nhạc sĩ", CF Fashion Book bình luận.
Nỗi ám ảnh về quy trình chăm sóc da hoặc trang điểm trở thành thương vụ hoàn hảo để kiếm tiền. Ngành làm đẹp có tỷ suất lợi nhuận cao, hành vi mua hàng lặp lại. Ngoài ra, nhiều hoạt động bán hàng được thực hiện thông qua hình thức truyền miệng.
Tuy nhiên, thị trường trở nên quá bão hòa là điều có thể xảy ra. Vì vậy, người nổi tiếng vẫn cần thận trọng và tính toán trước khi quyết định mở thương hiệu. Tính xác thực, chất lượng và đa dạng là những yếu tố then chốt.
Chuyên gia nhấn mạnh: "Họ cần thể hiện sự khác biệt, tính cạnh tranh để có thể thu hút người tiêu dùng".
Pharrell là sao nam có thương hiệu làm đẹp riêng. Ảnh: Harper's Bazaar. |