Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Người nội trợ trẻ tìm niềm vui trong căn bếp mùa giãn cách

Khi Hà Nội giãn cách, hàng quán đóng cửa, nhiều người nội trợ lại có dịp để trổ tài nấu nướng.

nau an mua dich anh 1

Khi Hà Nội giãn cách, hàng quán đóng cửa, nhiều người nội trợ lại có dịp để trổ tài nấu nướng.

Do cuộc sống vốn bận rộn, nhiều người nội trợ trẻ thường có ít quỹ thời gian để vào bếp nấu nướng. Đôi khi họ lựa chọn ăn ngoài hàng hoặc gọi ship.

Tuy nhiên, khi thành phố giãn cách, mọi công việc có thể làm từ xa, họ đã tìm những trải nghiệm mới trong chính căn bếp của mình.

Zing chia sẻ câu chuyện của 4 người nội trợ đã tự biến công việc nấu nướng trở thành niềm vui mỗi ngày.


Mất 2 tiếng để vừa nấu ăn vừa quay video

Ngọc Giang, Cầu Giấy

Trước giai đoạn giãn cách, tôi không vào bếp thường xuyên. Vì tính chất công việc khá bận rộn và di chuyển nhiều nên gia đình tôi chủ yếu gọi ship đồ ăn hoặc ra ngoài hàng.

Từ khi dịch diễn biến phức tạp, tôi làm việc tại nhà nên có nhiều thời gian vào bếp hơn và cũng háo hức chờ đến giờ cơm. Nhờ có khoảng thời gian này, gia đình tôi mới có thể quây quần bên mâm cơm nhà.

Nhà tôi có 3 thành viên nên việc nấu nướng cũng khá đơn giản. Tuy nhiên, để có động lực vào bếp, tôi thường quay lại video nấu một số món ngon, chia sẻ trên kênh cá nhân.

Những ngày đầu, tôi thường mất đến 2 tiếng để vừa nấu bữa tối vừa quay video thay vì chỉ mất khoảng 30 phút như trước đây. Sau nhiều lần tôi cũng đã quen dần với việc dùng một tay nấu, một tay cầm chiếc điện thoại.

Ngoài các món quen thuộc trong mâm cơm gia đình, tôi thường tìm hiểu để học làm cháo sườn sụn hay bún thịt nướng trong ngày nghỉ. Tôi muốn duy trì một cuối tuần vui vẻ cho gia đình trong những ngày giãn cách.


Khoe "chiến tích" các món ngon lên mạng xã hội

Mai Minh, Cầu Giấy

Trước dịch, mâm cơm nhà tôi thường có 4 người lớn và 1 em bé có chế độ ăn riêng. Tuy nhiên, thời gian này, 2 người em gái của tôi được nghỉ hè nên đã về quê. Bây giờ, tôi chỉ nấu cơm với 2 phần ăn.

Câu chuyện mâm cơm đủ đầy, hay hôm nay ăn gì của gia đình tôi không chỉ mùa dịch mới có. Tôi luôn chỉn chu và chăm sóc bữa cơm cho thành viên trong gia đình trong suốt 365 ngày.

Buổi sáng, tôi thường chế biến những món ăn quen thuộc như bún sườn chua, phở gà hay đơn giản hơn là bánh mì kẹp, lâu lâu đổi qua pizza hay mì Ý.

Vốn là người yêu thích công việc nội trợ, nấu ăn đối với tôi là cách để xả stress và nâng cao tay nghề, thử sức với những món mới.

Nấu được món bánh ngon tôi lại khoe "chiến tích" trên mạng xã hội. Tôi vui khi được mọi người tương tác khen món bánh hôm nay làm đẹp hay hỏi công thức cách làm.

Trong đợt giãn cách này, tôi đã học thêm cách làm một số món mới như bánh mì mè đen Hàn Quốc, bánh khoai lang tím nhân phô mai, bánh mì Việt Nam, pizza... Những món ăn này tôi làm thành công ngay trong lần đầu.


Mở được quán bán đồ ăn sau mùa dịch

Thu Trang, Hai Bà Trưng

Tôi chỉ bắt đầu học nấu ăn khi gia đình chuyển ra ở riêng. Công thức các món ăn tôi đều phải tìm kiếm trên Internet. Nấu nhiều món, tôi đã quen với khẩu vị của các thành viên trong gia đình.

Trong mùa dịch, để hạn chế tiếp xúc nơi đông người, tôi thường lên thực đơn 3-5 ngày để đi siêu thị 2 lần/tuần. Đối với tôi, việc nấu nướng không phải là trở ngại nhưng phải suy nghĩ hôm nay ăn gì luôn khiến tôi "đau đầu".

Trước dịch, tôi chỉ nấu 1 bữa/ngày. Khi hàng quán đóng cửa và dừng giao đồ ăn, số bữa cần nấu tăng lên gấp 3 lần. Lựa chọn nấu những món đơn giản, ít cầu kì nhưng phải sắp xếp thực đơn sao cho các thành viên không cảm thấy nhàm chán luôn là thử thách đối với tôi.

Tôi đang học thêm cách làm các các món như phở bò, bún thang, bún mọc hay cơm sườn cốt lết. Những món ăn này tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ nấu ở nhà vì khá phức tạp. Vì thời gian nghỉ dịch dài, nhớ hương vị hàng quán nên tôi vào bếp trổ tài. Dù lần đầu nhưng các món đều đúng hương vị và mọi người khen ngon.

Tôi thường chụp hình các món mình nấu và chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều người quen của tôi khuyên nên mở một quán đồ ăn sau mùa dịch này.


Thực hiện thử thách 30 ngày nấu cơm nhà

Hà Vân, Hoàn Kiếm

Trước đây, tôi không thường xuyên vào bếp, chủ yếu ăn ngoài hàng hoặc gọi ship tận nhà. Trong một năm, số lần vào bếp của tôi chỉ tính trên một bàn tay. Từ khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tôi bắt đầu tập thói quen nấu cơm nhà.

Tôi tự thử thách bản thân với 30 ngày nấu cơm nhà và chia sẻ trên mạng xã hội. Tôi lên danh sách 60 bữa cho 30 ngày và hạn chế trùng món để khẩu vị của gia đình được thay đổi.

Những ngày đầu, tôi cảm thấy khá mệt và nóng bức. Tuy nhiên, sau khoảng 3 tháng, tôi đã yêu thích công việc bếp núc hơn và dần biến nó thành đam mê.

Đối với các món mới, tôi hay tham khảo công thức trên các hội nhóm ẩm thực và thay đổi độ mặn nhạt theo khẩu vị của gia đình. Tôi cũng thường nấu các món ăn ngoài hàng cho bữa sáng như bún bò Huế, miến lươn, phở bắp gầu, hủ tiếu...

Tôi nói vui với những người bạn rằng dù dịch bệnh là điều không ai mong muốn nhưng nhờ nó tôi mới nhận ra nhiều điều và dần hình thành được những thói quen tốt.

5 món ngon sáng tạo từ chuối

Chuối là loại quả dễ kiếm, có thể biến tấu được nhiều món ngon, hấp dẫn, giúp người nội trợ trổ tài trong những ngày giãn cách.

5 công thức làm bánh mì tại nhà

Độc giả Hà Thương chia sẻ 5 công thức làm bánh mì đơn giản tại nhà trong những ngày giãn cách.

Tranh thủ giãn cách, tự học pha cà phê tại nhà

Không thể đến quán cà phê để thưởng thức loại đồ uống yêu thích, nhiều người đã bắt đầu tập pha chế tại nhà trong những ngày giãn cách.

Quỳnh Anh

Bạn có thể quan tâm