Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), vừa tiếp nhận bệnh nhân N.T.T., 64 tuổi, được chuyển đến cấp cứu trong tình trạng sốc, tụt huyết áp và suy thận.
Qua khai thác bệnh sử, trước đó, bà T. mua đào từ gánh hàng rong. Sau khi ăn một quả đào 30 phút, bà T. bị đau bụng, nôn, tiêu chảy liên tục, dẫn đến mất nước trầm trọng. Người nhà đưa bà T. đến viện gần nhà. Lúc này, bệnh nhân có biểu hiện sốc, tụt huyết áp và suy thận nên được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai.
Sau vài ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân T. đã cải thiện tốt.
Ăn thực phẩm bán hàng rong tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc. Ảnh: Helpguide. |
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết căn nguyên việc ngộ độc của bệnh nhân T. chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, dựa trên bệnh cảnh của người bệnh, các bác sĩ nghi có thể do một trong hai nguyên nhân.
Thứ nhất, người bệnh bị ngộ độc có thể do hóa chất bảo quản thực phẩm. BS Nguyên cho biết hiện nay có quá nhiều loại hóa chất bị tùy tiện sử dụng.
Nguyên nhân thứ hai có thể là độc tố vi khuẩn trong trái đào (nguyên nhân này ít căn cứ hơn).
Theo BS Nguyên, ngộ độc thực phẩm có các triệu chứng điển hình như nôn, đau bụng, tiêu chảy. Nếu điển hình, sẽ có từ hai người trở lên bị bệnh tương tự như nhau sau khi cùng ăn, uống một loại thực phẩm nghi ngờ, người không ăn không bị bệnh.
Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị rối loạn cảm giác, tê bì, yếu liệt, co giật, mạch không đều, tụt huyết áp, khó thở... Khi có các dấu hiệu nặng, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Để phòng tránh ngộ độc, TS Nguyên khuyên người dân cần ăn chín, uống sôi; chọn thực phẩm tươi sống hoặc đông lạnh đúng yêu cầu; tách riêng thực phẩm sống và chín, kể cả các dụng cụ chế biến, chứa đựng; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
Đặc biệt, những người có sức đề kháng yếu, người già, trẻ nhỏ không nên ăn sống, đặc biệt thịt, cá sống, gỏi, hải sản sống, tiết canh.