Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người phụ nữ bị vỡ trực tràng vì thụt cà phê để giải độc

Người phụ nữ 38 tuổi dùng cà phê để thụt tháo trực tràng. Trong lần thứ 3 thực hiện, bà đau dữ dội vùng bụng dưới, chảy máu hậu môn, phải nhập viện.

Bệnh nhân cho biết đã dùng phương pháp này hai lần, mỗi lần cách nhau một tuần. Ảnh: Hieunguyen.

Bác sĩ Nguyễn Thành Khiêm, khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết đơn vị này vừa phẫu thuật cho trường hợp bị vỡ trực tràng do thải độc (detox) bằng phương pháp thụt tháo cà phê.

Vỡ trực tràng, áp xe phúc mạc

Bà Đ.T.P. (38 tuổi) vào viện vì đau bụng vùng chậu dưới rốn dữ dội kèm đi ngoài ra máu. Trước đó, người bệnh đã sử dụng biện pháp thụt tháo thải độc bằng cà phê tại phòng khám tư nhân.

Bệnh nhân cho biết đã dùng phương pháp này hai lần, mỗi lần cách nhau một tuần.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ thấy hình ảnh tụ dịch khí khoang sau phúc mạc, nghi vỡ trực tràng. Vì vậy, các thầy thuốc quyết định phẫu thuật cấp cứu để xử lý tổn thương.

Theo bác sĩ Khiêm, quá trình phẫu thuật ghi nhận tổn thương vỡ trực tràng 1/3 dưới gây áp-xe khoang sau phúc mạc. Ê-kíp mổ đã khâu chỗ vỡ trực tràng, đồng thời dẫn lưu rộng vùng khoang sau phúc mạc và làm hậu môn nhân tạo đoạn đại tràng Sigma.

thut thao ca phe anh 1

Bệnh nhân cho biết đã dùng phương pháp này hai lần, mỗi lần cách nhau một tuần. Ảnh: Coffeemajor.

Sau 2 tuần, bệnh nhân xuất viện, đã ăn uống, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, người phụ nữ sẽ phải chịu cuộc phẫu thuật tiếp theo sau vài tháng để đóng lại hậu môn nhân tạo.

"May mắn giữ được tính mạng do được phẫu thuật kịp thời, nhưng bệnh nhân từ người đang bình thường khỏe mạnh, chỉ vì tin vào những thông tin lan truyền không căn cứ đã phải chịu đựng 2 cuộc mổ nặng nề. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe hiện tại và sau này của bệnh nhân", bác sĩ Khiêm nhận định.

Phương pháp chưa có bằng chứng khoa học

Bác sĩ Lương Tuấn Hiệp, khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, cho hay hiện nay, mạng xã hội lan truyền phương pháp thụt cà phê qua đường hậu môn được cho là có nhiều tác dụng như chống táo bón, trị bách bệnh.

Các video hướng dẫn người xem dùng cà phê loại "chuyên dụng dành riêng cho việc thải độc đại tràng" rồi đun sôi với nước lọc. Nước cà phê được cho vào túi, treo cao lên hoặc cho vào những “thiết bị thụt tháo chuyên dụng”, trong khi đầu dây còn lại cắm vào hậu môn.

Lúc này, người thực hiện nằm thả lỏng để dung dịch nước cà phê chảy vào cơ thể. Hầu hết trường hợp này đều được làm ngay tại nhà hoặc ở một số cơ sở khám, chữa bệnh chưa cấp phép.

"Các bằng chứng khoa học trong và ngoài nước chưa khẳng định tác dụng của phương pháp thải độc này. Tuy nhiên, gần đây, các bác sĩ đã ghi nhận nhiều biến chứng nguy hiểm do phương pháp này gây ra. Một trong số đó là vỡ trực tràng do thụt tháo không đúng cách", bác sĩ Hiệp nói.

Các bác sĩ nhấn mạnh việc bơm cà phê vào hậu môn sẽ làm trực tràng bị giảm kích thích, lâu dài mất phản xạ của cơ quan này. Đồng thời, việc mất phản xạ của trực tràng cũng làm tăng nguy cơ vỡ trực tràng trong những lần thụt tháo sau do bệnh nhân không còn cảm giác buồn đại tiện. Vì vậy, người bệnh rất dễ bơm quá nhiều thuốc vào trực tràng, gây vỡ bộ phận này.

Bên cạnh đó, người dân đưa thuốc vào cơ thể theo con đường trái tự nhiên sẽ đẩy hệ vi sinh đường ruột tới trạng thái mất cân bằng.

Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cho biết không có bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào cho thấy các chương trình detox thải độc hoặc làm sạch thực sự loại bỏ độc tố khỏi cơ thể hoặc cải thiện sức khỏe.

thut thao ca phe anh 2

Bài báo về các trường hợp tử vong do thụt tháo bằng cà phê tại Mỹ. Ảnh: BSCC.

Cơ quan này cũng có báo cáo về 3 trường hợp tử vong có thể liên quan thụt cà phê. Các tạp chí y khoa uy tín như Endoscopy, American Journal of Gastroenterology, Mayoclinic cũng thông báo trên trang của họ về thực tế việc làm sạch ruột có thể gây hại, bỏng trực tràng, thậm chí tử vong.

Vì vậy, thụt tháo đại tràng là phương pháp điều trị cần được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa và thực hiện tại cơ sở y tế có cấp phép. Thay vì áp dụng các phương pháp không chính thống, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên bảo vệ hệ tiêu hóa bằng cách uống nhiều nước, ăn trái cây, rau củ…

Đồng thời, bạn nên hạn chế bia rượu, thịt đỏ, đồ ăn nhiều dầu mỡ. Việc thường xuyên vận động cũng giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn mỗi ngày.

Dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học, cuốn sách "Tâm hơn thuốc" của tác giả Lissa Rankin chỉ ra rằng biện pháp cải thiện tâm lý, suy nghĩ tích cực có thể phòng tránh bệnh tật và giải quyết một số vấn đề về sức khỏe của con người. Cuốn sách cho thấy sự sáng tạo, thư giãn, sống thật với chính mình... là những phương pháp đơn giản giúp giảm căng thẳng trong công việc và cải thiện tình trạng sức khỏe.

Nhiều trẻ bị sốt xuất huyết nặng bị chẩn đoán nhầm

Nhiều trẻ nhũ nhi bị sốt xuất huyết nặng có thể không có biểu hiện đặc trưng của bệnh, dẫn tới chẩn đoán và điều trị sai cách.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm