Bên trong khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn (ICU) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, bệnh nhân 52 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng thở nhanh, huyết áp 150/90 mmHg, xuất huyết da dạng bản đồ lan rộng rải rác toàn thân, vài vị trí có hoại tử trung tâm.
Theo kết quả điều tra bệnh sử, một ngày trước, người bệnh có dấu hiệu sốt, ớn lạnh, đau nhức toàn thân. Chiều cùng ngày, bà xuất hiện thêm các mảng ban hồng tím ở cánh tay, sau đó lan ra toàn thân.
Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bị sốc nhiễm trùng do não mô cầu thể tối cấp. Người bệnh được hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, sử dụng kháng sinh và thuốc vận mạch. Tuy nhiên, do tình trạng nặng, bà đã không qua khỏi sau 6 giờ nhập viện.
Ngay khi nhận được thông tin về ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh và Trạm y tế xã Đa Phước đến nhà bệnh nhân để điều tra người tiếp xúc cũng như thực hiện các biện pháp xử lý, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định.
Kết quả điều tra ghi nhận người bệnh làm công nhân tại một công ty ở tỉnh Long An và sống cùng chồng tại một nhà trọ ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh.
Cơ quan chức năng cũng phát hiện 2 người có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Cả 2 chưa có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh do não mô cầu, được cấp kháng sinh dự phòng và hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
Đồng thời, HCDC cũng đã kích hoạt quy trình chia sẻ thông tin dịch bệnh giữa các tỉnh liên kết vùng để thông báo cho CDC Long An phối hợp điều tra dịch tễ.
Hình ảnh vi khuẩn não mô cầu. Ảnh: Sciencephotos. |
Não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch.
Tại Việt Nam, bệnh được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, thường gặp vào mùa Đông - Xuân. Bệnh não mô cầu được phân loại là bệnh truyền nhiễm nhóm B cùng với Covid-19, bạch hầu, cúm, dại, ho gà, lao phổi, sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, tay chân miệng, thủy đậu...
Vi khuẩn não mô cầu lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh (người mắc hoặc người lành mang trùng) do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra.
Trong cộng đồng, tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng chiếm khoảng 5-25%. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn tại khu vực ổ dịch.
Bệnh có các thể lâm sàng như viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim... Trong đó, thể phổ biến hơn là viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết.
Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt, với tỷ lệ 10-20%. Tỷ lệ không qua khỏi của bệnh có thể lên tới 8-15%.
Bệnh do não mô cầu thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại...), trên các nhóm người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Để phòng bệnh do não mô cầu, ngành y tế khuyến cáo người dân trong cộng đồng, đặc biệt tại những vùng có dịch lưu hành:
- Thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng.
- Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc.
- Chủ động tiêm vaccine phòng bệnh tại các cơ sở y tế.
- Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Những loại vi khuẩn mang bộ mặt của cừu non
Trong cơ thể người có một hệ thống vi sinh vật rất phong phú. Chúng có công rất lớn trong việc xây dựng hàng rào miễn dịch và đề kháng cho cơ thể. Thế nhưng, việc lạm dụng kháng sinh đã gây ảnh hưởng xấu đến hệ vi sinh vật trong cơ thể. Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.