Hình ảnh runner đang mang thai 7 tháng trên đường chạy 5 km lan truyền trên mạng xã hội. |
Mới đây, hình ảnh một thai phụ với bụng bầu lớn rõ xuất hiện trên đường chạy trong một cuộc thi marathon khiến nhiều người chú ý.
Thai phụ 25 tuổi, đang mang thai ở tuần thứ 29. Trên đường chạy này, cô hoàn thành cự ly 5 km sau gần 41 phút.
Nhiều người lo lắng đây là hành động nguy hiểm, đánh cược sự an toàn của người mẹ và thai nhi. Trong khi đó, số khác cho rằng trong điều kiện thường xuyên tập luyện, việc chạy bộ là hoạt động thường ngày, giúp thai phụ dễ sinh nở.
Chuyên gia nói gì?
Chia sẻ với truyền thông, thai phụ cho biết có nhiều năm rèn luyện chạy bộ và từng tốt nghiệp ngành y cũng như công tác trong ngành sản phụ khoa.
Trước khi quyết định tham gia đường chạy, chị đã tìm hiểu ý kiến từ người có kinh nghiệm cũng như thông tin trên báo. Trong quá trình chạy, chị cho hay mình lắng nghe cơ thể thường xuyên và được lực lượng y tế theo dõi sát sao để đảm bảo an toàn về đích.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ thể thao Phạm Minh Tiện cho biết đối với một người bình thường, chưa tập luyện thể dục thể thao, chưa có nền móng và chưa được tham vấn bởi các bác sĩ hay chuyên gia về vận động, việc tham gia chạy bộ đường dài rất nguy hiểm.
Tuy nhiên, khoảng 10% người mang thai từng vận động trước đó rất nhiều, thường xuyên tập thể dục thể thao, vẫn có thể chạy bộ như một cách tập luyện bình thường.
Phụ nữ mang thai có thể chạy bộ nếu trước đó thường xuyên luyện tập nhiều. Ảnh: Mirror. |
Nếu xét về góc độ hệ vận động, ở những phụ nữ mang thai trên 20 tuần, khung xương chậu bắt đầu giãn nở, nhiều nhóm cơ và dây chằng bắt đầu căng ra. Điều này khiến thai phụ rất khó chạy bộ bình thường. Hệ cơ và hệ khớp của thai phụ trong giai đoạn tuần thai lớn cũng sẽ không chắc khoẻ, nếu chạy không cẩn thận có thể gặp chấn thương.
Theo bác sĩ Tiện, nếu gắng sức, thai phụ vẫn chạy bộ được, nhưng điều này là không cần thiết. Ngoài nguy cơ gặp vấn đề về sức khỏe, chưa kể đến những tai nạn có thể gặp trên đường chạy.
"Marathon chính xác là một cuộc thi chạy bộ, mỗi cuộc thi đều thu hút hàng nghìn người tham dự, những người chạy xung quanh thai phụ sẽ không đủ quan sát xem phía trước, bên phải, bên trái mình là người bình thường hay người đang mang thai. Không thể loại trừ tình huống một khúc cua hoặc một đoạn đường xấu, có người vô tình va phải thai phụ", bác sĩ Tiện cảnh báo.
Trong khi đó, TS.BS Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 2), nhận định việc phụ nữ mang thai ở những tháng cuối thai kỳ chạy bộ là “liều lĩnh”.
Theo bác sĩ Trung, phụ nữ mang thai có thể thực hiện mọi sinh hoạt như một người bình thường, kể cả vận động thể dục thể thao. Thai phụ có thể lựa chọn vận động nhẹ như đi bộ, bơi lội, yoga… với những động tác và tần suất phù hợp, không tăng áp lực ở bụng. Riêng với những hoạt động mạnh, gắng sức quá mức, bác sĩ không khuyến khích vì sẽ gây hại cho thai phụ.
Một điều nguy hiểm nên cân nhắc là sau khi chạy, mặc dù cơ thể của người mẹ vẫn bình thường, nhưng thai nhi vẫn có thể bị ảnh hưởng.
Trong trường hợp thai bị dọa sinh non, thai nhi có rất ít cơ hội chào đời đủ tháng. Bên cạnh đó, trẻ sinh non sẽ đối mặt với các nguy cơ như thiếu máu, nhiễm khuẩn, viêm ruột hoại tử, vàng da…
Lưu ý gì khi thai phụ muốn chạy bộ?
Hội Sản phụ khoa Mỹ (ACOG) khuyến nghị phụ nữ mang thai nên tập luyện ở cường độ vừa phải, khoảng 150 phút/tuần, trong điều kiện không có vấn đề y tế đặc biệt.
Vào năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xem xét bằng chứng về hoạt động mạnh trong thời kỳ mang thai, kết luận rằng việc chạy bộ là an toàn nếu thai phụ từng tập luyện trước đây. Tuy nhiên, WHO không khuyến khích phụ nữ bắt đầu chạy bộ trong thời kỳ mang thai.
WHO không khuyến khích phụ nữ mang thai bắt đầu chạy bộ. Ảnh: Nycusompt. |
Ngoài việc cung cấp năng lượng thích hợp, những người chạy bộ khi mang thai cần cố gắng giữ đủ nước và tránh chạy trong môi trường nhiệt độ và độ ẩm cao để cơ thể không bị căng thẳng do nhiệt.
Bên cạnh đó, các thai phụ cần theo dõi cảm giác của cơ thể trước, trong và sau khi chạy để phát hiện sớm các cơn đau cấp tính và dừng hoạt động ngay lập tức.
Hướng dẫn tập thể dục cho phụ nữ mang thai của ngành y tế Anh nhấn mạnh những thai phụ có biến chứng như tiền sản giật nặng hoặc bệnh tim trước đó không nên tham gia các hoạt động mức độ vừa phải đến mạnh. Những ai bị tăng huyết áp thai kỳ hoặc tim mạch có thể cần giảm thời gian hoặc khối lượng chạy.
Những người có thai kỳ khỏe mạnh cũng cần cẩn trọng khi tham gia bất kỳ hoạt động nào, bởi nguy cơ trượt ngã hoặc chấn thương, đặc biệt là khi bụng bầu lớn dần.
Theo ACOG, thai phụ nên ngừng tập thể dục ngay lập tức và tìm kiếm sự chăm sóc của bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ điều nào sau đây:
- Chảy máu âm đạo
- Đau bụng
- Các cơn co thắt đau đớn thường xuyên
- Rò rỉ nước ối
- Khó thở trước khi gắng sức
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Đau ngực
- Yếu cơ
- Đau hoặc sưng ở bắp chân
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.