Năm 2020, dựa trên một cuộc khảo sát với 1.340 người, nhà xã hội học Karl Pillemer cho hay khoảng 1/4 dân số Mỹ bị bố mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình ghẻ lạnh.
Bên cạnh đó, chỉ riêng tại nền tảng mạng xã hội TikTok, hashtag “bố mẹ độc hại” (toxic parents) và “gia đình độc hại” (toxic family) lần lượt nhận về 900 triệu và 1,7 tỷ lượt xem.
Điều này làm dấy lên mối quan tâm về việc nhiều người cắt đứt liên hệ với người thân nhằm thoát khỏi tình cảnh bị tổn thương.
Nedra Glover Tawwab, nhà trị liệu đồng thời là nhân viên xã hội lâm sàng được cấp phép (LCSW), khuyến khích việc tìm kiếm những giải pháp hàn gắn trước khi thực sự cắt đứt ràng buộc với gia đình.
Dưới đây là 6 chỉ dẫn hữu ích của Tawwab dành cho những ai đang có ý định rời bỏ mối quan hệ gia đình.
Tạm ngưng liên lạc có thể giúp đảm bảo an toàn cho mối quan hệ. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels. |
Xem xét mức độ an toàn và tin cậy
Tawwab nghe nhiều câu chuyện về người bị gia đình làm tổn hại như đánh đập, lạm dụng, bắt nạt tình cảm cho đến trộm cắp danh tính.
Theo đó, sự an toàn về mặt tinh thần lẫn thể chất là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu cần cân nhắc trước khi cắt đứt liên lạc với người nhà.
Để làm rõ điều này, chúng ta có thể tự hỏi những câu như: “Tôi có cảm thấy an toàn về mặt tinh thần và thể chất khi ở bên thành viên gia đình này không?”, “Người thân này có đủ tin cậy hay có thể chăm sóc cho con cái của tôi không?” hay “Mối quan hệ có dấu hiệu lạm dụng nào không?”.
Bạo lực thể xác chắc chắn là cơ sở quan trọng để một người quyết định thoát khỏi gia đình. Bên cạnh đó, việc gọi tên thiếu tôn trọng, nhục mạ, cư xử trong im lặng, phớt lờ hoặc thậm chí chế nhạo nỗ lực... cũng là những dấu hiệu tinh vi hơn về lạm dụng.
Ngoài ra, người thân đang vật lộn với chứng rối loạn sử dụng chất gây nghiện khiến họ có hành vi đả kích, lái xe trong tình trạng say xỉn hoặc đưa những người nguy hiểm về nhà cũng có thể xem là sự đe dọa đến an toàn của người xung quanh.
Nếu cảm thấy bất kỳ thành viên gia đình nào là mối đe dọa trực tiếp đối với con cái, bạn đời hoặc bản thân mình, mọi người hoàn toàn có quyền ngừng liên hệ với họ. Thêm vào đó, trong khi tìm cách thiết lập ranh giới và tần suất liên lạc hợp lý, mọi người có thể tạm thời ngừng tương tác với người nhà độc hại.
Đôi khi sự phiền nhiễu của người thân không thực sự "độc hại". Ảnh minh họa: Sam Lion/Pexels. |
“Độc hại” hay chỉ đơn thuần là gây phiền nhiễu?
Tawwab khuyến khích mỗi người tự hỏi rằng: “Người nhà thường xuyên gây hại hay chỉ gây phiền phức bình thường?”.
Ví dụ: Bạn đang cố gắng tâm sự về ký ức tuổi thơ tồi tệ thì liên tục bị người anh/chị/em ngắt lời, mỉa mai. Lúc này, người anh/chị/em ấy có thể xem là độc hại.
Tuy nhiên, nếu họ liên tục chen ngang vì khả năng giao tiếp kém và chỉ muốn được chia sẻ thì không nhất thiết được xem là “độc hại” dù thực tế hành vi này gây khó chịu và bực bội.
Tawwab cho hay học cách sống chung và ứng phó với tính cách khó chịu của người khác là một phần của cuộc sống. Thêm vào đó, mọi người cần hiểu được rằng những người chúng ta yêu thương thực chất vẫn sẽ thường xuyên có những hành vi làm phiền.
Thẳng thắn tâm sự về khúc mắc với người thân là thiết yếu. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels. |
Trò chuyện trực tiếp
Trước khi quyết định cắt đứt liên lạc với một người thân độc hại, việc trao đổi, trò chuyện với họ là điều thiết yếu. Đây chính là khi bạn đang cho họ cơ hội để trở nên tốt hơn.
Qua cuộc nói chuyện, chúng ta có thể thêm khẳng định mức độ tiêu cực của mối quan hệ. Thông thường, đối với một người thân độc hại, việc lắng nghe còn gây khó khăn chứ chưa kể đến hành động để thay đổi.
Thậm chí, họ có thể xem nhẹ mâu thuẫn hay cố gắng thuyết phục rằng vấn đề không nằm ở mình.
Lúc này, người bị tổn thương sẽ có được quyết định sáng suốt, rõ ràng hơn về tương lai của mối quan hệ.
Chúng ta cần thấu hiểu căn nguyên dẫn đến hành vi tiêu cực của người thân. Ảnh minh họa: Alexandr. |
Thay đổi góc nhìn
Tawwab cho hay chúng ta thường cho rằng bậc cha mẹ cần thiết phải bày tỏ lẫn dành yêu thương và quan tâm cho con cái.
Song, thực tế, nhiều người thực sự không có khả năng nuôi dưỡng tốt cả bản thân lẫn người khác. Dù vậy, chúng ta không nên đổ lỗi điều này cho bất kỳ ai trong mối quan hệ.
Lý do là họ có thể chưa từng được học cách yêu thương một cách lành mạnh từ gia đình gốc hay thường xuyên phải vật lộn với một loạt vấn đề liên quan đến chứng nghiện ngập hay sức khỏe tinh thần.
Theo đó, nếu nhận thấy thành viên gia đình không thể đáp ứng nhu cầu của mình hay trở nên lành mạnh hơn, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động thiết lập khoảng cách thay vì cố gắng thay đổi họ.
Thay đổi tần suất gặp mặt hay trò chuyện có thể giúp cải thiện mối quan hệ. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Thử nghiệm nhiều giải pháp
Giả sử gia đình tụ tập ăn tối vào Chủ nhật hàng tuần. Song, chúng ta luôn ra về trong sự oán trách, giận dữ và buồn bã.
Bất kể vấn đề xảy ra là gì, việc quyết định thay đổi tần suất tham gia buổi họp mặt này sáng một lần mỗi tháng/quý/năm là hoàn toàn hợp lý.
Hành động này cho thấy chúng ta đã thiết lập giới hạn phù hợp để bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình.
Tawwab cho hay thực chất có rất nhiều cách để tạo khoảng cách mà không phải cắt đứt hoàn toàn liên hệ với người nhà.
Đôi khi, chúng ta nghĩ rằng chỉ vì là người nhà nên việc cố gắng thân thiết là thiết yếu. Song, trong một số tình huống, chúng ta không thể lúc nào cũng khoan dung cho đối phương.
Dưới đây là một số phương án đáng tham khảo trước khi quyết định kết thúc liên hệ với người thân:
- Bỏ qua buổi họp mặt vào ngày lễ tiếp theo
- Rút ngắn các cuộc trò chuyện qua điện thoại hoặc nói chuyện 1 lần/tuần thay vì mỗi ngày
- Không trả lời tin nhắn ngay lập tức
- Phản ứng nhanh chóng khi họ có những hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực.
Mọi người cần suy nghĩ thật cẩn thận trước khi quyết định cắt đứt ràng buộc với người nhà. Ảnh minh họa: Anete Lusina/Pexels. |
Sẵn sàng rời đi
Cắt đứt liên lạc hoàn toàn với người thân là một quyết định quan trọng mang tầm ảnh hưởng lớn. Mọi người hoàn toàn có thể làm thế nếu vẫn cảm thấy tồi tệ sau khi thử nghiệm hết các phương pháp Tawwab vừa đề cập.
Tuy nhiên, trong trường hợp liên tục cảm thấy lo lắng hay tội lỗi, Tawwab cho hay có thể chúng ta vẫn chưa thực sự sẵn sàng để rời bỏ người nhà.
Tawwab đã chứng kiến trường hợp các thành viên trong gia đình thành công hàn gắn mối quan hệ sau một thời gian dài không liên lạc.
Tuy nhiên, sự việc chỉ hiệu quả khi đôi bên cùng nỗ lực hòa giải nội bộ. Theo đó, mọi người cần có kỳ vọng và kế hoạch rõ ràng dành cho tương lai sống chung.
Đồng thời, trung thực về lý do chúng ta lựa chọn rời bỏ ngay từ đầu là đặc biệt quan trọng. Ngoài ra, tìm kiếm nhà trị liệu tâm lý cũng là giải pháp hiệu quả cho các vấn đề gia đình.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.