Vừa kết thúc ca cấp cứu cho bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue điều trị nội trú, anh Vũ Quốc Đạt (38 tuổi) lập tức di chuyển đến khu vực giảng đường để bắt đầu bài giảng cho sinh viên về Bệnh nhiễm trùng huyết và Covid-19. Chiếc áo blouse trắng anh mặc cách đây ít phút giờ được thay thế bằng sơ mi xanh dương.
Vũ Quốc Đạt hiện là giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, ĐH Y Hà Nội. Anh cũng là phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, thành viên nhóm cố vấn chiến lược và kỹ thuật cho các bệnh truyền nhiễm bị quên lãng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Học y để khám phá về con người
Anh từng bị bệnh sởi, sốt cao, li bì năm 10 tuổi. Khi đó, bố mẹ và bà nội bên cạnh liên tục chườm mát, chăm sóc. Cậu bé Đạt lúc ấy ước mơ trở thành bác sĩ để chăm sóc cho mọi người trong gia đình như mọi người đã chăm sóc mình.
Năm cấp 3, anh đoạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học. Nhờ đó, anh được lựa chọn vào bất kỳ trường đại học nào tuyển sinh khối B (Toán - Hóa - Sinh). Anh quyết định theo học ĐH Y Hà Nội. Quyết định theo học ngành y còn đến từ đam mê khám phá về con người - thực thể mà anh tin rằng bí hiểm nhất và kỳ lạ nhất trong giới sinh học.
Bác sĩ, giảng viên Vũ Quốc Đạt. |
14 năm kể từ khi nhận bằng tốt nghiệp, anh Đạt vẫn nhớ như in ngày đọc lời thề Hippocrates, cũng là ngày anh từ một sinh viên y khoa trở thành bác sĩ.
“Tốt nghiệp tiểu học cần đến 5 năm, tốt nghiệp THCS mất 4 năm, tốt nghiệp THPT 3 năm nhưng tốt nghiệp bác sĩ y khoa phải 6 năm. Cảm xúc thiêng liêng của ngày tốt nghiệp tôi chẳng thể quên”, bác sĩ Đạt nói.
Tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội năm 2008, Vũ Quốc Đạt tiếp tục học bác sĩ nội trú chuyên ngành Truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới 3 năm. Anh làm thực tập sinh ở Pháp và Singapore một năm và thêm 4 năm học nghiên cứu sinh. Anh trở thành giảng viên đại học sau khi hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú.
Làm cùng lúc 2 việc
Bác sĩ nội trú là chương trình đào tạo đặc biệt. Trong 3 năm, anh học thực hành tại bệnh viện, khám chữa bệnh, cấp cứu, làm thủ thật từ sáng đến tối. Muốn trở thành giảng viên lâm sàng, việc học nội trú gần như bắt buộc để đảm bảo giảng viên có kinh nghiệm và kỹ năng y khoa thực tế, được đào tạo trong thời gian đủ dài để có thể xử lý độc lập các tình huống y khoa phức tạp.
Ngoài ra, giảng viên y khoa cần có đầy đủ những kiến thức và kỹ năng sư phạm khác như kỹ năng giảng dạy, giao tiếp, phát triển bản thân, thuyết trình, nghiên cứu khoa học… Điều này giúp việc đào tạo y khoa không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà còn là truyền đạt cảm hứng và khơi dậy tình yêu thương con người, giữ gìn niềm tin vào khoa học cho sinh viên.
“Để làm được cùng lúc hai việc, người làm nghề có gấp đôi tình yêu - tình yêu với nghề y và tình yêu với nghề giáo. Sự nỗ lực theo đó cũng phải gấp đôi so với ngành nghề khác”, anh Đạt nói.
Bất kỳ bác sĩ nào cũng dành phần lớn thời gian tuổi trẻ để học tập và không ngại dấn thân vào môi trường nguy hiểm, đặc biệt chuyên ngành truyền nhiễm khi nguy cơ lây nhiễm bệnh luôn thường trực. Áp lực của bác sĩ chính là áp lực của sự sống và cái chết, thời gian và khối lượng công việc, cũng như những áp lực bị hành hung từng xảy ra cho nhân viên y tế từ sự thiếu thông cảm của nhiều người.
Giáo viên cũng là nghề nhiều áp lực bởi giáo dục quyết định vận mệnh đất nước.
Cũng nhờ nỗ lực gấp đôi, thách thức gấp đôi đó mà anh nhận về niềm vui nhân đôi. Với vai trò bác sĩ, anh có cơ hội được nghe lời tâm sự, sẻ chia và những câu chuyện xúc động từ người bệnh.
Báo sĩ Đạt cùng đồng nghiệp. |
Do bệnh truyền nhiễm vẫn tồn tại rất nhiều kỳ thị và phân biệt đối xử - như bệnh HIV, viêm gan virus, Covid-19… bệnh nhân thường kể cho anh nghe những khó khăn và đôi khi là những tủi hổ mà họ nhận từ cộng đồng. Rồi họ cảm ơn anh vì đã tư vấn điều trị giúp họ thoát khỏi những bóng đen đó.
Còn với nghề giáo, anh được nghe sinh viên chia sẻ về sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, về khát khao được phục phụng sự cộng đồng của giới trẻ. Tất cả đã truyền động lực giúp anh luôn giữ được ngọn lửa đam mê với nghề.
Ngoài sự cố gắng của bản thân, theo anh, yếu tố quan trọng giúp một người giáo viên, bác sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ là ủng hộ từ gia đình. Khi giáo viên, bác sĩ dành nhiều thời gian cho học trò, cho bệnh nhân của họ, nghĩa là thời gian dành cho người thân trong gia đình giảm đi.
Hiện buổi sáng, lúc 6h30 anh Đạt có mặt tại bệnh viện để khám chữa bệnh cho bệnh nhân ngoại trú, điều trị và xử lý cấp cứu cho bệnh nhân nội trú, hướng dẫn thực hành cho sinh viên, học viên.
Buổi chiều, anh lên giảng đường dạy lý thuyết 2-3 tiết và thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đọc tài liệu để cập nhật kiến thức cho bản thân, xử lý các cái công việc thường quy của nhà trường trong việc duy trì hệ thống quản trị đại học.
Công việc của anh thường kết thúc lúc 19h30 tối, có ngày đến 21-22h. Trong trường hợp có ca trực, anh ở lại bệnh viện cả đêm và ngày hôm sau lại bắt đầu chu trình như cũ.
Trung bình anh sử dụng khoảng 30% thời gian cho khám chữa bệnh, 30% cho giảng dạy, 30% cho nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, 10% cho công việc khác.
“Dù các công việc chia 30-30-30, mọi thứ đều mang tính đan xen và tích hợp vì trong khám chữa bệnh có cả đào tạo y khoa và nghiên cứu khoa học. Sự gắn kết đó làm cho tôi phân bố thời gian tương đối linh hoạt”, anh Đạt nói.
Anh Đạt và các đồng nghiệp vẫn tự hào vì trong năm có tới 2 ngày kỷ niệm - 27/2 và 20/11. Những lời động viên và khích lệ của bệnh nhân cùng lời cảm ơn của học trò luôn là nguồn động viên quý giá đối với anh.
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, anh Đạt gửi lời chúc mừng tới tất cả đồng nghiệp - những người đã bỏ tuổi trẻ để học, để làm và theo đuổi nghề nghiệp này - nghề chèo lái con đò tri thức.
Mục Giáo dục gợi ý những tựa sách hay cho những độc giả quan tâm đến vấn đề khám phá và phát triển bản thân.