Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Người trẻ châu Á 'dốc ví' để du lịch sang chảnh

YC Tan (Singapore) dành hết lương tháng cho chuyến đi Bhutan và nghỉ dưỡng tại resort cao cấp ở Indonesia. Ngày càng nhiều người trẻ mạnh tay cho trải nghiệm du lịch xa xỉ.

Người trẻ khao khát trải nghiệm đắt giá mang đậm dấu ấn cá nhân thay vì chỉ đơn thuần là du lịch nghỉ dưỡng. Ảnh minh họa: @mlnhe/IG.

Dù chuyến đi "ngốn" hết lương tháng, YC Tan (34 tuổi) không hề tiếc nuối. Với nhân viên văn phòng sống tại Singapore, trải nghiệm đắt giá tại khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Indonesia và khám phá văn hóa đặc sắc của Bhutan là khoản đầu tư xứng đáng.

Tan là một phần của làn sóng du lịch xa xỉ đang bùng nổ trong giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Millennials (sinh năm 1980-1996) và Gen Z (sinh năm 1997-2012).

Theo khảo sát của Klook năm 2023, 25% người thuộc thế hệ Millennials ở châu Á sẵn sàng chi hơn 3.000 USD cho một kỳ nghỉ, gấp 3 lần thu nhập trung bình tại khu vực. Gen Z cũng không kém cạnh, với 20% sẵn lòng chi trả ở mức tương tự.

Các "tay chơi" chịu chi tại châu Á chủ yếu đến từ Hong Kong (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore, theo CNA Luxury.

Mua trải nghiệm chân thực

Manda Foo, chuyên gia thiết kế các chuyến du lịch cao cấp tại Blue Sky Escapes, cho biết nhóm khách hàng của công ty đang có xu hướng trẻ hóa. Họ xem du lịch như một dấu mốc quan trọng trong đời, tương tự chi tiêu cho tuần trăng mật hay đám cưới.

YC Tan,  nguoi tre du lich,  du lich sang chanh,  gen z du lich,  loi song gen z,  du lich chua lanh,  znews gioi tre anh 1

Người trẻ ngày nay không ngại chi trả "mạnh tay" cho những chuyến đi sang chảnh. Ảnh minh họa: @mlnhe/IG.

"Khái niệm 'trải nghiệm sâu sắc' hay 'chân thực' có thể mang tính chủ quan, nhưng nhìn chung, đó là phong cách du lịch mà mọi người không lên kế hoạch dài dòng chỉ để check-in cũng không tham gia nhiều hoạt động trong một ngày. Trái ngược hoàn toàn với cách mà các thế hệ trước đây thường du lịch", Foo chia sẻ.

Về chuyến đi Bhutan, Tan cho biết thay vì đi 12 quốc gia trong 12 ngày, cô có thể chỉ di chuyển đến 2 địa điểm trong 6 ngày du lịch. Điều này giúp cô có nhiều thời gian hơn ở một nơi để tiếp xúc với văn hóa địa phương, điều không thể có nếu chỉ tham quan.

Thông qua các hoạt động như đi bộ qua các ngôi làng và ghé thăm nhà của người dân địa phương, Tan cảm nhận được sự ấm áp khi được mời vào nhà một người lạ, học cách nấu các món ăn gia truyền, những điều đã bị lãng quên trong thế giới hiện đại.

"Các hoạt động chân thực tại địa phương là những điều bạn không thể biết được nếu chỉ thông qua sách vở", cô chia sẻ.

Với Millennials, thế hệ được giáo dục nhiều nhất trên toàn thế giới, ít nhất 25% trong số họ có trình độ trung học trở lên, du lịch là một cách thức để làm giàu trí tuệ.

"Họ đặt câu hỏi về mọi thứ. Họ muốn biết 'Tại sao tôi nên đến đó? Bạn kinh doanh như thế nào? Nó có đạo đức và bền vững không?' Nếu họ ăn thứ gì đó, họ muốn biết ai là người nấu món ăn của họ; nó đến từ đâu? Những câu hỏi kiểu này đang phổ biến", Radit Mahindro, Giám đốc Marketing cấp cao của Aman Indonesia, cho biết.

Chiều lòng khách hàng trẻ

Để đáp ứng sự tò mò của thế hệ này, đội ngũ của Aman Indonesia đã bắt đầu thiết kế các hoạt động để thu hút họ.

Tại khu nghỉ dưỡng Amanjiwo (Java, Indonesia), nhà nhân chủng học thường trú tổ chức các buổi nói chuyện về lịch sử ẩm thực bản địa. Đồng thời, khách có thể yêu cầu đầu bếp đưa họ đến các trang trại cung cấp thực phẩm cho khu nghỉ dưỡng tại Amandari (Bali, Indonesia).

Còn ở phía đông Bali, Amankila sắp tới sẽ cung cấp trải nghiệm ẩm thực lấy cảm hứng từ gia đình hoàng gia Karangasem, từng trị vì Bali.

Chiến lược của Aman dường như đang hoạt động hiệu quả. Tính đến năm 2023, khoảng 1/3 khách tại Aman Indonesia ở độ tuổi 28-36, nhóm nhân khẩu học khá khác biệt so với khách hàng điển hình thường là CEO và tỷ phú như trước đây.

Hyatt Hotels đã công bố kế hoạch ra mắt chuỗi ryokan (nhà trọ truyền thống Nhật Bản) tại Nhật Bản thông qua thương hiệu mới Atona.

Trong những năm gần đây, tập đoàn đã đa dạng hóa dịch vụ thông qua việc mua lại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng boutique theo định hướng tập trung vào sức khỏe.

"Nhiều khách hàng trẻ muốn có hành trình được thiết kế riêng, bao gồm các chuyến du ngoạn văn hóa, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và các hoạt động phiêu lưu", Jerome Pichon, quản lý khu nghỉ dưỡng One&Only Desaru Coast (Malaysia), cho biết.

Tính đến năm nay, thế hệ Millennials và Gen Z chiếm 60% khách hàng tại resort này, tăng từ chỉ 20% vào năm 2022.

Chervonne Ang (34 tuổi), một khách hàng khác của Manda Foo, đã thực hiện những chuyến du lịch tới Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc và Nam Phi để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, kết nối lại với bạn bè.

"Một số người nói rằng tôi nên tiết kiệm cho tuổi về hưu, nhưng tôi chỉ cảm thấy rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra theo đúng cách chúng ta muốn. Tôi sẵn sàng dùng số tiền đó để tận hưởng cuộc sống khi còn trẻ", Ang nói.

Giới trẻ Trung Quốc 'cuồng' kiểm tra tính cách MBTI

MBTI được người trẻ Trung Quốc xem như "kim chỉ nam" về tình yêu, sự nghiệp, trong khi nhà tuyển dụng sử dụng bài kiểm tra tính cách như công cụ sàng lọc ứng viên.

Để có một cuộc sống chất lượng vượt trội

Trong cuốn sách Đầu tư thông minh của Anthony Robbins, tác giả cho rằng sự giàu có đích thực không chỉ dừng lại ở tiền bạc mà nằm ở cảm xúc, tâm lý và tâm hồn. Nếu bạn không hạnh phúc, bạn không thể có một cuộc sống tuyệt vời, bất kể ví tiền của bạn dày như thế nào.

Như Phương

Bạn có thể quan tâm