Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người trẻ chọn nghề đừng ‘đứng núi này trông núi nọ'

TS Trần Vinh Dự khuyên bạn trẻ không nên mất nhiều thời gian “đứng núi này trông núi nọ” khi chọn nơi gắn bó. Công việc không phải bữa cỗ dọn sẵn, mà là hành trình nhiều thử thách.

TS Trần Vinh Dự là Chủ tịch Hội đồng quản trị trường CĐ Việt Mỹ; Chủ tịch ĐH quốc tế Broward College Việt Nam. Ông từng được biết đến với nhiều bài thuyết trình có sức lan tỏa như sự thất bại, hữu hạn của cuộc đời, sự thành đạt và hạnh phúc đầu năm 2015.

Mới đây, tại hội thảo do VietAbroader tổ chức, TS trẻ tiếp tục thuyết phục các bạn trẻ khi nói về nghề nghiệp:

Jack Ma nói về chuyện ở tuổi nào thì nên làm gì. Steve Jobs nói cần phải theo đuổi giấc mơ của mình. Larry Smith nói để có công việc tuyệt vời thì phải theo đuổi đam mê và vượt qua nỗi sợ thất bại. Tất cả đều quá hay, quá đúng. Tôi nghĩ tôi không thể nói được điều gì mới.

Tìm tòi mãi, cuối cùng tôi cũng thấy có một điểm nhỏ ít người nói đến. Tôi nghĩ nó cũng thích hợp với phần lớn các bạn trẻ.

Các bạn là những sinh viên mới tốt nghiệp, hoặc sắp tốt nghiệp. Không chỉ thế, các bạn là những sinh viên giỏi. Các bạn chủ động và có ý thức, không thuộc về đa số ngồi chờ sung rụng. Các bạn đến đây với mục tiêu cụ thể, không phải nghe lý thuyết suông. Các bạn đến để tìm cơ hội.

Cái khó là các bạn có quá nhiều lựa chọn công việc. Các bạn cũng không thể hiểu rõ bản chất của gói hàng mình cân nhắc để mua. Nhiều khi, bạn cũng không biết luôn cái giá phải trả, vì các bạn trả dần sau này, trong lúc làm việc.

Thế nên lựa chọn công việc rất khó khăn, để chọn đúng ngay lần đầu là việc gần như bất khả thi. Người ta hay nói có thêm lựa chọn là chuyện tốt, nhưng sự thực nhiều khi không phải thế, nhất là khi các lựa chọn đó không rõ ràng và cần nhiều thời gian để hiểu bản chất của nó.

Vì vậy, điều tôi muốn chia sẻ là các bạn cứ lựa chọn, nhưng đừng mất thời gian nhiều quá vào chuyện "đứng núi này trông núi nọ".

Nguoi tre chon nghe anh 1
TS Trần Vinh Dự (bên trái). 

Hegel, triết gia nổi tiếng người Đức từng nói “cái gì hợp lý thì tồn tại, cái gì tồn tại thì hợp lý”. Có thể mỗi người hiểu câu này theo cách khác nhau. Cá nhân tôi cũng hiểu theo cách riêng. Liên quan việc lựa chọn chỗ làm, tôi cho rằng mỗi tổ chức, mỗi công việc đều có cái đáng để học, đáng để làm.

Tôi không nghĩ có công ty, tổ chức nào lại không đáng để chúng ta tham gia. Và tôi cũng không nghĩ có công ty, tổ chức nào lại tuyệt vời một cách hoàn hảo. Công việc và sự nghiệp không phải bữa cỗ dọn sẵn, mà ngược lại, nó là hành trình trong mọi lúc, mọi nơi, đều là các thử thách cần phải vượt qua.

Điều may mắn là khi bạn thực sự nghĩ cho một tổ chức, thực sự muốn đóng góp, muốn nó tốt đẹp hơn, thực sự đổ thời gian, công sức vì nó, các bạn chắc chắn sẽ tìm thấy niềm vui, ý nghĩa, và lợi ích từ việc làm của mình.

Bạn tôi có một triết lý đơn giản là luôn nghĩ và làm vì lợi ích của công ty. Bạn tôi khởi đầu với vị trí thấp nhất. Cô ấy luôn nghĩ làm sao để làm tốt hơn, không chỉ trong những việc được giao, mà còn những việc không được giao. Cô ấy luôn cho rằng, nếu mình làm thực sự tốt, công ty không quay lưng lại. Vì thế, cô ấy không mất thời gian lựa chọn, so sánh, mặc cả, hoặc than phiền.

Giờ bạn tôi là phó tổng giám đốc của một hãng đồ uống lớn nhất thế giới tại Việt Nam, công ty mà cô ấy đi làm từ khi mới tốt nghiệp đại học.

Tôi cũng có người bạn hơn tuổi khác. Anh ấy tốt nghiệp tiến sĩ về tự động hoá từ nhiều năm trước. Sau khi không tìm được tương lai thích hợp trong nghề giảng dạy, anh ra ngoài làm thuê.

Hơn 10 năm trước, anh được công ty giao cho quản lý một nhà máy đã đóng cửa, nằm ở xa thành phố, máy móc đã hỏng, một “miền đất chết” mà không ai muốn làm. Bài toán của anh là vực dậy doanh nghiệp mà máy móc không còn hoạt động, nguyên liệu không có, khách hàng không có, và dĩ nhiên, tiền đầu tư thêm cũng không có.

Thử thách này không dễ vượt qua với bất kỳ ai. Nhưng bằng sự kiên nhẫn và quyết tâm, cùng với kiến thức về tự động hoá, anh đã khôi phục lại được hoạt động của nhà máy.

Hiện giờ, nhà máy thành một công ty với doanh thu hơn 4 nghìn tỷ đồng mỗi năm, với lợi nhuận gần 1 nghìn tỷ. Và anh ấy đang là chủ tịch công ty.

Với những người bạn này mà tôi biết, họ rất tập trung, họ tìm niềm vui, ý nghĩa, hy vọng, và tương lai trong công việc, trong những tình huống thử thách. Họ không dễ dàng bỏ cuộc, không "đứng núi này trông núi nọ". Và họ thành công.

Steve Jobs nói các bạn cần tìm kiếm và theo đuổi giấc mơ. Larry Smith nói các bạn cần dũng cảm theo đuổi đam mê của mình. Không gì tuyệt vời hơn là theo đuổi một đam mê, một giấc mơ, và thành công. Nhưng nếu các bạn chưa có đam mê, chưa có giấc mơ thì sao? Sẽ bắt đầu từ đâu?

Tôi cho rằng hãy bắt đầu từ hôm nay. Các bạn hãy tiếp xúc, hãy nghiên cứu, hãy hỏi thật nhiều, và sau đó thì hãy lựa chọn.

Nếu bạn cảm thấy “yêu” ngay một công việc nào đó đến mức mọi lựa chọn khác trở nên mờ nhạt, xin chúc mừng bạn. Các bạn đã có điểm khởi đầu như Larry Smith hay Steve Jobs nói. Hãy dũng cảm theo đuổi nó bằng cả trái tim của mình.

Nhưng có lẽ phần lớn trong số chúng ta, không quá dễ dãi đến vậy trong tình yêu, hoặc không may mắn đến vậy trong tình yêu.

Trong trường hợp đó, các bạn vẫn phải lựa chọn cái mình cho là tốt nhất. Và sau đó, làm ơn đi, đừng phí phạm thời gian quá nhiều vào việc so sánh núi này với núi nọ.

Các bạn hãy dành thật nhiều sức trẻ, năng lượng, và nhiệt huyết của mình vào công việc đã chọn. Các bạn sẽ tìm thấy tình yêu và giấc mơ của mình trong đó, nếu thực sự làm hết khả năng của mình vì nó. Tình yêu không đến từ cái nhìn đầu tiên, mà đến từ sự hy sinh, từ sự cống hiến không mệt mỏi, bồi đắp qua thời gian, vun trồng bằng mồ hôi và nước mắt, nhiều khi là thứ tình yêu đẹp nhất.

Dĩ nhiên, cũng có nhiều trường hợp câu chuyện không có kết cục tốt đến vậy. Sau khi đã cháy hết mình, đã làm mọi việc có thể, nhưng bạn vẫn không thấy công việc đó hoặc tổ chức đó thích hợp với mình, bạn có thể lựa chọn lại. Việc đó cũng không có gì quá tệ. Đó là những khoản đầu tư cho thành công sau này của bạn.

Khi thất bại do sự hời hợt, các bạn chẳng học được gì. Nhưng thất bại khi đã vắt kiệt sức lực, đã xoay đủ mọi cách, đã thử mọi giải pháp, thì những bài học mà nó đem lại là vô giá. Nó tôi luyện bản lĩnh, kinh nghiệm, tri thức cho các bạn. Nó chuẩn bị cho các bạn để thành công sau này. Và nói như Jack Ma, vì các bạn đang ở độ tuổi 20, nhiều khi những thất bại này là cần thiết.

Mong các bạn hôm nay sẽ bắt đầu một hành trình mà trong đó sẽ tìm được “tình yêu” và thành công trong sự nghiệp. Hoặc nếu thành công chưa đến ngay, các bạn sẽ tìm được sự thất bại vĩ đại cho mình, sự thất bại giúp chuẩn bị cho thành công lớn hơn trong tương lai.

TS Trần Vinh Dự tốt nghiệp cử nhân kinh tế (1999) và là giảng viên ĐH Kinh tế, thuộc ĐH Quốc Gia Hà Nội (1999 - 2001).

Ông từng tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế (2003) và tiến sĩ kinh tế (2007) tại ĐH Texas tại Austin (University of Texas at Austin), Mỹ.

Quá trình học và nghiên cứu tại đây, ông được Quỹ học bổng Harvard Yenching, thuộc ĐH Harvard tài trợ.

Đào tạo tiến sĩ kém vì ‘chiều lòng’ thị trường

TS Trần Vinh Dự nhận định, nghiên cứu tiến sĩ khó nhất nhưng ở Việt Nam lại chủ yếu dành cho người đi làm và theo kiểu tại chức.

 

Quyên Quyên (ghi)

Bạn có thể quan tâm