“Đại học có ý nghĩa gì với cậu? Trong thời gian học đại học, cậu tự hào nhất điều gì”. Một câu hỏi bâng quơ từ một người bạn trong buổi chiều cuối năm bất chợt gợi lên trong tôi nhiều suy nghĩ.
Cũng như bao bạn trẻ, tôi và những người bạn của mình vừa mới tốt nghiệp đại học cách đây vài tháng. Và hiện tại, chúng tôi đang phải đối mặt với khủng khoảng khi vừa bước chân vào đời.
Hơn 160 ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp – một con số khô khan từng được truyền thông nhiều lần lặp lại. Tôi và một số bạn bè cũng không phải là ngoại lệ.
Khi tốt nghiệp, người trẻ bắt đầu đối mặt với rất nhiều thử thách. |
Trong suốt 4 năm học đại học, chúng tôi thường quan tâm về điểm số, kiến thức và học bổng. Nhưng giờ đây, khi ngồi nhìn lại, thẳng thắng mà nói, chúng tôi thật là ấu trĩ khi chỉ quan tâm đến những điều ấy. “Cậu có việc làm chưa ?”, “Đang làm việc ở đâu?”, “Lương cao không?”. Đó đang là những câu hỏi phổ biến của chúng tôi khi gặp mặt trò chuyện.
Cũng như nhiều sinh viên, trong thời gian đi học chúng tôi thường làm các công việc bán thời gian khác nhau: công nhân thời vụ, phục vụ quán café… để kiếm thêm thu nhập. Lần đầu bước chân vào thị trường lao động, đồng tiên quả là nhiều sức cám dỗ. Một số người bạn của tôi đã không thể ra trường đúng hạn, thậm chí có trường hợp buộc phải thôi học vì ham làm thêm.
Giờ đây, khi đã ra trường, áp lực học tập không còn là trở ngại, điều thú vị là những việc bán thời gian từng khiến chúng tôi rất hứng thú khi đang đi học, giờ lại thành nỗi chán ngán, vì lãng phí kiến thức. Với tấm bằng cử nhân, điều tôi mong muốn hàng đầu là có một công việc phù hợp với chuyên ngành.
Nhiều lúc tôi tự hỏi, liệu có phải tôi và một số người bạn trẻ khác đang sống một cuộc sống tầm thường, với ước mong tầm thường là có một công việc ổn định, phù hợp với khả năng, một khoản thu nhập đủ đáp ứng nhu cầu của bản thân.
Liệu quanh quẩn với một cuộc sống như vậy có bị xem là không phù hợp với người trẻ, khi mà các đức tính như giàu hoài bão, mạo hiểm, dám nghĩ dám làm… luôn được gắn với họ. Một người bạn từng tâm sự: “Hồi còn đi học, mình cũng nhiều hoài bão, ước mong lắm. Nhưng khi lớn lên, cơm áo gạo tiền đã đè chết những thứ ấy rồi.”
Liệu có đúng vậy không? Lời của bạn khiến tôi suy tư.
Tôi chợt nhớ lại lời của Jack Sparrow, nhân vật do Johny Depp thủ vai trong phim Cướp biển vùng Caribbe, tạm dịch là “Vấn đề không nằm ở bản thân nó, mà nằm ở thái độ của bạn đối với vấn đề đó ra sao”. Là một người trẻ, tôi rất thích và tâm đắc câu nói trên.
Mặc dù hiện tại, người trẻ đang phải đối mặt với khủng hoảng thất nghiệp, với khó khăn, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi vẫn luôn giữ thái độ lạc quan và không đầu hàng. Nếu nói thời gian là tiền bạc, thì người trẻ đang có rất nhiều tiền bạc, vậy sao chúng tôi lại quá lo sợ hay suy nghĩ tiêu cực khi đối mặt với khó khăn thử thách? “Tiền vốn” cho việc đầu tư cuộc đời còn rất nhiều, không có lý do để sợ hãi việc “phá sản” cả.
“Đại học có ý nghĩa gì với cậu? Trong thời gian học, cậu tự hào nhất điều gì”. Tôi trả lời: “Đại học là nơi cho tớ kiến thức để bước vào đời. Trong thời gian học đại học, tớ đã từng nộp giấy trắng vì không làm được bài. Tớ chấp nhận nộp giấy trắng chứ không thèm sử dụng tài liệu. Ngoài ra trong suốt quá trình học, toàn bộ những bài luận đều do chính bản thân mình làm, không copy của bất cứ ai”. Cả lũ bạn tôi phá lên cười trong góc nhỏ của một quán café chiều cuối năm. Nhìn vào ánh mắt mỗi người, tôi thấy sự vui vẻ, tự tin.
Người trẻ chúng tôi như vậy đó, chúng tôi có thể không dám nghĩ, dám làm hay thích mạo hiểm. Chúng tôi có thể thích có một công việc ổn định. Nhưng cho dù hoàn cảnh thế nào chúng tôi vẫn tạo ra được cái tôi – bản sắc của mình bằng chính kiến của bản thân.
Do đặc thù sống trong một xã hội mở cửa và “thoáng” hơn thế hệ cha ông, chúng tôi sớm tiếp thu những quan điểm mới và có phần khác biệt so với xã hội Á Đông. Tuy vậy, người trẻ chúng tôi không quá cực đoan theo lối rập khuôn những tư tưởng của xã hội phương Tây hay quay lưng lại với các giá trị truyền thống.
Đó chính là bản lĩnh của người trẻ, chúng tôi tiếp thu những cái mới, cái hay của giá trị văn hóa bên ngoài và dung hòa nó, biến cái của người khác thành cái của mình. Bản lĩnh ấy tạo nên chính kiến của giới trẻ, tạo nên cái tôi - bản sắc của chúng tôi.
Chúng tôi không chùn lòng, dù khó khăn hay thử thách gì đang đợi chờ trong năm mới. Vì cho dù điều đó là gì, chúng tôi tin rằng tinh thần, thái độ sống lạc quan, tích cực, mạnh mẽ sẽ là chìa khóa giúp vượt qua mọi khó khăn.
Dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu… đó mới chính là đức tính mà người trẻ chúng tôi tự hào về bản thân mình.