- Chủ tịch Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni
- 18 năm kinh nghiệm quản lý cấp cao tại các tập đoàn đa quốc gia, 13 năm khởi nghiệp đa ngành
- Tác giả cuốn sách "Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam"
Cụm từ “Độc lập tài chính”, “Tự do tài chính” đang ngày càng trở nên phổ biến với thế hệ trẻ. Một phần không thể thiếu trong kế hoạch độc lập tài chính cần thiết cho người trẻ, bên cạnh quản lý chi tiêu một cách hợp lý, là đa dạng hóa và tăng nguồn thu nhập của mình.
Trong đó, quan trọng nhất là đầu tư để tăng trưởng quỹ tài chính cá nhân của mình.
Tuy nhiên, để đầu tư hiệu quả, để tiền đẻ ra tiền đòi hỏi một mindset dài hạn, các kiến thức tài chính cơ bản, và một tầm nhìn thực tế được rèn dũa qua nhiều trải nghiệm. Đề tài đầu tư, thường được các bạn trẻ bàn luận với nhiều quan điểm khác nhau.
Anh Lâm Minh Chánh - Chuyên gia về tài chính đã chia sẻ một số lời khuyên dành cho các bạn trẻ khi bắt đầu kế hoạch đầu tư để đạt độc lập tài chính, tự do tài chính của mình.
Bắt đầu từ đâu?
Nếu bạn biết cách đầu tư và đầu tư càng sớm, bạn sẽ càng tận dụng tối ưu nguồn tiền của mình, bảo vệ nó khỏi sự lạm phát đang tăng lên hàng năm.
Ví dụ: nếu bạn A tiết kiệm được một tháng 3 triệu đồng, trong một năm, bạn sẽ có 36 triệu. Mỗi năm, bạn A cố dành dụm thêm 5% so với năm trước.
Nếu bạn A đầu tư toàn bộ số tiền tiết kiệm này bằng cách mua chứng chỉ quỹ đầu tư và đạt lãi suất bình quân 12%/năm thì sau 20 năm, bạn sẽ có số tiền là 3,7 tỷ đồng. Khi đó, bạn có thể chọn không tiếp tục tích lũy nữa và từ năm thứ 21, tiền lãi từ quỹ này là khoảng 37 triệu đồng mỗi tháng. Loại trừ việc giảm giá trị tiêu dùng từ lạm phát, thì 37 triệu năm thứ 21 sẽ có giá trị tiêu dùng tương đương 20 triệu đồng vào hiện tại. Đây là số tiền giúp bạn A độc lập tài chính, nghĩa là có thể sống ở mức độ cơ bản mà không phải phụ thuộc vào công việc.
Công thức tính số tiền chúng ta đạt được từ đầu tư được tính theo công thức lãi suất kép là = số tiền gốc * (1+ Lãi suất)^số năm.
Nếu muốn tự do tài chính trong 15-25 năm, các bạn cần có 1 kế hoạch rõ ràng và chi tiết để tăng tài sản: làm việc kiếm tiền nhiều nhất có thể, quản lý tài chính cá nhân hiệu quả và tích lũy 10%-20% thu nhập để đầu tư bài bản.
Số tiền tiết kiệm tích lũy để đưa vào đầu tư càng lớn, thời gian bắt đầu đầu tư càng sớm, tỷ suất lợi nhuận bình quân càng cao thì các bạn càng sớm tự do tài chính.
Tuy vậy nếu không có kiến thức và đầu tư theo cảm giác, hên xui, theo tin đồn, theo những lời tư vấn “vô thưởng vô phạt” thì không khác gì đánh bạc. Khi đó chúng ta có thể không tăng trưởng tiền mà còn có thể bị mất tiền.
Ở Việt Nam, các bạn trẻ có thể đầu tư để tăng trưởng quỹ tài chính cá nhân của mình bằng các cách sau:
- Gửi tiền ngân hàng, tỷ suất sinh lời bình quân tuy thấp, từ 6% - 8%, nhưng ít rủi ro.
- Mua trái phiếu doanh nghiệp, tỷ suất sinh lời bình quân 8% - 12%/năm. Tuy vậy các bạn cần có kiến thức và thông tin để mua trái phiếu của các doanh nghiệp vững vàng về tài chính. Đừng mua trái phiếu lãi suất cao, mức 13% - 15%/năm của các doanh nghiệp không tên tuổi, không uy tín vì chúng tiềm ẩn rủi ro.
- Mua chứng chỉ quỹ đầu tư, tỷ suất sinh lời bình quân 10% - 15%/năm. Các bạn phải có kiến thức và nghiên cứu để mua chứng chỉ quỹ phù hợp với mục đích và khẩu vị đầu tư của mình.
- Các bạn có thể đầu tư cổ phiếu dài hạn, tỷ suất sinh lợi bình quân có thể đạt 15% - 20%/năm. Tuy vậy các bạn cần phải học kiến thức cơ bản để chọn doanh nghiệp tốt, cổ phiếu tốt. Biết tính giá trị nội tại của cổ phiếu. Biết đa dạng hóa đầu tư, biết loại bỏ cổ phiếu khi nó không còn tốt nữa.
Nói tóm lại, các bạn cần nghiên cứu sâu, có kiến thức cơ bản để đầu tư đúng phương pháp. Nếu không thì các bạn sẽ không đạt được mục tiêu về tỷ suất lợi nhuận, thậm chí bị lỗ.
Không nên xem đầu tư là nguồn thu nhập chính
Khi còn trẻ, thì nguồn thu nhập từ đầu tư không thể được xem là nguồn thu nhập chính, vì nó chưa đủ lớn để nuôi chúng ta. Khi còn trẻ, chúng ta phải làm việc, kiếm tiền và tiết kiệm để có thể “nuôi” quỹ tài chính cá nhân, kiên trì đầu tư quỹ tài chính cá nhân cho đến khi nó đủ lớn để có thể tạo ra lợi nhuận nuôi lại chúng ta.
Khi chưa tích lũy tiền hàng năm để xây dựng quỹ tài chính cá nhân đủ lớn thì không thể xem thị trường đầu tư là nguồn thu nhập chính được.
Nếu thu nhập chưa ổn định và chưa đủ cho tiêu dùng, bạn đừng mong đầu tư có thể tạo ra thu nhập cao từ một số tiền rất nhỏ. Đó là một tư duy sai lầm về đầu tư.
Giả sử bạn trẻ B có 500 triệu ngay lúc này và bạn đầu tư giỏi, đạt tỷ suất lợi nhuận 15%/năm, thì mỗi năm bạn sẽ đạt 75 triệu đồng/năm, 6.25 triệu đồng/tháng. Số tiền này sẽ không đủ để bạn có thể chi tiêu hàng ngày.
Nhiều bạn trẻ hỏi tôi rằng có 200 - 300 triệu đồng thì làm sao kiếm đủ tiền để sinh sống mà không cần làm việc. Bạn không thể đạt tỷ suất lợi nhuận 50% hay 70%/năm, lợi nhuận cao như vậy đi liền với rủi ro và không bền vững.
Vì vậy ưu tiên hàng đầu nên là đảm bảo một nguồn thu nhập tốt và ổn định, quản lý tài chính cá nhân hiệu quả để có thể đều đặn tích lũy một khoản tiền vào quỹ tài chính cá nhân.
Đầu tư ngắn hạn và dài hạn
Đầu tư ngắn hạn là cuộc chơi của các chuyên gia kinh nghiệm. Đầu tư ngắn hạn có thể cho chúng ta lợi nhuận rất cao, nhưng cũng tạo ra rất nhiều khoản lỗ. Đó là 1 trò chơi Zero Sum Game, tức là trò chơi có tổng bằng 0. Tổng lời của người thắng sẽ bằng tổng thua của người lỗ.
Nếu đầu tư ngắn hạn, thì các bạn cần phải học về phân tích kỹ thuật, học về xu hướng thị trường, về các con sóng, học về sự phản ứng, sự phản ứng thái quá, sự điều chỉnh, sự điều chỉnh thái quá của thị trường.
Các bạn cần học về cách “đọc” thị trường, học về cách phân tích thông tin. Thông tin nào sẽ tạo ra giá, thông tin nào chỉ là gây nhiễu, học để biết chốt lời và chắc lỗ đúng lúc, tỷ lệ chốt lời phải cao hơn tỷ lệ cắt lỗ.
Đầu tư ngắn hạn là cuộc chơi của các chuyên gia, các bạn trẻ không nên đầu tư ngắn hạn để tích lũy quỹ tài chính cá nhân của mình.
Đầu tư chứng khoán dài hạn là công cụ tốt để tích lũy quỹ tài chính cá nhân. Tuy vậy nếu không nắm vững kiến thức thì các bạn sẽ chọn sai cổ phiếu, chọn lệch cổ phiếu, không đa dạng hóa danh mục. Nếu không rất có kiến thức vững vàng và không biết tự nhắc nhở mình, nhà đầu tư dễ bị cuốn theo trào lưu ngắn hạn.
Câu thần chú của mà tôi hay nhắc các học viên chương trình đầu tư cổ phiếu dài hạn là “Thị trường lên, không quá vui. Thị trường xuống, không quá lo. Danh mục tốt, dù có lên xuống ngắn hạn, sẽ tăng trưởng bền vững trong dài hạn”.
Nếu đầu tư dài hạn, các bạn phải học về phân tích cơ bản, về tài chính doanh nghiệp, biết về giá trị nội tại của cổ phiếu và doanh nghiệp, biết cách chọn cổ phiếu tốt, doanh nghiệp tốt, biết đa dạng danh mục để giảm thiểu rủi ro.
Các bạn trẻ cần phải hiểu rõ bản chất của việc đầu tư lướt sóng, hoặc đầu tư dài hạn, phải trả lời một cách logic về những quyết định đầu tư của mình.
Nếu chỉ đầu tư theo những câu lý giải đơn giản, chẳng hạn như vì giá tăng, là chưa đủ. Câu tiếp theo nên hỏi sẽ là tại sao giá cổ phiếu tăng, có chắc chắn không, và tăng đến mức nào? Hoặc câu giải thích “vì doanh nghiệp tốt” là chưa đủ. Câu tiếp theo nên hỏi sẽ là doanh nghiệp tốt như thế nào, theo tiêu chí gì, giá trị nội tại của doanh nghiệp là bao nhiêu?.
Đầu tư mà thiếu kiến thức cơ bản là các bạn đang tham gia một trò chơi hên xui với túi tiền của mình. Vì thế bạn cần tìm hiểu kỹ về danh mục mình sẽ đầu tư, tránh những tư duy sai lầm về đầu tư và lập một kế hoạch đầu tư rõ ràng, phù hợp hướng tới mục tiêu độc lập tài chính trong tương lai.