Kate Wills (36 tuổi) và bạn trai tên Guy (38 tuổi), cùng sống tại Mỹ, quyết định sinh em bé trước kết hôn. Một năm trước, khi đại dịch hoành hành, các thành phố ở xứ cờ hoa chìm trong lệnh phong tỏa, mọi kế hoạch của cả hai bị trì hoãn, trong đó có dự định tổ chức hôn lễ.
Trong thứ tự truyền thống “yêu, cưới và đẻ”, họ đã chọn thực hiện điều số 3 trước.
“Chúng tôi đã sẵn sàng để xây dựng gia đình và không thể chờ qua Covid-19. Tôi tin quyết định này là đúng đắn, giúp vợ chồng gắn kết và tạo ra những giây phút thú vị bên nhau”, Wills nói với The Times.
Theo một nghiên cứu toàn cầu của The Knot Worldwide, công ty truyền thông và công nghệ của Mỹ, 71% cặp đôi đã hoãn đám cưới vào năm 2020. Số liệu từ Cơ quan Thống kê Quốc gia trong năm ngoái cho thấy 51,3% trẻ em được sinh ra từ các cặp cha mẹ chưa đăng ký kết hôn.
Báo cáo của Cơ quan Thống kê Lao động cũng chỉ ra rằng 55% cha mẹ Millennials (những người được sinh ra trong khoảng từ năm 1981 đến năm 1996) đã có con trước khi làm đám cưới.
Điều này hoàn toàn trái ngược với thời kỳ cùng tuổi của thế hệ Baby Boomers (sinh từ năm 1957 đến năm 1964) khi tỷ lệ ghi nhận ở mức 25%.
Nhiều đôi uyên ương quyết định sinh con trước khi tổ chức đám cưới. Ảnh: Insider. |
Wills cho rằng việc lên kế hoạch tổ chức tiệc mừng trong đại dịch rất phức tạp. Thay vào đó, cô cùng người yêu tạm bỏ qua bước này và đẩy việc sinh con lên đầu. Không chỉ Wills, nhiều người bạn của cô cũng chung suy nghĩ và đã tính toán thời gian thụ thai trong giai đoạn này.
Để chuẩn bị tốt nhất, Wills tham gia các lớp học tiền sản trực tuyến và cố gắng học mọi kỹ năng làm mẹ thông qua sự hướng dẫn của giáo viên.
Khi thông báo tin tức cho bạn bè, gia đình, một số người nói rằng đây không phải thời gian hoàn hảo để mang thai. Tuy nhiên, cả hai vẫn quyết tâm với dự định của mình.
Trong 3 tuần đầu thai kỳ, Guy không được phép đi cùng bạn gái đến phòng khám, ngay cả việc đi dạo trong công viên cũng bị cấm.
May mắn, quá trình chuyển dạ của cô diễn ra khá suôn sẻ. Cô và bạn trai hạnh phúc chào đón đứa con đầu lòng.
Tháng 9/2021, khi các hạn chế được nới lỏng và đứa bé tròn một tuổi, cả hai bắt đầu lên kế hoạch cho đám cưới hoành tráng. Tuy nhiên, ý định đó đành phải hoãn thêm một thời gian nữa do mọi địa điểm ưng ý đều kín chỗ.
“Người môi giới nói chỉ còn lịch vào tháng 2/2024. Tôi không ngờ lại đông đến vậy. Chúng tôi đành thống nhất từ từ tính chuyện này sau khi giải quyết công việc tồn đọng do Covid-19 và tìm một nhà hàng mới. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn dành nhiều thời gian hơn cho con trai”, bà mẹ một con chia sẻ.
Những thập kỷ trước, chuyện chung sống, sinh con mà không đám cưới là điều không quá phổ biến và thường bị kỳ thị. Tuy nhiên, xu hướng này dần trở thành “điều bình thường mới” tại nhiều quốc gia Âu Mỹ.
Trong báo cáo vào năm 2018 của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) về xu hướng sinh con tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, số trẻ ra đời từ những cặp cha mẹ chưa kết hôn tăng đều và ổn định.
Ở xứ cờ hoa, tỷ lệ này là 40% trong khi tại một số quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU), con số này còn lên đến 60%.
Bà Kelly Jones, giám đốc Trung tâm kinh tế học sức khỏe sinh sản tại Viện Nghiên cứu chính sách phụ nữ, dữ liệu cho thấy những định kiến về xã hội, tôn giáo đối với vấn đề hôn nhân, sinh đẻ và phụ nữ đi làm đã thay đổi.
Xu hướng này phần nào giúp ổn định tỷ lệ sinh đang giảm dần và tránh được tình trạng dân số già tại nhiều đất nước phát triển.
"Việc sinh con trước khi kết hôn sẽ tiếp tục, điều đó là chắc chắn. Chúng ta không thể quay về những năm 1950", Michael Hermann, cố vấn cấp cao về kinh tế học và nhân khẩu của UNFPA tại EU, nhận định.