Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Người trẻ TP.HCM làm 2-3 công việc, mong 'mua đứt' nhà trước tuổi 30

Bên cạnh những người trẻ dồn sức "cày tiền" để mua đứt căn hộ đầu tiên trước tuổi 30, không ít người cũng làm 2–3 công việc để xoay sở trả nợ cho bất động sản đã xuống tiền.

Nhiều người trẻ quyết dồn toàn bộ thu nhập cho bất động sản. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Trưởng phòng phát triển sản phẩm Đức Hải (29 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) đảm nhiệm 3 công việc từ năm ngoái, nỗ lực gia tăng thu nhập, dự định mua căn hộ đầu tiên trong đời vào dịp cuối năm nay. Bên cạnh công việc chính ở tập đoàn công nghệ hiện tại, anh nhận thêm các dự án cá nhân từ công ty nước ngoài và tham gia thỉnh giảng tại một số workshop, khóa học.

Ngoài ra, Hải cũng đầu tư tài chính, mong muốn nâng số tiền tiết kiệm lên 3,5 tỷ đồng trước cuối năm. Anh cho biết phải chạy đua với sự leo thang của giá thành bất động sản. Nếu kéo dài thời gian tích lũy, trưởng phòng này lo ngại khó sở hữu căn nhà đứng tên mình.

“Tôi sợ cảm giác mắc nợ, không muốn trả góp, nên cố gắng vun vén đủ tiền rồi mua đứt. Đó cũng là lý do tôi phải ‘chạy’ nhiều việc cùng lúc ở giai đoạn này”, Đức Hải chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Theo báo cáo của Avison Young dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, thế hệ Millennial (sinh năm 1981–1996) và Gen Z (1997–2012) hiện chiếm khoảng 44% dân số Việt Nam. Trong số đó, có đến 70% được xác định là khách hàng tiềm năng có nhu cầu mua, thuê hoặc đầu tư vào bất động sản.

Khảo sát từ Batdongsan.com.vn về xu hướng tiêu dùng trong năm 2024 cũng ghi nhận 64% người dự định mua bất động sản nằm trong độ tuổi 22–39. Đồng thời, mức độ tìm kiếm nhà đất của nhóm này trên nền tảng trực tuyến đang không ngừng gia tăng theo từng năm.

Tuy nhiên, trước áp lực giá bất động sản ngày càng cao và nền kinh tế nhiều biến động, không ít người trẻ buộc phải làm thêm 2–3 công việc để rút ngắn hành trình sở hữu nhà. Có người lựa chọn tích lũy đủ để “mua đứt”, tránh rơi vào vòng xoáy nợ nần dài hạn, trong khi số khác sẵn sàng vay trả góp để kịp an cư trước tuổi 30.

Làm 2-3 công việc để tích luỹ tiền

Sau gần một thập kỷ bước chân vào thị trường lao động, trưởng phòng Đức Hải nhận thấy khó đảm bảo luôn nhận về một nguồn thu nhập đều đặn trong 5-7 năm liên tiếp.

Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp đồng loạt cắt giảm nhân sự, anh không muốn chọn phương án mua nhà trả góp, tránh đối mặt với áp lực trả nợ hàng tháng.

Đảm nhiệm 3 công việc cùng lúc ở giai đoạn này, Đức Hải phải hy sinh thời gian cho gia đình, bạn bè và bản thân. Anh cho biết từ lâu không còn thói quen đi cà phê với bạn bè.

“Về lâu dài, tôi vẫn muốn cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên hiện nay, tôi phải quyết tâm ‘cày tiền’, không để cơ hội trôi qua”, trưởng phòng 29 tuổi cho biết.

Nguoi tre TPHCM,  mua nha tuoi 30,  mua nha,  bat dong san anh 1

Ngại vay nợ dài hạn, nhiều người trẻ dồn sức làm việc để tích luỹ tiền mua nhà. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Cũng chọn cách tích lũy để “mua đứt” nhà thay vì trả góp, Khánh Ngọc (27 tuổi, quận 12, TP.HCM), chuyên viên thiết kế đang làm việc từ xa cho một agency quảng cáo tại Hà Nội, tranh thủ nhận thêm các đơn freelance trong thời gian rảnh.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, nhân sự 27 tuổi cho biết anh ưu tiên làm việc với khách hàng nước ngoài để tận dụng chênh lệch tỷ giá, giúp tăng thu nhập đáng kể. Có nhiều tháng, thu nhập từ công việc tự do của anh vượt mốc 25 triệu đồng, cao hơn cả mức lương chính.

Hiện anh đang sống cùng anh trai trong căn hộ tại quận 12, được gia đình mua từ năm 2021. Tuy nhiên, Ngọc vẫn mong muốn sở hữu không gian sống riêng để tự tay trang trí theo sở thích.

Anh duy trì cường độ làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày và gần như không có ngày nghỉ. Từ năm 2021, Ngọc đều đặn tiết kiệm ít nhất 20 triệu đồng mỗi tháng, đồng thời đầu tư thêm vào vàng.

"Nhờ không phải chi trả tiền thuê nhà, tôi 'đỡ' được thêm vài chục triệu đồng mỗi năm", anh chia sẻ.

Tính đến nay, Ngọc đã tích lũy được gần 1 tỷ đồng và đang nhắm tới một căn chung cư 2 phòng ngủ tại quận Tân Phú (TP.HCM), có giá khoảng 3 tỷ đồng. Anh đặt mục tiêu sở hữu bất động sản này vào năm 2027, trước năm 30 tuổi.

“Tôi chỉ 'xuống tiền' khi đã có ít nhất 90% giá trị căn hộ. Tôi không muốn áp lực trả nợ mỗi tháng”, Ngọc nói. Hiện anh đang học thêm các khóa chuyên môn và dự định chuyển việc trong năm tới để nâng thu nhập, rút ngắn thời gian chạm tay vào mục tiêu.

Mệt mỏi nhưng không dám dừng lại

Trong khi đó, Hồng Nhung (27 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) lại phải làm 2 công việc để trả nợ mua nhà. Cô vừa đảm nhiệm vị trí trưởng nhóm kinh doanh của một doanh nghiệp bất động sản, vừa kinh doanh online cùng chị gái.

Năm ngoái, Nhung được giới thiệu một căn chung cư 2 phòng ngủ với mức giá 2,8 tỷ đồng. Nhận thấy giá thành tương đối tốt, cô quyết định “chơi lớn”, mua trả góp căn hộ này.

Không chỉ vay ngân hàng để trả góp trong 5 năm tiếp theo, cô còn mượn thêm từ bạn bè, người thân, góp vào với số tiền tiết kiệm có sẵn, thanh toán khoản trả trước, “chốt đơn” bất động sản đầu tiên trong đời.

Với hàng loạt khoản nợ mua nhà, Hồng Nhung phải làm việc từ 8h đến 23h mỗi ngày. Sau khi kết thúc công việc của một trưởng nhóm kinh doanh, cô tất bật trở về nhà, chuẩn bị livestream bán hàng, lên đơn cho khách và điều phối shipper.

Nguoi tre TPHCM,  mua nha tuoi 30,  mua nha,  bat dong san anh 2

Hồng Nhung làm việc tới 23h mỗi ngày để trả nợ các khoản vay mua nhà. Ảnh: NVCC.

Vì chưa tạo ra lợi nhuận lớn, cô và chị gái không thuê thêm nhân viên hỗ trợ bán hàng, quyết định “tự thân vận động” trong giai đoạn đầu. Dù là công việc phụ, hoạt động kinh doanh online tốn nhiều thời gian và công sức của Nhung.

“Mỗi ngày, tôi ngồi livestream bán hàng trong căn nhà trả góp dang dở. Dù mệt mỏi, tôi không dám dừng lại vì gánh nhiều khoản nợ trên vai”, cô gái 27 tuổi nói.

Cũng vì dồn toàn bộ tiền bạc mua nhà, Hồng Nhung chưa thể sở hữu xe ôtô. Trước khi “chốt” căn hộ này, cô từng muốn mua một chiếc xe hơi để che nắng che mưa khi di chuyển hơn 10 km đi làm mỗi ngày.

Tuy nhiên, kế hoạch này chưa thể hiện thực hoá. Nhung vẫn phải lái xe máy đến công ty hàng ngày, chờ trả hết nợ mua nhà rồi mới nghĩ đến chuyện sắm ôtô.

Trưởng phòng kinh doanh cho rằng giá thành xe hơi có thể giảm trong tương lai, nhưng giá bất động sản vẫn duy trì xu hướng tăng. Vì thế, sở hữu nhà là ưu tiên hàng đầu.

Tương tự, Minh Thư (26 tuổi, quận 5, TP.HCM) cũng đang duy trì 3 công việc cùng lúc để thực hiện lời hứa gửi lại 6 tỷ đồng cho gia đình. Đây là phần chi phí cô tự nguyện gánh vác sau khi được tặng căn nhà mặt tiền trị giá 21 tỷ đồng vào tháng 2.

Căn nhà 4 tầng với diện tích sử dụng gần 300 m2 được bố mẹ Thư mua để cô và em trai, đang chuẩn bị lên TP.HCM học đại học, cùng sinh sống.

Dù toàn bộ chi phí do gia đình lo liệu, Thư chủ động đề xuất hoàn lại 30% giá trị căn nhà, dự kiến gửi 50 triệu đồng mỗi tháng. Khoản đầu tiên đã được cô gửi vào tháng 3.

Nguoi tre TPHCM,  mua nha tuoi 30,  mua nha,  bat dong san anh 3

An cư trước năm 30 tuổi là mục tiêu của nhiều người trẻ. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nguồn thu nhập chính của Thư hiện tại đến từ nhà hàng fine dining tại quận 3 (TP.HCM), được cô khai trương từ đầu năm 2024. Cùng lúc, cô vẫn nhận các dự án thiết kế tự do, công việc cô theo đuổi hơn 10 năm qua.

Tháng 4, Thư đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mở thêm nhà hàng thứ 2, khiến dòng tiền bị dàn mỏng.

“Tôi đang phải cân đối nhiều chi phí do mới khai trương cửa hàng. Khoản tiền hiện tại chỉ đủ duy trì hoạt động kinh doanh, nên giai đoạn này tôi tạm thời gửi lại bố mẹ 30–40 triệu đồng mỗi tháng”, cô chia sẻ.

Không chỉ quản lý tổng thể, Thư còn trực tiếp tham gia vào các khâu vận hành, từ lên thực đơn, giám sát món ăn đến dọn dẹp cùng nhân viên.

“Tôi gần như không có ngày nghỉ, thường xuyên làm việc đến khuya vì nhà hàng đóng cửa muộn. Nhưng mỗi lần chuyển tiền cho bố mẹ, tôi cảm thấy những cố gắng của mình có ý nghĩa lớn lao", cô nói.

Chưa đầy 30 tuổi, người trẻ TP.HCM 'xuống tiền' mua căn nhà đầu tiên

Nhiều người trẻ tại Hà Nội và TP.HCM "chốt" căn nhà đầu tiên trước thềm 30 tuổi. Trong khi một số được gia đình tài trợ chi phí, nhiều người gánh áp lực trả nợ.

Các nhà mốt xa xỉ nâng tầm giá trị bằng văn chương

Các thương hiệu thời trang cao cấp đang tích cực kết hợp văn học vào chiến lược tiếp thị để nâng cao giá trị thương hiệu và thu hút khách hàng trẻ tuổi. Miu Miu đã triển khai chiến dịch "Summer Reads" bằng việc phát sách miễn phí về nữ quyền tại 8 quốc gia, thu hút đông đảo người tham gia. Trước đó, nhiều nhà thiết kế như Kim Jones của Fendi, Joseph Altuzarra và Pierpaolo Piccioli của Valentino đã lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học cho bộ sưu tập của mình. Hãng Loewe cũng làm mới các tác phẩm kinh điển với diện mạo thời trang và bán ra với giá cao.

Như Phương - Linh Vũ

Bạn có thể quan tâm