Ra mắt tại nhiều nơi trên thế giới hồi trung tuần tháng 7, Dunkirk gặt hái thành công vang dội tại phòng vé với doanh thu toàn cầu đến nay lên tới hơn 400 triệu USD.
Quan trọng hơn, tác phẩm chiến tranh của Christopher Nolan xoay quanh cuộc di tản Dunkirk hồi Thế chiến II được số đông giới phê bình ngợi khen, và là ứng cử viên tiềm tàng trên đường đua Oscar 2018.
Do Trung Quốc đóng cửa với phim ngoại trong vòng một tháng nhằm kích thích các tác phẩm điện ảnh nội, Dunkirk chỉ có thể đặt chân tới quốc gia tỷ dân từ ngày 1/9. Tuy nhiên, phim không gây sốt như mong muốn của nhà phát hành Warner Bros..
Kết quả phòng vé của Dunkirk tại Trung Quốc không cao như mong đợi. Ảnh: Warner Bros.. |
Trong hôm khởi chiếu, Dunkirk chỉ thu 57 triệu nhân dân tệ, tức tương đương 8,6 triệu USD. Thành tích khởi sắc hơn một chút vào ngày 2/9 với 11,5 triệu USD, nhưng lập tức rơi xuống mức chưa đầy 6,5 triệu USD trong ngày 3/9. Nhìn chung, sau ba ngày, Dunkirk nhiều khả năng chỉ cán đích ở mức 29 triệu USD, tức bằng một nửa thành tích ra mắt tại Bắc Mỹ.
Giống như nhiều nơi khác trên thế giới, bộ phim cũng được số đông giới truyền thông Trung Quốc ngợi khen. Nhiều tờ báo so sánh Dunkirk với Chiến lang 2 của Ngô Kinh ở phần thông điệp: bất cứ khi nào gặp hiểm nguy, hãy nhớ rằng phía sau lưng mình vẫn còn có quê hương.
Song, cách thể hiện thông điệp của Dunkirk có thể không phù hợp với khán giả quốc gia tỷ dân. Trang Toutiao chỉ ra rằng: “Chiến lang 2 mô tả một chiến thắng toàn diện, còn Dunkirk kể lại cuộc di tản thành công trên nền là một thất bại. Điều đó khác với các giá trị truyền thống của Trung Quốc, và bộ phim của Nolan khó lòng thành công tại phòng vé chúng ta”.
Trên Mtime và Douban, số điểm của Dunkirk vẫn rất cao, lần lượt là 8,3 và 8,6 trên thang điểm 10. Nhưng vẫn có nhiều bình luận tiêu cực dành cho bộ phim, đặc biệt khi so sánh tác phẩm với những sự kiện ở ngoài đời thực.
Một nhân vật phải hứng chịu chỉ trích là Harold Alexander, viên tướng Anh được coi là người hùng sau cuộc di tản Dunkirk. Một người dùng trên mạng xã hội qq viết: “Harold Alexander nổi tiếng là kẻ chỉ biết chạy trốn. Tháng 3/1942, khi chiến đấu chống lại quân Nhật tại Burma (Myanmar) cùng người Trung Quốc, ông ta đã thất bại và gián tiếp khiến 60.000 quân lính của chúng ta thiệt mạng”.
Pháp là quốc gia hiếm hoi trước đó chỉ trích Dunkirk khi bộ phim gần như không đề cập tới vai trò của quân đội nước họ trong chiến dịch di tản ở vùng bờ biển Dunkirk.
Đồng tình với luồng dư luận đó, một cây bút uy tín của Sina Weibo cho rằng khán giả nên đọc sử trước khi tới rạp theo dõi Dunkirk để có cái nhìn khách quan hơn về tác phẩm. “Người Anh đã lợi dụng và bỏ rơi phần đông lực lượng viễn chinh. Giờ thì họ tìm cách tô vẽ bản thân trên màn ảnh”, người này viết.
Nhìn chung, với 29 triệu USD, Dunkirk sẽ vẫn trở thành tác phẩm điện ảnh ăn khách nhất tại Trung Quốc trong kỳ nghỉ cuối tuần này. Cùng lúc đó, Chiến lang 2 đã nâng doanh thu lên mức 5,5 tỷ nhân dân tệ, tức tương đương gần 840 triệu USD, tại quê nhà.