Người Việt có thói quen dùng đường trong các món ăn, thức uống trong khi trà sữa cũng là món yêu thích của đa số bạn trẻ. Ảnh minh họa: Thụy Trang. |
Không chỉ mang lại hương vị cho đồ ăn, đường thậm chí còn tạo ra cảm giác dễ chịu, đánh lừa cảm giác no do kích thích hàm lượng dopamine. Do đó, đường là gia vị gần như không thể thiếu trong căn bếp và nhiều đồ ăn, thức uống của người Việt.
Đồ uống có đường cũng là tác nhân đưa đến hàng loạt hiểm họa khác mà theo cảnh báo của bác sĩ chuyên khoa II Thái Văn Hùng, Phó khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đái tháo đường trở thành "đại dịch" trên toàn thế giới với tỷ lệ mới mắc và tần suất lưu hành ngày càng gia tăng.
Người Việt ăn đường nhiều như thế nào?
Theo số liệu từ bác sĩ Hùng, năm 2019, Việt Nam có tỷ lệ mắc đái tháo đường type II khoảng 5,7%, tức khoảng 3,8 triệu người. Dự kiến đến năm 2045, tỷ lệ này tăng lên 7,7%. Với tốc độ này, số người mắc đái tháo đường sẽ tăng lên gần gấp đôi, tương đương 6,1 triệu người.
Tại TP.HCM, tỷ lệ hiện mắc đái tháo đường type II ước tính khoảng 11%. Trong khi đó, tỷ lệ này chỉ ở mức 3,8% năm 2004.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết mức tiêu thụ đồ uống có đường nói chung ở Việt Nam gia tăng nhanh, gấp 10 lần trong 20 năm qua. Từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002, đến năm 2021, con số này là 55,78 lít, tức tăng gấp 10 lần, theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
"Việt Nam hiện nay chưa có số liệu về lượng tiêu thụ đồ uống có đường cụ thể ở trẻ em. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy tiêu thụ đồ uống có đường ở trẻ em nhiều hơn so với người trưởng thành. Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh năm 2013 và 2019 cho thấy tỷ lệ học sinh Việt Nam 13-17 tuổi uống nước ngọt thường xuyên (ít nhất 1 lần/ngày) đã tăng nhanh", TS Sơn phân tích với Tri thức - Znews.
Mức tiêu thụ đồ uống có đường nói chung ở Việt Nam gia tăng nhanh, gấp 10 lần trong 20 năm qua. Ảnh: Freepik. |
Bên cạnh đó, WHO cũng khuyến cáo đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì. Đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường..., đang có mức tăng bùng nổ trong vài thập kỷ qua.
TS.BS Trương Hồng Sơn cũng thông tin thực tế tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở thanh thiếu niên đã tăng gấp đôi, từ 8,5% năm 2010, lên 19% năm 2020. Ở người trưởng thành, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng thêm khoảng 1/3 trong 6 năm (từ 15% năm 2015 lên hơn 19% năm 2021).
Một bé gái 13 tuổi được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) do biến chứng đái tháo đường. Cô bé có sở thích uống nước ngọt có ga gần như thay thế nước lọc trong ngày. Ảnh: Phương Vũ |
Áp thuế đường có giúp cải thiện tình hình?
Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam thông tin WHO đã bổ sung thuế đồ uống có đường vào danh sách các lựa chọn chính sách được khuyến nghị nhằm ngăn ngừa, kiểm soát các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống, giải quyết tình trạng béo phì ở trẻ em. Ông cũng cho rằng thuế đối với đồ uống có đường là một công cụ mạnh mẽ để bảo vệ sức khỏe.
"Việc tăng giá đồ uống có đường bằng cách đánh thuế sẽ khuyến khích người dân giảm tiêu thụ các đồ uống này và chuyển sang đồ uống lành mạnh hơn như nước suối và đồ uống không đường khác. Ngăn ngừa bệnh tật như tiểu đường, tim mạch, sâu răng, loãng xương, béo phì.. Đồng thời, chúng thúc đẩy công bằng y tế và làm tăng nguồn thu từ thuế, từ đó có thể được sử dụng để tài trợ cho các ưu tiên y tế của Chính phủ", TS.BS Trương Hồng Sơn nói.
Vị chuyên gia nhấn mạnh đây có thể sẽ là một chiến lược có lợi cho sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng chỉ ra trong bối cảnh thực tế có rất nhiều loại thực phẩm có chứa đường và hàm lượng calo cao tồn tại trên thị trường như kem, chè, bánh ngọt… Hơn nữa, nguyên nhân gây thừa cân béo phì không chỉ đến từ đồ uống có đường mà đến từ nhiều yếu tố như sự mất cân bằng trong dinh dưỡng, lối sống thiếu lành mạnh, ít vận động…
"Để giải quyết hiệu quả tình trạng này cần đánh giá khách quan, đầy đủ các yếu tố liên quan thừa cân béo phì. Chúng ta không chỉ trông đợi vào mỗi việc áp thuế với đồ uống có đường để cải thiện sức khỏe người dân mà cần phối kết hợp với chính sách', TS.BS Trương Hồng Sơn nói.
Vị chuyên gia cũng đề xuất một số giải pháp như nâng cao nhận thức cho người dân về nguy cơ từ việc dùng quá nhiều đồ ngọt cũng như các nhóm thực phẩm thiếu lành mạnh khác.
Tăng cường truyền thông về dinh dưỡng và sức khỏe, đặc biệt là giáo dục dinh dưỡng tại nhà trường. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần hạn chế quảng cáo các sản phẩm thực phẩm thiếu lành mạnh.
Mục Sức khỏe của Tri Thức - Znews giới thiệu đến độc giả cuốn sách Smoothie: Giải pháp từ thiên nhiên giúp giảm cân, thải độc, phòng bệnh, sống lâu.
Cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn đọc kiến thức về sinh tố, lời khuyên trong việc làm và sử dụng sinh tố sao cho có ích với sức khỏe. Ngoài ra, tác giả Farnoosh Brock còn bật mí về những công dụng bất ngờ của sinh tố trong việc giúp phái đẹp giảm cân tự nhiên, cải thiện tâm trạng hiệu quả.