Ngày đầu tiên triển khai khám khung giờ 17h đến 21h, Bệnh viện Bạch Mai có gần 300 người bệnh đến khám. |
Gần hết giờ làm, vợ chồng ông Nguyễn Xuân Phước xin nghỉ sớm từ 15h để chạy xe từ Hải Phòng về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tái khám. Đến hơn 18h, vợ chồng ông đã có mặt tại Phòng khám chuyên khoa Hô hấp của bệnh viện.
Chuyến tái khám lần này nhẹ nhàng, thong thả hơn nhiều so với những đợt đi đi về về trước, bởi cả hai đều biết bệnh viện sẽ còn mở đến đêm.
Thong thả đi khám bệnh, không áp lực giờ giấc
"Tôi đã đặt lịch khám trước nên đến không cần xếp hàng. Mở rộng thời gian khám đến 21h, bệnh nhân ngoại tỉnh như tôi thấy khá thuận tiện, chỉ cần xong công việc sớm để tranh thủ đến khám", ông Phước nói.
Vợ chồng ông Nguyễn Xuân Phước khám tại Phòng khám chuyên khoa Hô hấp, do PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khám. |
Cũng có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai từ 17h, bà Phạm Thị Lựu (54 tuổi, ở Hải Dương) chia sẻ khi nghe tin bệnh viện khám ngoài giờ, bà đã cùng 5 người bạn của mình thuê xe để đến đây thăm khám.
Làm công việc văn phòng ở địa phương nên người phụ nữ này không có nhiều thời gian trong giờ hành chính. Vì vậy, khi biết tin bệnh viện khám cả buổi tối, bà Lựu đã rủ mọi người lên thăm khám.
"Bản thân tôi mắc bệnh về tuyến giáp, nội tiết. Lâu nay, tôi vẫn theo dõi định kỳ ở bệnh viện địa phương. Nhưng qua báo đài, biết bệnh viện này khám ngoài giờ hành chính nên chúng tôi sắp xếp lên để được các bác sĩ đầu ngành thăm khám cho an tâm", bà Lựu chia sẻ.
Gần 19h, cầm xấp kết quả xét nghiệm và đơn thuốc của bác sĩ trên tay nhưng chị Hà Thị Lâm (42 tuổi, ở Mộc Châu, Sơn La) cảm thấy rất vui vì bệnh không nghiêm trọng và có thể về nhà sớm hơn dự kiến. Chị cho biết sau khi mua thuốc sẽ ra bến xe về quê luôn để gặp chồng con.
"23h đêm hôm trước, tôi đã lên xe di chuyển về Hà Nội để khám bệnh, gần 5h sáng hôm sau mới đến nơi. Bệnh nhân đông, nhiều chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu nên gần 17h mà tôi vẫn chưa có kết quả khám.
Tôi tưởng rằng mình sẽ phải ở lại đây một ngày nữa để bác sĩ đọc kết quả thì được thông báo bệnh viện mở thêm giờ khám. Tôi mừng quá, như vậy cũng đỡ mất thêm chi phí ở trọ tại Hà Nội một hôm", chị Lâm phấn khởi nói với Tri Thức - Znews.
Chị Hà Thị Lâm phấn khởi vì có thể về quê sớm hơn dự kiến. |
Điều dưỡng Nguyễn Thị Trang, nhân viên tiếp đón tại bệnh viện, cho biết ngày đầu tiên triển khai, đã có 80 bệnh nhân đăng ký online qua tổng đài và website bệnh viện. Tính đến 20h, gần 300 người dân đăng ký thăm khám. Trong đó, chỉ khoảng 20% bệnh nhân là người Hà Nội, còn lại đến từ các tỉnh thành lân cận như Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên...
"Toàn bộ các dịch vụ khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính vẫn bảo đảm đầy đủ chuyên khoa và xét nghiệm, chiếu chụp cận lâm sàng như trong giờ hành chính. Chi phí không thay đổi. Sau 2 giờ, bệnh nhân có đầy đủ kết quả xét nghiệm, chẩn đoán để bác sĩ kết luận và kê đơn thuốc", điều dưỡng Trang cho hay.
Chỉ giải quyết tình trạng trước mắt
PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 8.000-10.000 người bệnh tới khám. Số lượng bệnh nhân đến khám rất đông, có một số khung giờ cục bộ bị quá tải.
"Bệnh viện đã khảo sát nguyện vọng của cán bộ, nhân viên bệnh viện, có hơn 2.000 cán bộ có nguyện vọng tự nguyện đăng ký khám chữa bệnh ngoài giờ. Sau khi họp Ban Giám đốc bệnh viện, chúng tôi đã triển khai việc mở rộng thời gian khám, vừa phục vụ nhu cầu của người dân, vừa tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên có thêm thu nhập chính đáng", PGS Giáp nói.
PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. |
Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng cho hay cơ sở y tế này đã bố trí lịch khám, các bộ phận hậu cần, khối xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh… Tất cả chuyên khoa đều phục vụ như khám ban ngày. Người dân khi đến khám sẽ được phục vụ khám luôn, tránh xảy ra tình trạng quá tải cục bộ.
Theo PGS Giáp, để vừa đảm bảo sức khỏe, phục vụ người bệnh, dành thời gian cho gia đình và tái tạo sức lao động, bệnh viện đã bố trí lịch làm việc rất khoa học. Các cán bộ, nhân viên sẽ chủ động đăng ký thời gian làm việc theo nhu cầu.
"Ngoài ra, bệnh viện đã mua sắm thêm nhiều thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ nhu cầu người dân như 4 máy cộng hưởng từ, 19 hệ thống nội soi tiêu hóa, 7 hệ thống phẫu thuật nội soi và rất nhiều máy móc khác. Về cơ bản, lượng máy móc, thiết bị này đã phục vụ rất tốt cho công tác khám, chữa bệnh cho người dân", vị chuyên gia chia sẻ.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng có kế hoạch về những gói thầu được triển khai quyết liệt, trong đó có thuốc men, vật tư y tế để cung ứng đủ, phục vụ cho công tác chuyên môn. Việc này tránh tình trạng bệnh nhân đến đông nhưng không đủ vật tư để khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng mở rộng giờ khám bệnh chỉ là giải pháp tạm thời, tránh cho người dân phải chờ đợi quá lâu hoặc dồn ứ vào một số khung giờ. Để giải quyết sâu hơn các vấn đề cốt lõi, cần tập trung phát triển y tế cơ sở theo đúng nghị quyết của trung ương.
"Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai các giải pháp đào tạo chuyên môn, chỉ đạo tuyến, hỗ trợ phát triển chuyên ngành trong phạm vi được giao. 26 tỉnh, thành phố đã được Bạch Mai đào tạo chuyên môn, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật chuyên ngành", PGS Giáp cho hay.
Mục tiêu trong thời gian tới là những bệnh nhân có bệnh thông thường có thể đến khám ở bệnh viện cơ sở mà không cần tới tuyến trung ương. Như vậy, cán bộ bệnh viện mới có thời gian, nguồn lực để tiếp tục đi học tập những phương pháp, kỹ thuật mới từ nước ngoài về triển khai trong nước.
Làm thế nào để xua tan cơn giận dữ hay nỗi sợ hãi? Điều gì ảnh hưởng đến giấc ngủ hay nên đi ngủ vào thời gian nào? Nhằm nghiên cứu và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho bạn đọc, Tri thức trực tuyến giới thiệu cuốn Yang sheng: Chữa lành cơ thể, làm đẹp tâm hồn của tác giả Katie Brindle.
Cuốn sách hướng dẫn bạn đọc những kỹ thuật để khai thác hiệu quả việc sử dụng hơi thở cũng như nụ cười, chiếc lược, lòng bàn chân… để thư giãn và tự chữa lành những tổn thương trong cơ thể về mặt thể chất lẫn tinh thần.