Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Việt chuộng đặc sản lạ, nguy cơ bệnh ký sinh trùng trở lại

Theo chuyên gia, người Việt hiện nay thường chuộng ăn các món hiếm có khó tìm, nhưng lại dễ dàng bỏ qua yếu tố quan trọng nhất là tốt cho sức khoẻ.

TikToker Nga Sumo bị réo tên giữa làn sóng tranh cãi về món lòng xe điếu. Ảnh: Nga Sumo/FB.

Lòng lợn, tiết canh, trứng rắn lộn... những món phế phẩm trong công nghiệp chế biến, từ lâu đã là đặc sản trên bàn nhậu, bữa cơm của nhiều người Việt. Món càng lạ, càng hiếm, càng được tung hô là “phải thử một lần cho biết”.

Thế nhưng, đằng sau đĩa lòng trắng phau, nóng hổi hay chén tiết đỏ sánh lại là hàng loạt nguy cơ đang chực chờ.

Thanh Lam (29 tuổi, quận Thanh Xuân) nhớ như in cảm giác đau nhói, quặn thắt khi ôm bụng vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Tất cả bắt đầu từ đĩa lòng lợn, chén mắm tôm trong bữa trưa cùng ngày.

Bữa lòng lợn "nhớ đời"

Thanh Lam được đồng nghiệp rủ đi ăn tại một quán vỉa hè ở Hà Nội. Cả nhóm không quên nhấn mạnh rằng "phải tìm thử lòng xe điếu mới đúng chuẩn sành ăn". Tuy quán không có lòng xe điếu, bữa lòng nóng hổi giữa trời mưa lạnh khiến ai cũng xuýt xoa.

Thế nhưng, chỉ sau 5-6 giờ, cô gái bắt đầu đau bụng, tiêu chảy liên tục, sốt cao và mê man.

Suốt cả đêm vật vã với cơn đau, bạn cùng nhà phải đưa cô đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu. Thanh Lam được bác sĩ chẩn đoán rối loạn tiêu hóa và nhiễm khuẩn tiết niệu. Sau một ngày điều trị, cô vẫn sốt, cơ thể kiệt sức.

Trong nhóm đồng nghiệp đi ăn cùng, hai người khác cũng gặp tình trạng tương tự. "Cả nhóm chúng tôi không ngờ lại phải nhập viện vì bữa ăn lòng lợn", Thanh Lam nói với Tri Thức - Znews.

Chuyến du lịch miền Tây của anh Bùi Anh Tuấn (Hà Nội) cũng trở thành kỷ niệm không thể quên theo cách... đáng sợ. Trong lần về thăm bạn bè tại Bến Tre, anh được rủ ăn món đặc sản: đuông dừa. Với tâm lý muốn trải nghiệm, anh Tuấn không ngần ngại ăn thử.

Chỉ sau ít phút, anh bắt đầu nổi mẩn khắp người, chóng mặt, khó thở. Bạn bè lập tức đưa anh vào bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ nhận định anh Tuấn bị sốc phản vệ nặng, phải dùng thuốc chống sốc, truyền dịch và theo dõi sát sao mới cứu được anh qua cơn nguy kịch.

"Tôi nghĩ chỉ là món ăn vui vui, không ngờ lại suýt mất mạng. Từ ngày đó, tôi không dám ăn uống bừa bãi nữa", anh Tuấn nói.

Đầu tháng 5, một người đàn ông 62 tuổi ở thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) suýt mất mạng sau bữa ăn nhộng ve sầu - món được xem là đặc sản tự nhiên, hiếm gặp vào mùa hè.

Nhộng xào sả ớt, thứ tưởng chừng là đặc sản "săn được trong tự nhiên", nhanh chóng biến thành "cơn ác mộng".

Chỉ một giờ sau bữa ăn, toàn thân người đàn ông bắt đầu ngứa rát, nổi mề đay. Nghĩ chỉ là dị ứng nhẹ, ông tự mua thuốc uống. Nhưng tình trạng ngày càng nặng hơn, ông mệt lả, khó thở, huyết áp tụt sâu.

Tại bệnh viện, người đàn ông được chẩn đoán ông bịsốc phản vệ độ III, phải khẩn cấp dùng adrenaline, truyền dịch và hỗ trợ hô hấp. May mắn, ông được cứu kịp thời.

long xe dieu anh 4

Khi đi du lịch hay đến các vùng xa xôi, nhiều người thích khám phá ẩm thực mới lạ, từ tiết canh dê, gỏi cá sống, đuông dừa tắm mắm đến các món thú rừng như rắn, rùa, dúi… Ảnh minh họa: YouTube/Vùng Cao Tây Bắc.

Sở thích "phiêu lưu vị giác"

Gần đây, món lòng xe điếu bất ngờ thành tâm điểm chú ý. Hình ảnh những khúc lòng căng tròn, cấu trúc lạ mắt, bốc khói nghi ngút liên tục xuất hiện trên nhiều nền tảng, khơi dậy sự tò mò và trở thành đề tài bàn tán rôm rả trong cộng đồng mạng.

"Đằng sau làn sóng bàn tán đó, chúng ta có thể thấy rằng người Việt có sự yêu thích khó cưỡng với những món ăn độc đáo, lạ lẫm. Có thể gọi đó là sự 'phiêu lưu vị giác', niềm vui không che giấu khi được khám phá những thứ mới mẻ, thậm chí người khác còn e ngại", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), nói với Tri Thức - Znews.

PGS Thịnh cho rằng không chỉ lòng lợn, người Việt còn đặc biệt ưa chuộng những món đặc sản "lạ" phần nhiều bắt nguồn từ tâm lý tò mò. Khi đi du lịch hay đến các vùng xa xôi, nhiều người thích khám phá ẩm thực mới lạ, từ tiết canh dê, gỏi cá sống, đuông dừa "tắm mắm" đến các món thú rừng như rắn, rùa, dúi…

Người Việt có sự yêu thích khó cưỡng với những món ăn độc đáo, lạ lẫm. Có thể gọi đó là sự 'phiêu lưu vị giác'

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh

"Những món này thường được tiêu thụ mà không qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí có thể được bày bán và chế biến trong điều kiện bảo quản kém, không rõ nguồn gốc, hoặc thậm chí bừa bãi", ông Thịnh nêu thực tế.

PGS Thịnh cũng cho rằng nhiều người xem việc thưởng thức những món ăn này là một cách để thể hiện cá tính và "phiêu lưu" trong ẩm thực. Tuy nhiên, ông khẳng định đây không phải là một nét văn hóa bền vững, mà thực ra chỉ là sự bộc phát nhất thời.

"Những người sống nề nếp thì đi đâu cũng chọn nơi sạch sẽ, ăn đồ tươi ngon, được chế biến cẩn thận. Không ai ăn sò, ốc, cá sống ở ven biển hay, món thịt lạ ven rừng chỉ để cảm thấy 'ngầu' cả. Thú vui này, đôi khi phải đổi lại bằng bệnh tật thì thật không đáng!", PGS Thịnh nhấn mạnh.

Ông cũng lưu ý rằng người Việt hiện nay đang đặt tiêu chuẩn rất cao cho hương vị của món ăn, phải dai, phải béo, phải lạ miệng nhưng lại dễ dàng bỏ qua yếu tố quan trọng nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính điều này đã vô tình dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm, từ ngộ độc cấp tính, bệnh truyền nhiễm, cho đến các bệnh mạn tính phát sinh sau nhiều năm.

Những người sống nề nếp thì đi đâu cũng chọn nơi sạch sẽ, ăn đồ tươi ngon, được chế biến cẩn thận. Không ai ăn sò, ốc, cá sống ở ven biển hay, món thịt lạ ven rừng chỉ để cảm thấy 'ngầu' cả!

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Hà Nội), cho biết bệnh do ký sinh trùng đang có xu hướng gia tăng như giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn và nhỏ, sán dây lợn, dây bò.

Việt Nam hiện có khoảng một triệu người nhiễm sán lá gan nhỏ do ăn cá làm gỏi, muối hoặc chưa nấu chín và hàng trăm nghìn trường hợp mắc các bệnh giun sán khác.

Bệnh sán lá gan lớn gặp ở 53 tỉnh, thành phố trong cả nước. Sán gây ra những ổ áp xe ở gan và có thể gặp sán lá gan lớn lạc chỗ gây ra các tổn thương khác nhau tại các vị trí sán ký sinh.

Bệnh sán dây có ở 60 tỉnh, thành phố, mỗi năm có hàng chục nghìn bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị trên toàn quốc. Bệnh gây ra các tổn thương và triệu chứng tại hệ thần kinh trung ương, tại mắt, cơ vân, cơ tim, gan thận.

"Nếu người dân ăn gỏi cá, cá chưa nấu chín, rau thủy sinh trong vùng này nguy cơ nhiễm sán lá gan rất lớn bao gồm cả sán lá gan lớn và nhỏ", bác sĩ Cảnh nói.

Thói quen ăn tiết canh chính cũng là nguyên nhân gây lây nhiễm rất nhiều mầm bệnh, bao gồm cả các bệnh ký sinh trùng như sán dây lợn, các nang sán làm tổ khắp cơ thể, kể cả trong não. Tiết gia cầm chứa ấu trùng giun đầu gai, giun đũa chó mèo.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần chú ý đến việc ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay trước khi ăn và đặc biệt hạn chế ăn đồ sống như rau sống, gỏi cá sống, thịt chua... Nếu có sử dụng rau sống thì phải rửa thật kỹ bằng nước sạch và rửa dưới vòi nước. Ngoài ra, việc tẩy giun sán định kỳ mỗi 6 tháng/lần là rất quan trọng để giảm nguy cơ nhiễm kỹ sinh trùng.

Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, cung cấp chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết.

Món 'khoái khẩu' nhiều nguy cơ nhưng người Việt ưa chuộng

Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc người tiêu dùng Việt cần thay đổi tư duy ăn uống, đừng chỉ ăn cho ngon mà còn phải ăn cho an toàn.

Phương Anh - Thuận Nguyễn

Bạn có thể quan tâm