![]() |
Một số bộ phận như ruột già, ruột non, dạ dày... thường bị xem là phế phẩm trong công nghiệp chế biến thực phẩm quy mô lớn, nhưng lại trở thành món khoái khẩu của nhiều người. Ảnh minh họa: Ngoquyenthe. |
Lùm xùm liên quan món lòng xe điếu vẫn chưa hạ nhiệt. Thông tin Sở An toàn thực phẩm TP.HCM chưa thể lấy mẫu kiểm nghiệm do quán liên tục đóng cửa, thông báo hết lòng tiếp tục khiến dư luận bức xúc.
Bên cạnh lo ngại về an toàn thực phẩm, nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao món ăn này lại được săn đón? Phải chăng tâm lý chuộng món “độc lạ” đang khiến thực khách dễ dàng bị cuốn theo, dù lòng lợn không phải món được khuyến khích sử dụng thường xuyên?
Tâm lý chuộng ăn món "độc lạ"
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nhận định sự việc Tiktoker tự xưng "vua lòng lợn" quảng bá bộ lòng xe điếu siêu dài chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Không cần cao lương mỹ vị, lòng lợn - thứ nội tạng từng bị xem là phế phẩm ở nhiều quốc gia - lại là món ăn khoái khẩu của rất nhiều người Việt. Từ tô cháo lòng sáng sớm, đĩa lòng luộc buổi trưa, đến món lòng xào dưa nhắm rượu tối khuya, nội tạng động vật len lỏi trong mọi khoảnh khắc ẩm thực của đời sống.
Cơn "thèm lòng" không phân biệt tầng lớp, không giới hạn thời gian. Quán cháo lòng vỉa hè, quán nhậu bình dân hay nhà hàng đặc sản, nơi đâu cũng sẵn món ngon này để phục vụ thực khách. Chính sở thích này đã biến nội tạng động vật, đặc biệt lòng lợn, thành mặt hàng được tiêu thụ mạnh trên thị trường thực phẩm.
![]() ![]() |
MC Anh Thơ, Hoàng Anh Panda, (từ trái sang) đều chia sẻ video thử ăn lòng xe điếu. Ảnh cắt từ clip. |
Hiện nay, lòng lợn và các loại nội tạng không chỉ được bày bán ở chợ truyền thống, siêu thị mà còn được rao bán công khai trên mạng, giao tận nhà theo đơn hàng.
Chỉ cần qua vài công đoạn sơ chế, "phế phẩm" đã được 'lên đời' thành món đặc sản, hấp dẫn người ăn mà ít ai đặt câu hỏi về nguồn gốc hay điều kiện bảo quản. Nhiều vụ việc từng bị phanh phui cho thấy hàng loạt lô nội tạng thối, phân hủy, không có nguồn gốc, hóa đơn hợp lệ đã bị bắt giữ khi đang trên đường đi tiêu thụ, ông Cường dẫn chứng.
Điển hình như đầu năm 2025, gần 20 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối, chuyển màu, thậm chí đang trong quá trình phân hủy đã bị Công an TP Hà Nội thu giữ. Số nội tạng này được thu gom cả trong và ngoài nước, nhưng chủ yếu ở nước ngoài.
Vụ việc mới nhất vào đầu tháng 5 cũng tại địa bàn Hà Nội với 7 tấn nội tạng động vật các loại bao gồm trứng non, tràng gà, nầm heo không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Hơn 7 tấn thực phẩm đông lạnh không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: T.H / Vietnamnet. |
Không thể vì ăn ngon mà đánh đổi sức khỏe
Các chuyên gia y tế cho rằng đã đến lúc người tiêu dùng phải tỉnh táo hơn trước cơn sốt nội tạng này. Nói với Tri Thức - Znews, PGS.TS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho hay nội tạng động vật có giá trị dinh dưỡng, song người dân cần cân nhắc kỹ về số lượng và tần suất ăn chúng. Nếu mỗi tháng, bạn chỉ ăn chúng 1-2 lần với lượng vừa phải (70-80 g) sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Tuy nhiên, nếu nội tạng không được làm sạch kỹ và chế biến đảm bảo vệ sinh, chúng có thể chứa vi khuẩn E.coli, Salmonella, liên cầu khuẩn… hoặc trứng ký sinh trùng như sán lá gan. Ngoài ra, gan và thận là nơi tích tụ độc chất trong cơ thể động vật, nếu ăn thường xuyên, nguy cơ về gan, thận và tim mạch sẽ tăng cao.
"Người Việt có quyền tự hào với nền ẩm thực phong phú, cầu kỳ trong chế biến và tinh tế trong hương vị. Tuy nhiên, chúng ta không thể vì ngon và lạ mà đánh đổi sức khỏe", PGS Hưng nhấn mạnh.
Cùng chung góc nhìn, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, cho rằng chính sự khan hiếm và mức giá "trên trời" của lòng se điếu đã khiến không ít người lầm tưởng đây là một loại thực phẩm bổ dưỡng. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh lòng xe điếu tốt hơn lòng non thông thường.
Điểm khác biệt chủ yếu của lòng xe điếu nằm ở kết cấu dai giòn, hương vị khác biệt, chứ không đến từ thành phần dinh dưỡng.
Trung bình 100 g lòng lợn (bao gồm cả lòng xe điếu và các loại lòng khác) cung cấp khoảng 100-150 kcal, 7,2-22 g protein, 1,3 g chất béo, cùng một số vi chất như sắt, kẽm và vitamin B12. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là lượng cholesterol rất cao - gần 400 mg/100 g, vượt xa mức khuyến cáo trong chế độ ăn lành mạnh.
"Nhìn chung, nội tạng là nhóm thực phẩm có hàm lượng chất béo và cholesterol cao. Việc tiêu thụ thường xuyên, thiếu kiểm soát có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, tim mạch, tăng huyết áp và nhiều vấn đề sức khỏe khác", bác sĩ Hoàng cảnh báo.
PGS.TS Nguyễn Trọng Hưng cũng cho rằng đã đến lúc người tiêu dùng Việt cần thay đổi tư duy ăn uống, đừng chỉ "ăn cho ngon" mà phải "ăn cho an toàn". Thực phẩm sạch, chế biến đúng cách và rõ nguồn gốc mới là nền tảng cho một nền ẩm thực bền vững và khỏe mạnh.
Các chuyên gia khuyến cáo nếu có nhu cầu ăn nội tạng, người dân chỉ nên mua tại các cơ sở uy tín, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tránh dùng thường xuyên. Khi chọn lòng, nên ưu tiên các đoạn ruột tròn phẳng, màu trắng hồng, bề mặt nhẵn mịn, không có mùi lạ... đó là những dấu hiệu cho thấy sản phẩm còn tươi và an toàn hơn.
Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.