Đó là chuyện nhỏ, nhưng nhiều chuyện khác chúng ta không dám cho con cái trải nghiệm cuộc sống bằng cách tự lập, luôn muốn dắt dìu, nâng đỡ, sắp đặt, tạo dựng... nên khiến con cái có tính ỷ lại.
Nhiều bạn bè của tôi ở thành phố tâm sự tớ ước được như cậu, tự lập từ sớm nên cũng “chững chạc” hơn, “trưởng thành” hơn.
17 tuổi: "Trần ai" kiếm 200.000 đồng
Ngày đó tôi 17 tuổi, sau khi học hết lớp 10, tôi tranh thủ thời gian hè ra Đà Nẵng, cùng đi với tôi là bạn chung xóm (quê Quảng Nam). Bạn ấy có chị đi làm ở ngoài đó trước, chúng tôi ra và nhờ chị kiếm việc làm thêm, kiếm thêm tiền để đi học.
Dù tự ăn bằng đũa làm cậu bé Manse lấm bẩn nhưng bố mẹ vẫn để cậu bé tự ăn, thay vì đút. |
Công việc chúng tôi tìm được lúc đó là phụ bàn ở một nhà hàng cơm gà khá nổi tiếng ở Đà Nẵng. Chúng tôi mừng ơi là mừng vì nghĩ đi liều vậy, hai thằng “đặc câm” (nhỏ con) mà ai thuê, cuối cùng cũng có người chịu cho mình làm.
Chúng tôi làm việc ở đó thật sự rất cực, dậy từ 5h30 sáng làm việc vặt, dọn dẹp, lau chùi, giặt khăn trải bàn, vệ sinh toilet, phụ bếp, làm sạch gà đã được giết mổ trước, lặt rau... tới 9h thì tắm rửa, chuẩn bị đón khách vào ăn đến 14h. Sau đó lại dọn dẹp và từ 16h30 đến 17h phải tiếp tục làm “chạy bàn” tới 21h đến 22h, tùy bữa; rồi từ khi đóng cửa tới 23h phải dọn cho gọn gàng mọi thứ.
Một ngày xoay vần như vậy - đối với tuổi 17 - đang tuổi ăn tuổi lớn quả là thiếu ngủ, lại bị la rầy nhiều do làm chưa giỏi, thời gian mới vô lụp chụp do chúng tôi là con nít ở quê.
Một tháng “trần ai” ấy chúng tôi nhận được 200.000 đồng tiền lương, mừng quá chừng vì đó là tháng - lương - đầu - tiên. Chúng tôi nghỉ làm vì không thể chịu nổi công việc nhìn thì nhẹ nhưng cực nhọc ấy, song cũng đã kịp học được nhiều thứ: Chịu thương, chịu khó, biết kiếm tiền không dễ nên cũng hiểu mình cần tiết kiệm hơn, thấm ba chữ nhà - mình - nghèo, cần phấn đấu để học hành cho tốt, nếu không sẽ phải luẩn quẩn với công việc chân tay, bấp bênh đó thì cuộc sống khó ổn định.
Hè năm lớp 11, tôi cũng đi làm thêm như thế, lần này là công việc... đạp ba gác đi bán mì ăn liền cho một nhãn hiệu mì mới ra có nhà xưởng, trụ sở chính ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam) và văn phòng đại diện - bán hàng ở Đà Nẵng.
Hơn hai tháng hè đạp xe bỏ mì, chào hàng sản phẩm mì ăn liền đó tôi cũng học được nhiều thứ: Rành đường Đà Nẵng, dạn dĩ trong giao tiếp, biết chào hàng và tất nhiên cũng hiểu để có được đồng tiền phải có đổ mồ hôi, chịu khó...
Từ đó tôi càng thao thức việc học, cố gắng hết mình chinh phục ước mơ giảng đường, quyết tâm sẽ vừa làm vừa học đến khi nào làm được mới thôi.
Năm lớp 12, chọn thi vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, tôi thi tại cụm Quy Nhơn (Bình Định) và cũng tự đi vì gia đình tôi không có người, đặc biệt lo chi phí cho tôi đi thi đã chật vật thì lấy đâu ra tiền để có người đi kèm?
May mắn tôi được một người bà con cùng quê Quảng Nam nhưng định cư tại Quy Nhơn giúp đỡ. Mùa thi ấy tôi tự đi, nhưng được ăn ở miễn phí tại nhà của người ấy với sự hỗ trợ ân cần. Tôi học được bài học sẻ chia, lòng biết ơn dâng tràn đến bây giờ, mỗi khi nghĩ về mùa thi năm nào mình đi thi tại Quy Nhơn.
Đi thi một mình thật ra hơi lo, nhưng không đến nỗi nào, bởi cũng đã đủ lớn để cần trải nghiệm ấy và đó là cơ hội để mình lớn hơn, tự lập hơn, khi vào đời sẽ tự tin và có nhiều vốn liếng hơn, tôi rút ra được điều đó.
Sao cứ đợi tới 18 mới cho trưởng thành?
Như đã nói ở trên, mỗi lứa tuổi đều có tiêu chí trưởng thành riêng. Ở tuổi nhỏ, còn dựa vào gia đình nhưng có thể trưởng thành bằng cách tự tắm rửa, tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân, tự học... Lớn tí thì tự lo hoàn thành những công việc, dự định, mục tiêu nhỏ, kế hoạch con... của bản thân thông qua việc tự ý thức, cố gắng, không ngừng học hỏi, tạo các mối quan hệ, tham gia các chương trình mang tính chất cộng đồng, từ thiện, thiện nguyện...
Do đó tôi nghĩ không nên bảo bọc mọi thứ cho con, nhà khá giả vẫn có thể có cơ hội rèn luyện, và rèn luyện không có nghĩa là đợi tới một lứa tuổi nào đó, như cái mốc 18 mà nhiều người đưa ra, cho rằng đó là tuổi trưởng thành. Phải luyện ý thức từ nhỏ, trong mọi lứa tuổi, những gì tự làm được, tự làm cho mình được thì hãy để trẻ làm. Thương con vì thế chính là để cho con học nhiều kỹ năng sống, chứ không phải sống thế con, làm thế cho con hết mọi thứ.
Tới đây, tôi nhớ đến câu chuyện của những tỉ phú nước ngoài với những bản di chúc để lại tài sản cho các tổ chức từ thiện, không để cho con cái, như cái lý của tỉ phú Yu Pang-Lin (người Hong Kong), người đã để lại toàn bộ tài sản (2 tỉ USD) cho hoạt động từ thiện: “Nếu các con tôi giỏi hơn tôi thì chẳng cần phải để nhiều tiền cho chúng. Nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ có hại cho chúng mà thôi”.