Một ngày sau khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe qua đời vì bị ám sát, phu nhân Akie Abe đã đi cùng đoàn xe tang, đưa thi thể ông về Tokyo.
Trước đó, ngay khi vừa nghe tin chồng mình bị bắn, bà Akie ngay lập tức đi đến bệnh viện Đại học Y Nara, nơi các bác sĩ cố gắng giành lại sự sống cho ông Abe nhưng bất thành.
Bà Akie Abe từng làm việc trong ngành truyền thông, là DJ radio trước khi lấy chồng. |
Kể từ khi gia nhập vào chính trường Nhật Bản vào thập niên 90 của thế kỷ trước cho đến khi từ chức thủ tướng với lý do sức khỏe vào năm 2020, ông Shinzo Abe luôn có vợ đồng hành, ủng hộ cho sự nghiệp lãnh đạo của mình.
Cựu đệ nhất phu nhân có tầm ảnh hưởng
Bà Akie Abe sinh năm 1962, kém chồng 8 tuổi. Bà vốn xuất thân từ một gia đình giàu có, với cha là chủ tịch của Morinaga & Co, một trong những công ty bánh kẹo lớn nhất Nhật Bản.
Sinh ra trong gia đình tầng lớp thượng lưu, cựu đệ nhất phu nhân Nhật Bản theo học ở các trường nữ sinh danh giá suốt thời niên thiếu. Sau khi tốt nghiệp Đại học Thánh Tâm ở Tokyo, bà làm việc cho một công ty truyền thông và trở thành DJ cho đài phát thanh ở thành phố Shimonoseki (tỉnh Yamaguchi) với biệt danh Akky.
Cũng trong khoảng thời gian này, bà được người chú giới thiệu với ông Shinzo Abe, khi ấy là một phụ tá đang bắt đầu sự nghiệp chính trị và có tương lai xán lạn.
"Lần hẹn đầu tiên, chúng tôi ra ngoài ăn tối. Ấn tượng đầu tiên về chồng mình là ông ấy hài hước, trưởng thành và có kiến thức sâu rộng", vợ ông Abe từng chia sẻ với Japan Times. Năm 1987, cả hai làm đám cưới.
Đám cưới của ông Shinzo Abe vào năm 1987. |
Suốt 35 năm hôn nhân, bà Akie vừa trở thành người ủng hộ, hỗ trợ đắc lực cho con đường chính trị của chồng vừa thực hiện các dự án, hoạt động riêng của mình.
Năm 2011, bà lấy bằng thạc sĩ về Nghiên cứu và Thiết kế xã hội tại Đại học Rikkyo.
Năm 2012, vào giai đoạn ông Abe chuẩn bị quay lại chính trường sau vài năm gặp vấn đề sức khỏe, bà Akie mở một izakaya - loại hình quán bar bình dân của Nhật Bản phục vụ đồ uống có cồn và đồ ăn nhẹ. Việc tự đứng ra kinh doanh này từng vấp phải phản đối từ người mẹ chồng.
Trong suốt các nhiệm kỳ ông Shinzo Abe đảm nhận chức thủ tướng Nhật Bản, bà Akie được đánh giá là một đệ nhất phu nhân có quan điểm cởi mở, thẳng thắn, đôi khi đối lập hẳn với ý kiến của chồng.
Năm 2014, bà từng tham gia một cuộc diễu hành vì quyền lợi của cộng đồng đồng tính LGBT và lên tiếng ủng hộ việc hợp pháp hóa sử dụng cần sa cho mục đích y tế.
Vợ ông Abe cũng thường xuyên nói về tầm quan trọng của việc tạo ra nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ ở Nhật Bản.
Bà Akie Abe đón tiếp Melania Trump, khi ấy cả hai đều là đệ nhất phu nhân của nước mình. |
"Đất nước này rập khuôn phái nữ. Tôi muốn thoát khỏi khuôn mẫu vợ của một chính trị gia phải cư xử theo lối mòn và hy vọng những gì tôi làm sẽ khuyến khích mọi người", bà phát biểu.
Năm 2018, tạp chí Foreign Policy từng nói về bà: "Bà Akie thường xuyên nói về một nghịch lý rằng phụ nữ Nhật Bản nằm trong số những người được giáo dục tốt nhất trên thế giới nhưng lại thường phải vật lộn để vươn lên trong nấc thang sự nghiệp".
Áp lực vì không có con
Trên mạng xã hội, vợ ông Abe cập nhật thông tin khá thường xuyên, từ những hoạt động thường ngày cho đến cuộc sống hàng ngày của bà, bên cạnh người chồng chính khách.
Cả hai được đánh giá là có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, thường xuất hiện với hình ảnh tay trong tay trước công chúng. Song, hai vợ chồng cũng gặp không ít áp lực vì không có con chung, dù ông Shinzo Abe luôn khuyến khích người dân Nhật Bản sinh đẻ thêm, khi tình trạng già hóa dân số ở nước này ngày càng đáng lo ngại.
Chính sự đối ngược này khiến cả truyền thông và người dân đặt câu hỏi nghi vấn, thậm chí chỉ trích chuyện ông Abe không có con nối dõi. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Bungei Shunju vào năm 2006, bà Akie đã chia sẻ thẳng thắn vấn đề mà vợ chồng mình gặp phải.
Vơ ông Shinzo Abe khao khát được làm mẹ song theo thời gian, bà dần chấp nhận việc mình không thể có con. |
Trong những năm đầu hôn nhân, vợ ông Abe từng đi điều trị chứng khó sinh nhưng không thành công. Thời gian qua đi, việc mang thai đối với bà càng khó khăn do tuổi tác, sức khỏe.
Dù chồng gợi ý nhận con nuôi, bà Akie đã từ chối vì không tự tin có thể nuôi dạy con nuôi đúng cách.
"Nhận con nuôi có thể phổ biến ở Mỹ nhưng rất hiếm khi xảy ra ở Nhật. Nếu có, người Nhật cũng chỉ thực hiện trong họ hàng. Theo thời gian, hai vợ chồng chấp nhận việc chúng tôi không được ban phúc để có con. Tôi nghĩ tất cả đều là số phận”, bà nói.
Tất yếu, việc này tạo ra sức ép lớn lên người vợ, kể cả từ các cử tri ủng hộ ông Abe.
"Làm dâu một dòng họ có truyền thống làm lãnh đạo vốn nhiều áp lực. Áp lực này càng nhân lên khi tôi đã có tuổi, còn chồng tôi là người chịu trách nhiệm với đất nước. Nhiều lần, tôi tự động viên chính mình rằng số phận của tôi là phải đóng góp cho xã hội nhiều hơn là chăm sóc con cái", bà Akie chia sẻ.