Việc học online ngoài những hạn chế về chất lượng dạy học, khả năng cháy nổ, giật hay rò rỉ điện khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Năm ngoái, một trong những trở ngại cho việc dạy học online ở Hải Phòng là nguy cơ mất an toàn khi các em nhỏ tự loay hoay với thiết bị điện tử, ổ điện.
2 giờ học online
Chị Mỹ Dung (thành phố Thủ Đức, TP.HCM) phụ huynh học sinh lớp 3, cho biết do giãn cách xã hội, chị không thể mua thiết bị cho con học online. Trong thời gian này, cứ đến giờ học của con, chị dùng điện thoại của mình cho con học.
Trẻ học online bằng điện thoại. Ảnh: PHCC. |
Ngoài hạn chế màn hình nhỏ, con không quan sát được cả lớp và xem rõ nội dung cô giáo trình chiếu, chị Dung lo nguy cơ cháy nổ khi con học online trên điện thoại hàng giờ đồng hồ, phải vừa sạc vừa học.
"Có vài lần con học online khoảng 2 giờ đồng hồ là điện thoại nóng như lửa. Mình đã đọc một số vụ tai nạn nổ điện thoại thì vừa cắm sạc vừa dùng nên rất lo", chị Dung nói.
Thất nghiệp 3 tháng nay do nhà máy đóng cửa, anh Mạnh Dũng (quận 12, TP.HCM) không có tiền để mua điện thoại mới hay máy tính cho hai con học online. Tới giờ học, anh Dũng và vợ đưa điện thoại cho hai con dùng. Nhiều lần con phải vừa học vừa sạc pin vì máy đã cũ, nhanh hết pin.
"Tôi cũng biết là vừa sạc pin vừa dùng điện thoại dễ cháy nổ nhưng không có cách nào khác. Nhà chỉ có điện thoại, chẳng lẽ không cho con học. Bây giờ muốn đi mua pin sạc dự phòng cũng khó", phụ huynh chia sẻ.
Cẩn trọng khi vừa dùng điện thoại vừa sạc
Một nhà nghiên cứu ở Viện Điện, ĐH Bách Khoa Hà Nội, đánh giá mối lo ngại của phụ huynh là có cơ sở. Khi sử dụng điện thoại học online, hai vấn đề cần quan tâm là tuổi thọ của pin (mà cách gọi thông thường là pin bị "chai") và an toàn cháy nổ.
Theo nhà nghiên cứu này, tuổi thọ của pin liên quan trực tiếp tới chế độ sạc và sử dụng. Những ứng dụng học online cần truyền - nhận hình ảnh, âm thanh trực tiếp nên sẽ tốn nhiều pin. Việc học online kéo dài trong ngày chắc chắn sẽ dẫn tới việc phải cắm sạc trong khi đang sử dụng. Vừa cắm sạc vừa sử dụng là chế độ làm việc không tốt, có thể làm pin nhanh bị "chai".
Điện thoại dễ cháy, nổ khi vừa dùng vừa sạc pin. Ảnh: Vnreview. |
Tuổi thọ pin cũng liên quan trực tiếp đến nhiệt độ. Nhiệt độ cao hay quá thấp đều làm ảnh hưởng đến tuổi thọ. Các bộ sạc nhanh và các ứng dụng học online sẽ sạc và xả pin với công suất (dòng điện) khá lớn, làm nóng pin. Nhiệt còn sinh ra do chip vi xử lý của điện thoại phải hoạt động đồ hoạ mạnh cho ứng dụng học online và nhiệt này có ảnh hưởng đến pin. Vì thiết kế điện thoại rất nhỏ gọn, đóng kín (compact), nên nhiệt ở các bộ phận sẽ ảnh hưởng mạnh đến nhau.
Vấn đề nhiệt độ còn gây ra mối lo lắng thứ hai, đó là an toàn cháy nổ. Vấn đề an toàn cháy nổ liên quan đến chất lượng pin, bộ sạc và khả năng tản nhiệt do cách sử dụng thiết bị của học sinh.
"Điện thoại di động hiện nay sử dụng pin Lithium là loại pin tương đối nhạy cảm với nhiệt độ và có khả năng gây cháy nổ. Nếu sử dụng điện thoại và thiết bị sạc đi kèm nguyên bản của những hãng điện thoại lớn, hoặc thiết bị sạc của bên thứ ba nhưng uy tín, phụ huynh có thể tạm yên tâm về an toàn cháy nổ trong điều kiện sử dụng bình thường. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có điều kiện mua điện thoại tốt. Việc sử dụng hàng rẻ tiền, trôi nổi, chất lượng thấp sẽ làm tăng nguy cơ cháy nổ".
Vấn đề tiếp theo liên quan đến an toàn cháy nổ là tản nhiệt. Ngoài chất lượng tản nhiệt do thiết kế điện thoại, vấn đề này còn liên quan trực tiếp đến cách sử dụng của người dùng.
Việc dùng ốp lưng sẽ làm giảm khả năng tản nhiệt của điện thoại; đặt điện thoại (và cả máy tính) khi đang sử dụng trên những chất liệu tản nhiệt kém, ví dụ chăn, gối là rất nguy hiểm. Trong bối cảnh học online kéo dài, đây là kịch bản rất có khả năng xảy ra.
Chuyên gia này khuyến cáo nên mua thiết bị tốt của những nhà sản xuất uy tín. Học sinh nên dùng sạc và dây sạc đi cùng bộ máy, nếu dùng của bên thứ ba, nên tìm đến những hãng uy tín. Phụ huynh không nên sử dụng đồ trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Khi sử dụng điện thoại kéo dài trong ngày, học sinh nên tạm gỡ bỏ ốp điện thoại, tuyệt đối tránh đặt điện thoại trên chăn, gối khi sử dụng trong thời gian dài. Đồng thời, thiết bị khi đang bật, sạc cần được để mắt, tránh việc cắm sạc, bật ứng dụng lên học, rồi bỏ quên.
"Khi học online trong thời gian dài, chúng ta dùng máy tính bàn hoặc laptop sẽ tốt hơn dùng điện thoại nhiều. Máy tính to hơn và do đó có khả năng tản nhiệt tốt hơn điện thoại", nhà nghiên cứu tại Viện Điện của ĐH Bách khoa Hà Nội, khuyến cáo.