Trong làn sóng dịch Covid-19 vừa qua, để hỗ trợ các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tự theo dõi sức khỏe tại nhà, TP.HCM đã triển khai phát các túi thuốc A, B và C cho F0.
Cụ thể, gói thuốc A gồm thuốc hạ sốt và vitamin. Gói thuốc B gồm kháng viêm và chống đông. Trong khi đó, gói thuốc C là thuốc kháng virus Molnupiravir. Gói thuốc A sẽ được phát rộng rãi cho tất cả F0. Ngược lại, gói thuốc B và C chỉ dành cho một số F0 có chỉ định sau khi được bác sĩ tư vấn.
Việc cấp phát thuốc cho những F0 đang cách ly tại nhà có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong trong giai đoạn hiện nay. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số người dân đã tự ý sử dụng túi thuốc B hay các sản phẩm chứa corticoid khi chưa cần thiết, dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Diễn biến nặng vì "uống trước” thuốc
Trao đổi với Zing, tiến sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khẳng định: “Để sử dụng các loại thuốc chống đông, kháng viêm trong túi thuốc B, việc đánh giá chính xác tình trạng bệnh là rất quan trọng. Người dân không đủ kiến thức y khoa và chưa được thăm khám nhưng lại tự ý sử dụng những loại thuốc này sẽ mang đến nguy cơ rất lớn đối với sức khỏe”.
Cụ thể, với thuốc kháng viêm chứa thành phần corticoid, bác sĩ Hùng cho hay nếu sử dụng quá sớm, ở thời điểm ban đầu trong diễn biến bệnh, sản phẩm này có thể làm tăng thời gian thanh thải virus. Điều này đồng nghĩa với việc SARS-CoV-2 sẽ có điều kiện để tồn tại trong cơ thể bệnh nhân lâu hơn.
F0 điều trị tại nhà trên địa bàn quận Phú Nhuận nhận giỏ thuốc an sinh từ nhân viên y tế. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Đồng quan điểm, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nói thêm: “Việc sử dụng thuốc chứa corticoid quá sớm sẽ mang đến nguy cơ ức chế miễn dịch ở người bệnh. Bên cạnh khiến virus đào thải chậm hơn, nCoV sẽ có khả năng bùng phát trong cơ thể F0 và dẫn đến tình trạng nặng”.
Trong khi đó, 2 vị chuyên gia này đều khẳng định việc sử dụng thuốc chống đông không đúng chỉ định sẽ gây ra nguy cơ chảy máu ở người bệnh.
“Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp xuất huyết phổi, chảy máu trong một số cơ quan khác do tự ý sử dụng thuốc chống đông khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Liên hệ với bác sĩ trước khi sử dụng
Bác sĩ Phạm Văn Phúc cho biết trong các túi thuốc B được cấp phát cho F0 tại TP.HCM đều có kèm theo giấy khuyến cáo đầy đủ cùng số điện thoại của nhân viên y tế phụ trách.
“Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người dân khi mắc bệnh sẽ xuất hiện tâm lý lo lắng, sợ hãi trước các triệu chứng của Covid-19. Lúc này, họ có thể nghĩ rằng uống trước thuốc sẽ phòng tránh được triệu chứng nên đã sử dụng khi chưa có chỉ định từ bác sĩ”, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực nói.
Bác sĩ Phúc can thiệp y tế cho một bệnh nhân Covid-19 tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Việt Linh. |
Không chỉ tại TP.HCM, bác sĩ Phúc chia sẻ thời gian qua cũng gặp rất nhiều trường hợp tương tự đến từ nhiều địa phương khác nhau. Một số người dân lo lắng nên đã tự ý mua thuốc sau khi nghe theo các thông tin trên Internet hay lời khuyên từ những bác sĩ không chuyên.
Ông cho biết phác đồ điều trị của Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo rõ, túi thuốc B hay các loại thuốc kháng viêm, chống đông chỉ sử dụng khi bệnh nhân Covid-19 có tổn thương phổi và rơi vào tình trạng suy hô hấp.
“Các loại thuốc này không thể sử dụng một cách thường xuyên. Ngoài ra, một khi đã phải sử dụng túi thuốc B, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhập viện để điều trị”, bác sĩ Phúc nhấn mạnh.
Do đó, theo vị chuyên gia này, trong quá trình theo dõi sức khỏe, người dân nếu phát hiện các triệu chứng bất thường và muốn sử dụng túi thuốc B hay các sản phẩm kháng viêm, chống đông cần liên hệ với bác sĩ trước để được đánh giá chính xác tình trạng bệnh, từ đó nhận chỉ định đúng.
Ngoài ra, trong trường hợp buộc phải sử dụng các loại thuốc trên, nhân viên y tế sau khi tư vấn sẽ lên kế hoạch cho bệnh nhân nhập viện.