Phương pháp phá thai ngoại khoa để lại đau đớn và gây nhiều tổn thương cho người bệnh. Ảnh: iStock. |
Đình chỉ thai là một thuật ngữ y học dùng để chỉ việc sử dụng các biện pháp can thiệp y tế nhằm chấm dứt sự phát triển của thai nhi trong buồng tử cung. Thuật ngữ này bao hàm cả việc phá thai.
Pháp luật Việt Nam chỉ cho phép phá thai từ 22 tuần tuổi trở xuống. Nếu có trường hợp thai lớn hơn và phát hiện có dị tật bất thường không thể sinh ra và buộc phải đình chỉ thai, việc chấm dứt thai kỳ phải có được sự thông qua của Hội đồng chẩn đoán trước sinh.
Theo bác sĩ Lệnh Tú Cường, khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), hiện tại có 2 phương pháp định chỉ thai là phương pháp nội khoa và phương pháp ngoại khoa.
Phương pháp nội khoa
Phá thai nội khoa hay phá thai bằng thuốc là dùng thuốc để chấm dứt thai kỳ, áp dụng thai trong tử cung từ 22 tuần tuổi trở xuống. Tùy theo tuổi thai, cơ sở y tế sẽ có các phác đồ và cách theo dõi khác nhau (có thể theo dõi tại nhà, tại phòng khám hay phải nhập viện theo dõi).
Phương pháp này thuận tiện, riêng tư, ít xâm lấn nhưng nếu thất bại, các bác sĩ cần dùng phương pháp ngoại khoa.
Phương pháp phá thai bằng thuốc ít xâm lấn và thuận tiện. Ảnh: iStock. |
Phương pháp đình chỉ thai nội khoa có thể gây ra một số triệu chứng nhẹ có thể tự uống thuốc và tự khỏi như sốt, buồn nôn, tiêu chảy. Tuy nhiên, nếu người bệnh phát hiện mình bị đau bụng kéo dài, chảy máu cần đến cơ sở y tế ngay. Trường hợp nghi ngờ bị nhiễm trùng, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, sử dụng kháng sinh hoặc hút buồng tử cung nếu cần.
Phương pháp ngoại khoa
Bên cạnh phương pháp phá thai nội khoa, phương pháp phá thai ngoại khoa bao gồm 3 thủ thuật gồm hút chân không, nong và nạo, nong và gắp thai. Tùy theo tuổi thai, các bác sĩ sẽ đưa ra thủ thuật phù hợp.
Thủ thuật hút thai chân không (bằng tay hoặc bằng máy) có thể áp dụng đối với thai từ 6 đến 12 tuần vô kinh.
Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ sử dụng một ống hút chuyên dụng qua cổ tử cung để đưa vào buồng tử cung, thông qua lực hút chân không để lấy thai ra ngoài. Quá trình thực hiện được theo dõi trên máy siêu âm nên chính xác, an toàn và hiệu quả cao.
Ưu điểm của phương pháp này là không đau, an toàn, triệt để, ít tổn thương đến tử cung, phòng tránh được các vấn đề nhiễm trùng, sót nhau thai. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng giảm thiểu tối đa các rủi ro trong quá trình thực hiện, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh.
Đối với việc phá thai từ 12 tuần đến hết 18 tuần, bác sĩ sẽ sử dụng thủ thuật nong – gắp thai. Bác sĩ sẽ đưa một dụng cụ qua cổ tử cung vào buồng tử cung để lấy thai ra ngoài.
So với phương pháp nạo hút thai, phương pháp nong gắp thai gây đau đớn cho thai phụ và để lại tổn thương ở tử cung nhiều hơn do thai nhi đã lớn. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng gây ra nhiều nguy hiểm tới sức khỏe bệnh nhân.
Các thao tác nạo, hút thai nếu không được thực hiện đúng kỹ thuật có thể làm cổ tử cung bị rách thủng, vỡ tử cung, gây ra hiện tượng băng huyết. Nếu không được xử trí thích hợp có thể gây choáng mất máu có thể đe dọa đến tính mạng.
Trường hợp bệnh nhân bị thủng tử cung cần được theo dõi điều trị nội hoặc có thể nội soi thám sát. Nếu có tổn thương ruột, mạch máu hoặc các cơ quan khác, người bệnh cần được phẫu thuật để xử trí tổn thương.
Phương pháp phá thai ngoại khoa có thể khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng. Người bệnh bị nhiễm trùng nặng cần phải nhập viện điều trị. Nếu phát hiện muộn và không được xử trí kịp thời, nhiễm trùng có thể dẫn đến choáng nhiễm trùng, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Nếu bị dính buồng tử cung, bệnh nhân có thể xuất hiện hiện tượng kinh ít hoặc vô kinh, vô sinh. Các biến chứng liên quan gây mê, gây tê trong khi phẫu thuật cũng có thể gây ra hiện tượng co giật, thậm chí ngưng tim, ngưng thở.
Từ các nguy cơ kể trên, bác sĩ Cường khuyến cáo thai phụ chỉ làm thủ tục đình chỉ thai tại cơ sở y tế chuyên khoa uy tín, có trang thiết bị máy móc y tế hiện đại, đảm bảo vô trùng và do bác sĩ có trình độ chuyên môn cao trực tiếp hướng dẫn, thăm khám, kiểm tra và thực hiện.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.