Việc lãnh đạo, chuyên viên Sở GD&ĐT TP.HCM nhận tiền thù lao hàng tháng cho việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) từ NXB Giáo dục Việt Nam khiến dư luận băn khoăn và đặt ra nhiều nghi vấn.
Trả lời báo chí bên lề kỳ họp thứ 17 của HĐND TP.HCM ngày 7/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói cần phải có báo cáo cụ thể về vụ việc và vấn đề trả thù lao “rất nhạy cảm”. Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã có công văn đề nghị lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM giải trình.
"Vi phạm luật cán bộ, công chức"
Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng việc các giám đốc, phó giám đốc sở nhận tiền hàng tháng từ NXB Giáo dục Việt Nam - một doanh nghiệp - có dấu hiệu vi phạm luật Cán bộ, công chức và luật Phòng, chống tham nhũng.
Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn giải trình với các đại biểu tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 17, về việc NXB Giáo dục Việt Nam chi trả thù lao hàng tháng cho lãnh đạo sở để phối hợp biên soạn sách giáo khoa. Ảnh: Nhân Lê. |
Ông Quang dẫn điều 20 Luật cán bộ, công chức năm 2008 cho biết: Ngoài những việc không được làm quy định tại điều 18 và điều 19 của luật này, cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, Luật Phòng chống tham nhũng cũng ghi rõ: Người có chức vụ, quyền hạn không được tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác về công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết.
Đồng thời, luật này cũng quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Tại sao công chức, viên chức Sở GD&ĐT TP.HCM lại tham gia ban chỉ đạo của NXB Giáo dục Việt Nam. Đây là một tổ chức của doanh nghiệp, do doanh nghiệp thành lập. Vậy họ có chịu sự chi phối của doanh nghiệp không?
Thạc sĩ Lưu Đức Quang
Do đó, theo ông Quang, dù lãnh đạo của sở tham gia hoạt động biên soạn SGK của NXB Giáo dục Việt Nam dưới vai trò là người lãnh đạo hay là nhà chuyên môn, đều không đúng.
“Rõ ràng là công chức, viên chức chỉ chịu sự điều chỉnh của các hoạt động công vụ. Tại sao công chức, viên chức Sở GD&ĐT TP.HCM lại tham gia ban chỉ đạo của NXB Giáo dục Việt Nam. Đây là một tổ chức của doanh nghiệp, do doanh nghiệp thành lập. Vậy họ có chịu sự chi phối của doanh nghiệp không?”, thạc sĩ Quang đặt câu hỏi.
Ông Quang cho rằng tổ chức của doanh nghiệp nhưng lại mang tên “Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn SGK miền Nam” là có yếu tố “lập lờ đánh lận con đen”. Từ cái tên này, các nhà xuất bản khác, trường phổ thông có thể lầm tưởng đây là ban chỉ đạo có tính pháp quy.
Vị giảng viên khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) nêu quan điểm việc giám đốc, phó giám đốc, văn phòng và các phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT TP.HCM tham gia và nhận tiền từ tổ chức của NXB Giáo dục Việt Nam có nguy cơ làm lũng đoạn hoạt động, trật tự quản lý về giáo dục.
Có tình trạng "đi đêm" với các sở giáo dục?
Lý giải về việc nhận tiền thù lao của NXB Giáo dục Việt Nam từ năm 2015, cả giám đốc và phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đều nói đây là thù lao cho việc sở đã đứng ra tập hợp và tập huấn đội ngũ giáo viên, chuyên gia viết sách.
Tuy nhiên, theo TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nếu lãnh đạo sở GD&ĐT TP.HCM giúp tập hợp đội ngũ giáo viên, chuyên gia viết sách thì nhà xuất bản cũng chỉ trả thù lao một lần hoặc theo đợt. Tại sao họ lại nhận thù lao thường xuyên hàng tháng?
Theo TS Dong, việc lãnh đạo, chuyên viên của một sở giáo dục - có vai trò quan trọng trong việc chọn SGK - nhận tiền thường xuyên từ một đơn vị kinh doanh SGK là "rất không được và không ổn chút nào".
2 quyết định chi trả thù lao cho lãnh đạo, chuyên viên Sở GD&ĐT TP.HCM của NXB Giáo dục Việt Nam. |
Từ câu chuyện của NXB Giáo dục Việt Nam và Sở GD&ĐT TP.HCM, ông Phạm Tất Dong đặt câu hỏi liệu có hay việc nhà xuất bản "đi đêm" với các sở giáo dục của các tỉnh, thành khác.
Ông cho rằng sở giáo dục là đầu mối quan trọng trong việc hướng dẫn, giúp địa phương chọn SGK, dù là các trường trực tiếp chọn hay UBND tỉnh (khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực). Do đó, nếu muốn tác động đến việc chọn sách ở các địa phương, nhà xuất bản sẽ không bỏ qua đầu mối quan trọng này.
Ngoài ra, ông Dong còn đặt ra câu hỏi, tại sao từ năm 2015, nhà xuất bản đã chi thù lao hàng tháng cho ban chỉ đạo soạn thảo SGK của TP.HCM, trong khi chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ được chính thức thông qua từ tháng 12/2018? Vậy NXB Giáo dục Việt Nam đã bắt đầu viết SGK từ khi nào và chương trình ở đâu để họ viết?
"Một số người tâm huyết với giáo dục đã nói với tôi, giá như sự việc này được phanh phui trước khi hội đồng thẩm định SGK bắt đầu làm việc thì mọi chuyện đã khác. Nếu biết trước có chuyện bắt tay giữa NXB Giáo dục Việt Nam và Sở GD&ĐT TP.HCM, rất có thể bộ sách của TP.HCM sẽ bị loại từ đầu, không được đưa vào 'ứng thí' cùng các bộ sách khác", ông Dong nói.
UBND TP.HCM sẽ họp về chuyện Sở GD&ĐT nhận thù lao
Chiều 9/12, bên lề kỳ họp HĐND TP.HCM, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết tuần tới, Thường trực UBND TP.HCM sẽ họp vụ lãnh đạo và chuyên viên Sở GD&ĐT TP.HCM nhận thù lao của NXB Giáo dục Việt Nam.
Theo văn bản số 778/QĐ-NXBGDVN ngày 29/9/2015 và 04/QĐ-NXBGDVN năm 2018 của NXB Giáo dục Việt Nam, Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP.HCM gồm giám đốc, các phó giám đốc, chánh văn phòng, phó chánh văn phòng, các trưởng, phó phòng chuyên môn và các chuyên viên phòng chuyên môn. Mỗi tháng, họ được nhận thù lao từ phía NXB Giáo dục Việt Nam, tùy chức vụ.
Các chuyên viên phòng chuyên môn nhận 2,5 triệu đồng/người/tháng từ đầu năm 2018. Giám đốc sở là 6 triệu đồng/tháng, phó giám đốc 5 triệu đồng, ủy viên thường trực 4 triệu đồng và ủy viên 3,5 triệu đồng.