![]() |
Học sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2025. Ảnh: Ngọc Bích. |
Năm 2025, theo quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GD&ĐT, các trường không bị giới hạn tổ hợp xét tuyển vào một ngành như trước.
Việc đa dạng tổ hợp môn xét tuyển nhằm mở rộng cơ hội vào đại học cho thí sinh, đồng thời giúp các trường phát huy quyền tự chủ trong xây dựng tổ hợp xét tuyển.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của một số tổ hợp không có môn liên quan trực tiếp đến chuyên ngành đào tạo trong mùa tuyển sinh năm nay khiến nhiều người lo ngại đến chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực.
Cách tuyển sinh đáng lo ngại
Trao đổi với Tri Thức - Znews, TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, nhận định cách xét tuyển với nhiều tổ hợp không có môn chính liên quan đến ngành có thể tạo điều kiện cho thí sinh theo đuổi ngành yêu thích, kể cả khi chưa có nền tảng về môn học.
Đây có thể là cơ hội gỡ khó cho những học sinh lựa chọn sai môn học khi vào THPT.
Tuy nhiên, cách xét tuyển này cũng phản ánh việc các trường tận thu nguồn tuyển để đảm bảo số lượng thí sinh nhập học, từ đó đảm bảo nguồn thu học phí.
Theo ông Phương, nếu các em không thực sự yêu thích và không thể theo học sau khi trúng tuyển, cách xét tuyển thí sinh theo tổ hợp lạ này “thực sự nguy hiểm”.
Ông Phương lý giải việc không có kiến thức nền tảng gây khó khăn cho người học. Họ phải nỗ lực nhiều hơn để theo đuổi ngành học, dẫn đến căng thẳng về mặt tinh thần. Trong khi đó, đại học lại chưa làm tốt công tác hướng dẫn sinh viên tự học.
Khi không theo được chương trình học, sinh viên có thể chán nản, dẫn đến tỷ lệ bỏ học tăng cao.
TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Đại học Nông Lâm TP.HCM, cũng lo ngại về chất lượng đào tạo khi một số trường đại học tuyển sinh bằng tổ hợp lạ, thiếu các môn "đinh" liên quan ngành đào tạo.
Theo đó, ông Lý cho rằng sinh viên được tuyển theo hình thức này thường thiếu nền tảng cốt lõi, gặp khó khăn trong việc tiếp cận chương trình học, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra.
Ví dụ, với ngành Sư phạm Vật lý nhưng không xét điểm môn Lý, các đại học làm thế nào để có thể đảm bảo rằng sinh viên có đủ tư duy và năng lực để tiếp thu các kiến thức chuyên sâu?
Tương tự, với ngành Y khoa, Hóa và Sinh là hai môn nền tảng quan trọng. Nếu bỏ qua cả hai, sinh viên có thể gặp khó khăn trong việc học các môn như Sinh lý học, Dược Lý, Hóa Sinh…
“Việc đào tạo có thể kéo dài hơn do phải bổ sung kiến thức nền tảng, hoặc tạo áp lực lớn cho người học khi phải bắt kịp với các môn học chuyên ngành”, ông Lý nhận định.
Vị phó hiệu trưởng cũng cho rằng cách tuyển sinh này làm mất đi tính công bằng trong tuyển sinh. Ví dụ, những thí sinh học giỏi môn Lý không được xét vào Sư phạm Vật lý.
Tương tự, những học sinh giỏi Hóa, Sinh không được chọn vào Y khoa, trong khi những người không có nền tảng lại được vào. Điều này có thể gây bất bình trong xã hội.
“Cách tuyển sinh này thực sự đáng lo nếu không có biện pháp đảm bảo chất lượng”, ông Lý nhìn nhận. “Tuyển sinh không nên chỉ đơn thuần là mở rộng đầu vào, mà cần có kế hoạch rõ ràng để đào tạo đúng hướng, tránh ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai”.
![]() |
Năm 2025, các trường đại học không bị giới hạn tổ hợp xét tuyển vào một ngành như trước. Ảnh: Thế Bằng. |
Tổ hợp xét tuyển phải phản ánh đúng năng lực, yêu cầu của ngành học.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn do học sinh lựa chọn trong số các môn học ở lớp 12. Như vậy, sẽ có 36 tổ hợp chọn 4 môn thi tốt nghiệp và 81 tổ hợp 3 môn xét tuyển đại học.
Trước mùa tuyển sinh đại học năm 2025, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã kiến nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo các đại học xây dựng các tổ hợp xét tuyển sinh phù hợp với yêu cầu đầu vào ngành học của bậc đại học; đồng thời quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại đi các tổ hợp lạ.
Trao đổi thêm về việc xây dựng các tổ hợp xét tuyển, TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho rằng xét tuyển bằng tổ hợp không có môn "đinh" phù hợp với ngành đào tạo là đi ngược nguyên tắc tuyển sinh.
Theo đó, tuyển sinh mang tính định hướng nghề nghiệp. Việc xét tuyển bằng các môn liên quan sẽ đánh giá thí sinh có đủ năng lực để theo đuổi ngành học đó hay không.
"Cách dùng các tổ hợp như vậy cho thấy các trường vô trách nhiệm với thí sinh và xã hội, tuyển sinh cho có, lấy cho đủ chỉ tiêu thay vì phục vụ đào tạo", ông Khuyến nói.
Ông Khuyến cho rằng việc mở rộng tổ hợp xét tuyển không xấu, tạo cơ hội cho thí sinh, nhưng các trường cần lựa chọn tổ hợp phản ánh đúng năng lực của các em và yêu cầu của ngành học.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cần có trách nhiệm kiểm soát việc tuyển sinh bằng tổ hợp "lạ", điều chỉnh theo hướng lấy người học làm trung tâm, đảm bảo quyền lợi của người học.
Việc mở rộng, không giới hạn tổ hợp xét tuyển phải có các điều kiện đi kèm. Đơn cử như các tổ hợp xét tuyển vào các ngành phải có ít nhất 1-2 môn bắt buộc liên quan trực tiếp đến chuyên ngành đào tạo.
TS Trần Đình Lý bổ sung thêm rằng các đại học có thể sử dụng tổ hợp không có môn "đinh" nếu xét tuyển kết hợp hoặc đánh giá năng lực thay vì chỉ dựa vào điểm thi truyền thống.
"Bên cạnh đó, các trường nên có chương trình bổ trợ kiến thức đầu vào để giảm bớt lo ngại về lỗ hổng kiến thức, như học dự bị, tăng cường…", ông Lý đề xuất.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.