Bệnh nhân may mắn hồi phục sau khi phải cấp cứu do ăn cá nóc. Ảnh: BVCC. |
Theo thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) sáng 27/12, cơ sở y tế này vừa tiếp nhận bệnh nhân C.T.T. (53 tuổi, trú tại phường Cao Xanh, TP Hạ Long, Quảng Ninh) trong tình trạng tím tái, nhịp tim chậm, suy hô hấp.
Trước đó một giờ, bệnh nhân ăn 2 miếng gan cá nóc và xuất hiện triệu chứng tê nóng lưỡi, môi, tê tay chân, khó thở nên được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Ngay khi xác nhận tình trạng bệnh nhân nguy kịch, suy hô hấp cấp do ngộ độc cá nóc, các bác sĩ đã nhanh chóng đặt ống nội khí quản, rửa dạ dày khẩn cấp, sử dụng than hoạt, hồi sức tích cực theo phác đồ để thải độc tố nhanh chóng.
Sau 24 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo hơn, qua cơn nguy kịch và được rút ống nội khí quản.
Theo bệnh nhân này, dù biết cá nóc có độc tố nhưng trước đây khoảng 10 năm, bà từng chế biến và ăn loại thực phẩm này nhưng không xảy ra vấn đề gì.
Chia sẻ về trường hợp trên, BS Trần Công Cần, khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc, cho hay: “Bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc chất Tetrodotoxin trong cá nóc rất điển hình. Loại chất độc này tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản, mắt, mang, da, máu của cá”.
Vị chuyên gia cho hay độc tính sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh. Cụ thể, chỉ trong vòng vài phút sau khi ăn cá nóc, bệnh nhân sẽ bị rối loạn cảm giác như: Tê môi, lưỡi, tay, chân, mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, vã mồ hôi, tiết nước dãi, sùi bọt mép, nói khó, nuốt khó, mặt ửng đỏ, đau bụng, buồn nôn, nôn, run giật, cứng hàm, cứng lưỡi, chi dưới yếu, đồng tử co, liệt vận động nhãn cầu.
Với trường hợp nặng, bệnh nhân có thể xuất hiện liệt toàn thân, người mềm, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, trụy tim mạch và tử vong.
BS Cần khẳng định tình trạng ngộ độc cá nóc xuất hiện và chuyển nặng rất nhanh, nguy cơ tử vong cao nếu không được chuyển đến bệnh viện xử trí cấp cứu kịp thời.
Theo các nghiên cứu y khoa, thịt cá nóc không có độc tố. Tuy nhiên, khi đánh bắt, chế biến hoặc cá ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt sẽ gây độc khi dùng.
Một người khỏe mạnh chỉ cần ăn khoảng 10 g thịt cá nóc có độc tố, trường hợp nặng có thể dẫn dẫn đến liệt toàn thân, da tím tái, trụy tim... với tỷ lệ tử vong lên đến 60% nếu cấp cứu chậm. Chỉ 1-2 mg độc tố có thể gây chết người.
Mặt khác, độc tố cá nóc có tính bền vững cao. Cụ thể, nếu đun sôi ở 100 độ C trong 6 giờ, độc tố chỉ có thể giảm một nửa. Đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút, độc tố mới bị phá hủy hoàn toàn.
Từ đây, nếu chỉ đun nấu thông thường, tình trạng ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra do độc tố chưa bị phá hủy hết. Ngay cả khi phơi khô, độc tố chưa bị phá hủy nên vẫn gây ngộ độc.
Từ đây, các bác sĩ khuyến cáo người dân không ăn cá nóc khô, tươi; không chế biến, bán hay sử dụng các sản phẩm từ cá nóc như chả, bột cá nóc…; loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt, không sử dụng cá nóc làm thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào; không ăn các loại hải sản không rõ nguồn gốc và độc tính.
Ngoài ra, nếu phát hiện người bị ngộ độc do ăn cá nóc với các triệu chứng nôn mửa, tê môi, miệng, chân, tay, lơ mơ, trạng thái thần kinh li bì, toàn thân biểu hiện mệt mỏi… gia đình, người dân nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị kịp thời.
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.