- Ở một số nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, thị trường băng đĩa vẫn phát triển mạnh bên cạnh các kênh nghe nhạc trực tuyến. Còn tại Việt Nam, không ít ca sĩ đã lên tiếng về việc doanh thu bán đĩa của họ bị giảm sút đáng kể từ khi có dịch vụ nghe nhạc trực tuyến. Theo nhạc sĩ, đâu là nguyên nhân tạo ra sự khác biệt này?
- Đây là vấn đề thuộc về kinh tế và dân trí, một đất nước mà ở đó, lớp trẻ từ 15-25 tuổi không đủ tiền để bỏ ra hàng trăm nghìn mua một cái đĩa gốc, thì việc họ chọn cách cắm tai nghe vào máy để nghe nhạc trực tuyến là chuyện quá bình thường. Chỉ đến khi việc mua đĩa chỉ đáng giá bằng một bữa ăn sáng, thì họ sẽ mua thôi. Nhưng ngay khi chọn cách mua đĩa thì tính cập nhật cũng không thể nào nhanh nhạy bằng nhạc online được.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ trong buổi họp báo ZMA. Ông là một trong những thành viên của Hội đồng nghệ thuật. |
- Các ca sĩ trẻ không có điều kiện kinh tế chọn cách đăng tải sản phẩm lên các kênh nghe nhạc trực tuyến thay vì phát hành CD. Nhạc sĩ nghĩ sao về hướng đi này?
- Đây chính là ưu việt của các kênh nghe nhạc online đấy. Tôi cũng xin nói thêm, có thể trong nhóm các bạn trẻ không có tiền đó sẽ xuất hiện những tác giả lớn. Vì không có tiền, nên mỗi lần đầu tư cho sản phẩm họ phải chắt lọc, trăn trở, chắt chiu nhiều lắm. Chính những người này có sức “nén” ghê gớm lắm. Đôi khi sản phẩm của họ vẫn còn sơ khai với vài ba âm thanh của đàn piano, guitar, nhưng nếu đó là tài năng thật sự thì khán giả vẫn có thể nhìn ra ngay. Còn những ông có tiền thì cứ làm đại, tung hết cái này đến cái kia, làm đủ mọi trò nhưng không kịp để cô đọng hay kiểm định sản phẩm của mình thì lại là nhược điểm.
- Thực tế hiện nay, nhiều ca sĩ tại Việt Nam vẫn phát hành đĩa, nhưng ngay sau đó đã hợp tác với các trang mạng để phát hành online, và coi đó là một kênh quan trọng để đo độ quan tâm của công chúng?
- Điều này thể hiện quá rõ sức ảnh hưởng của các trang phát hành nhạc online. Hơn nữa, đừng nói ca sĩ tung sản phẩm lên các trang mạng trực tuyến chỉ để quảng bả sản phẩm mà không có thu nhập, mà quan trọng là họ sẽ được đánh bóng tên tuổi và sinh ra những khoản thu nhập khác. Ví dụ một ca sĩ có bài hát đứng đầu trong bảng xếp hạng các trang nhạc trực tuyến, chứng tỏ ca khúc đó được khán giả yêu mến, có sức lan truyền mạnh mẽ thì cát-xê của họ cũng sẽ tăng lên nhiều lần.
Nhạc sĩ của nhiều ca khúc nổi tiếng có những chia sẻ khá thẳng thắn về nhạc trực tuyến. |
- Ông có nghĩ nhạc online là một kênh "không chính thống" không?
- Cụm từ “không chính thống” đã thuộc về thời kỳ quá xa xưa rồi, khi đó muốn phổ biến một bài hát, nhạc sĩ phải thông qua các đài phát thanh, ở đấy có mấy ông ngồi soi từng câu từng chữ. Sau đó nếu được duyệt, ca khúc mới bắt đầu phát khắp nơi. Đấy gọi là “chính thống”, còn nếu không thì gọi là “không chính thống”. Nhưng kể từ khi đất nước ta có những cởi mở, bất cứ những gì không chống lại xã hội chủ nghĩa, Đảng và hòa bình thế giới thì đều gọi là “chính thống”.
Âm nhạc với tôi thì không phân chia theo chính thống hay không, mà chỉ có hay hoặc không hay, thích hay không thích mà thôi. Nếu đó là ca khúc không hay, không phù hợp thì khán giả sẽ tự nhận định và “ném đá” thôi. Vì sao lại không tin vào khán giả?
- Ông nhận xét gì về những sản phẩm được phát hành online một vài năm trở lại đây?
- Tôi cũng thuộc hàng “thâm niên” nên chỉ cần nghe một vài câu đầu là biết ngay bài này thuộc thể loại nào, có mức độ hay dở ra sao chứ không cần phải nghe hết bài, do đó tôi nghe được lượng rất lớn và “đột nhập” khá dễ dàng vào thế giới của các bạn.
Để đánh giá các sản phẩm sau này có tốt, có chất lượng hay không là một câu chuyện rất dài. Tôi chỉ chia sẻ một điều rằng, khi nền âm nhạc thế giới có sự xuất hiện của trào lưu nào đấy, ngay lập tức sẽ ồ ạt đổ vào Việt Nam và lực lượng tiếp thu những điều này bao giờ cũng là các bạn trẻ, sau đó họ sẽ tự điều chỉnh để Việt hóa các sáng tác của mình.
Tôi tin ngay cả khi họ sao chép, thì cũng chỉ sao chép được 80%, 20% còn lại vẫn le lói chút gì đó là của Việt Nam một cách rất tự nhiên. Nói thẳng ra thì muốn sao chép 100% cũng không được. Chúng ta phải tin tưởng vào thế hệ trẻ. Ông Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận, Văn Cao… sáng tác những tác phẩm để đời từ khi còn rất trẻ, nên đừng đánh giá một tác phẩm bằng việc họ trẻ hay không. Chính Zing Music Awards là giải thưởng nhằm nhấn mạnh sự tin tưởng dành cho lớp trẻ này.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường chụp ảnh cùng Đức Trí, Phạm Hoàng Nam và Nguyễn Hải Phong. |
- Với ông, những ca sĩ - ca khúc được nghe, chia sẻ nhiều từ những trang nghe nhạc như Zing Mp3 có được coi là những tác phẩm nổi bật, phản ánh thị hiếu của khán giả?
- Bảng xếp hạng trên các trang nghe nhạc online phản ánh rất đúng thị hiếu của khán giả, vì kết quả dựa trên vài chục ngàn người nghe chứ không phải một vài con số lẻ.
- Theo ông đây có phải là thời điểm phù hợp để các ca sĩ có thu nhập từ hoạt động nghe, tải nhạc online?
- Tôi nghĩ vẫn phải để cho khán giả tập làm quen dần chứ không một lúc có thể thay đổi thói quen của họ được. Mọi thứ xuất phát đầu tiên từ tâm lý của người Việt Nam là “xem chùa”, nhưng rồi thời gian sẽ thay đổi. Hiện tại thì tôi cho rằng chuyện này chưa thật sự phải làm ráo riết vì như nói ở trên, nghệ sĩ vẫn có thể thu được lợi nhuận từ hình thức phát hành trực tuyến này.
- Ngay cả trên thế giới, giải thưởng âm nhạc trực tuyến không nhiều, và chưa phổ biến. Ông nhìn nhận thế nào về giải thưởng Zing Music Awards?
- Giải thưởng này mang rất nhiều ý nghĩa chứ không chỉ đơn thuần là giá trị vật chất. Mỗi năm, chính từng giải thưởng được trao cho các nghệ sĩ là thước đo trong lòng công chúng muốn gì và những người có chuyên môn đang định hướng gì. Kết quả hàng năm đều có tác động đến ca sĩ, người sáng tác, nhà sản xuất âm nhạc để biết mình sẽ phải làm gì tiếp theo.