Chiều 31/5, Triệu Quân Sự (32 tuổi, quê huyện Đại Từ, Thái Nguyên) trốn khỏi trại giam quân sự ở xã Thành Long, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Vụ vượt ngục xảy ra khi phạm nhân này đang chấp hành án phạt tù chung thân về các tội Giết người, Cướp tài sản, Đào ngũ, Trộm cắp tài sản và Trốn khỏi nơi giam, giữ.
Trước đó, Sự đã 2 lần trốn khỏi trại giam Quân sự khu vực miền Trung và trại T10 thuộc Quân khu 5 (cùng ở Quảng Ngãi). Với hành vi vượt ngục lần 3, tù nhân này sẽ đối diện khung hình phạt nào?
Tâm lý bất cần, thách thức pháp luật
Theo dõi vụ việc, luật sư Hoàng Ngọc Biên (nguyên Điều tra viên cao cấp Bộ Quốc phòng) cho rằng về mặt tâm lý học tội phạm, người phạm tội thường chia thành 2 nhóm tâm lý chính.
Thứ nhất là nhóm tâm lý ăn năn, hối cải. Theo luật sư Biên, tâm lý này thường xuất hiện ở những người mắc lỗi nhẹ, ít nghiêm trọng, tính chất, mức độ hành vi không quá nguy hiểm cho xã hội. Khi bị bắt giam, tạm giữ, họ sẽ hợp tác với cơ quan điều tra, cố gắng cải tạo tốt để sớm được giảm án, trở về hòa nhập với cộng đồng.
Thứ hai là nhóm tâm lý bất cần, thách thức pháp luật. Nguyên điều tra viên cao cấp của Bộ Quốc phòng cho biết tâm lý này thường xuất hiện ở những kẻ manh động, liều lĩnh, phạm những tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội.
Công an cung cấp hình ảnh Triệu Quân Sự cho người dân. Ảnh: Hải Nam. |
Đặc điểm chung của nhóm này là bản chất tội phạm ăn sâu, cuồng nhiệt, manh động, liều lĩnh. Tâm lý những kẻ này thường lỳ lợm, không khai báo, chống đối và thách thức cơ quan tiến hành tố tụng.
Đối với trường hợp của Triệu Quân Sự, luật sư Biên đánh giá đây là kẻ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phải chấp hành mức án tù chung thân và thuộc nhóm tội phạm có tâm lý bất cần. Việc hắn từng 2 lần vượt ngục thể hiện sự thách thức các cơ quan pháp luật trong quá trình quản lý giam giữ.
Với những trường hợp này, ông Biên cho rằng cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý, giam giữ. Các quản giáo cần đặc biệt lưu tâm, cảnh giác và thậm chí áp dụng những hình thức quản lý đặc biệt với trường hợp này.
Hình phạt đến 10 năm tù
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị) cho biết vượt ngục là hành động trốn khỏi nơi giam giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải đi xét xử, chấp hành án. Đây là hành vi bị nghiêm cấm và người thực hiện hành vi này phải chịu thêm hình phạt theo quy định pháp luật.
Trích dẫn Điều 386 Bộ luật Hình sự 2015, luật sư cho biết người phạm tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử sẽ đối mặt khung hình phạt từ 6 tháng tới 3 năm tù.
Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng xác định Sự đã dùng vũ lực, đe dọa người canh gác để vượt ngục, phạm nhân có thể bị xử lý theo khoản 2 điều này với khung hình phạt là 3-10 năm tù.
Triệu Quân Sự thời điểm bị cảnh sát bắt giữ tối 18/6/2020. Ảnh: Thanh Đức. |
Đồng quan điểm, đại tá, luật sư Lê Ngọc Khánh (nguyên Trưởng khoa Tham mưu Chỉ huy, Học viện Chính trị Công an nhân dân) cũng cho rằng với việc trốn trại lần 3, Sự sẽ đối diện với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 386 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngoài ra, ông Khánh cũng cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý trại giam trong vụ việc này. Nếu phát hiện có yếu tố lỗi do vô ý hoặc cố ý dẫn tới việc phạm nhân trốn trại, những người có trách nhiệm liên quan có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định.
Trường hợp việc mắc lỗi để lại hậu quả nghiêm trọng như làm vụ án bị tạm đình chỉ, người bỏ trốn trả thù người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hay người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm khác, những cán bộ mắc lỗi (nếu có) còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 376 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn.