Một Nguyễn Đức Cường mới
- Với 2 sản phẩm gần đấy nhất là "Này cô em xinh" và "Chờ em trong giấc mơ", anh đang bước ra khỏi lãnh địa R&B từng làm nên tên tuổi mình?
- Sau nhiều năm làm sản xuất, khi trở lại, tôi muốn mang đến cho khán giả những sản phẩm mới mẻ, hấp dẫn. Với Chờ em trong giấc mơ, đây có thể là một “món ăn lạ miệng” bởi chất điện tử khá đậm. Trước đây, tôi đã áp dụng phong cách này trên nhiều ca sĩ trẻ như Hoàng Thùy Linh (Tìm lại tình yêu) nhưng chưa từng làm riêng cho mình. Ở Này cô em xinh, tôi tiết chế hơn khi chủ yếu dùng nhạc cụ thật pha một chút điện tử để khán giả có thể có được phần nghe mới lạ hơn nữa.
Thực tế, tôi không “bước ra” khỏi R&B mà chủ ý làm mới nó, coi đó là một cái mốc để tiếp tục phát triển, mở rộng hơn trong âm nhạc của mình. Đôi khi, tôi cảm thấy việc đem đến cho khán giả những giá trị quá mới là điều mạo hiểm và chưa hẳn hiệu quả. Vì vậy tôi chọn cách điều chỉnh từng chút một để khán giả không bị “sốc”.
- Anh không sợ khán giả đánh giá mình “sáng tạo nửa vời” sao?
- Tôi nghĩ mọi đánh giá đa chiều từ khán giả đều có giá trị bởi điều đó chứng tỏ họ đã nghe và suy ngẫm về sản phẩm. Trở lại câu hỏi của bạn, tôi nghĩ mình đã qua thời điểm bị ảnh hưởng bởi dư luận. Điều khiến tôi luôn đau đáu trong lòng là mang đến những giá trị âm nhạc đích thực cho khán giả, đồng thời góp một phần nhỏ nào đó để thay đổi diện mạo âm nhạc nước nhà.
Thời điểm mới bước vào nghề, tôi từng ra mắt một album R&B đậm đặc, trong khi thời gian đó thể loại này chưa phổ biến. Bởi vậy, album gặp khó khăn khi tiếp cận khán giả và không thành công như mong đợi, dù được giới chuyên môn đánh giá khá cao. Đó là bài học để tôi biết tiết chế hơn trong những sản phẩm sau này.
- Cùng một lúc đảm nhiệm vai trò sáng tác, sản xuất và thể hiện ca khúc, anh gặp khó khăn, áp lực gì?
- Tôi nghĩ làm được cả 3 việc đó cùng lúc cũng là điều khá vất vả với mình. Là người sáng tác, tôi được nói lên những cảm xúc của mình, là người hát, tôi hiểu hơn hết những điều gửi gắm trong ca khúc, là người sản xuất, tôi chọn được cách đem bài hát đến với khán giả và có thể tự điều chỉnh được mọi thứ theo ý của. Dĩ nhiên, để ra sản phẩm hoàn hảo, tôi vẫn cần sự hỗ trợ của rất nhiều cộng sự khác. Ngoài ra, vì đảm nhiệm 3 vai trò một lúc nên nhiều khi tôi cảm thấy mình hơi khắt khe và mất khá nhiều thời gian sản phẩm hoàn chỉnh.
- Trước đây, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cũng từng cùng lúc đảm nhiệm nhiều việc như anh nhưng hiện tại đã lui vào làm sản xuất. Anh có nghĩ rằng nếu chuyên một cái gì đấy sẽ thành công hơn không?
- Tôi cho rằng Nguyễn Hải Phong chuyển hướng như vậy là vì có lý do riêng và hoàn toàn có thể tin tưởng vào lựa chọn của mình. Anh Phong đã làm sản xuất khá lâu năm và rất có kinh nghiệm.
Với tôi, việc thành công hơn nữa chưa hẳn là lý do chính. Tôi cho rằng một nghệ sĩ không hát ca khúc của mình cũng là thiệt thòi. Lựa chọn hiện tại khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nên tôi vẫn sẽ tiếp tục làm những điều mình đam mê. Hy vọng sẽ có những sản phẩm tốt hơn nữa cho khán giả trong những vai trò này.
Khán giả Việt đang quá dễ dãi
- Nhìn vào nhạc Việt thời điểm hiện tại, anh thấy gì?
- Tôi thấy có khá nhiều cuộc thi ca hát, trong khi đó những sân chơi có tính chuyên môn thì đang mai một dần. Ngoài ra, chúng ta đang thiếu những sản phẩm có tính đột phá và sáng tạo dựa trên chính bản sắc âm nhạc Việt Nam. Thay vào đó là những ca khúc lai tạp. Chúng ta đang nghe nhiều ca khúc nhạc Hàn Quốc, Âu Mỹ và nó ảnh hưởng khá nhiều đến những sáng tác của các ca sĩ trẻ bây giờ.
- Theo anh, điều gì dẫn đến tình trạng này?
- Tôi nghĩ việc quy trách nhiệm rất vô cùng. Trên thực tế, nền âm nhạc nào cũng sẽ trải qua những giai đoạn như chúng ta bây giờ. Để về đúng với quỹ đạo của mình, có lẽ nó cần có thêm thời gian.
Bộ phận lớn người nghe nhạc trong nước đang “lạc lối” khi mà họ rất sính ngoại, thích thể hiện gu bằng việc nghe và chia sẻ những ca khúc thịnh hành của nước ngoài. Cùng với đó, không ít người làm nhạc chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa ngoại lai. Hai bộ phận này song hành, cổ vũ nhau và đẩy nhạc Việt đi lệch khá xa quỹ đạo của nó.
- Chủ quan đánh giá, đã khi nào anh thấy nhạc Việt có màu sắc riêng?
- Tất nhiên là có chứ. Đó là giai đoạn đầu những năm 2000 của Phương Thanh, Bằng Kiều, Đan Trường… Khi đó, tôi còn rất trẻ và đã được thưởng thức những ca khúc rất đẹp cả trong ca từ lẫn màu sắc âm nhạc. Chỉ cần nghe là tôi sẽ nhận ra ngay.
Hình ảnh trẻ trung của Nguyễn Đức Cường trong sản phẩm mới. |
- Anh có nghe nhạc của Sơn Tùng M-TP không?
- Thực ra tôi nghe nhạc khá nhiều và Sơn Tùng cũng không phải ngoại lệ. Ngay cả khi đi cà phê hoặc ngồi trên ô tô tôi cũng nghe nhạc của bạn ấy.
- Anh đánh giá thế nào về nhân tố này?
- Tôi thấy Sơn Tùng M-TP khá giống mô típ một ca sĩ của Hàn Quốc. Nhìn chung, Tùng là một bạn trẻ tài năng nhưng bị thiếu một điều quan trọng, đó là sự sáng tạo. Bạn ấy học hỏi từ Kpop rất tài tình nhưng cần phải sáng tạo nhiều hơn nữa, phải làm sao để khán giả nghe là nhận ra rằng sản phẩm của cậu ấy là nhạc Việt chứ không phải nhạc Hàn Quốc.
Không phải Sơn Tùng không không ngoan mà nhiều người nghe đang quá dễ dãi. Trong lĩnh vực nào, “copy and paste” đều không được hoan nghênh và trong âm nhạc, đó là điều tối kỵ. Sẽ thật buồn nếu như người Hàn Quốc họ nhìn vào những sản phẩm như vậy và đánh giá nền âm nhạc của chúng ta.
- Nghe nói sắp tới anh sẽ ra mắt sản phẩm mới kết hợp cùng Văn Mai Hương. Anh có thể chia sẻ thêm về dự án này?
- Tôi hợp tác với Hương trong sản phẩm mới vì thấy ca khúc phù hợp với giọng hát của cô ấy. Đồng thời, chất lượng chuyên môn cũng được đặt đúng vị trí của nó. Bản thân Hương cũng đang rất cố gắng hướng khán giả Việt đến những sản phẩm có giá trị. Hương có cách chọn bài, xử lý ca khúc rất văn minh và kỹ lưỡng. Về đường dài, tôi dự định sẽ cộng tác nhiều hơn với các nghệ sĩ trẻ, giúp họ có những sản phẩm thuần Việt hơn nữa.