Bị cáo Trần Nam Hải. Ảnh: T.N. |
Ngày 9/12, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm với bị cáo Trần Nam Hải (40 tuổi, trú tại Tam Hiệp, Ninh Bình), nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Miền Bắc về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, năm 2006, Trần Nam Hải chuyển Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Miền Bắc từ Hà Nội về Ninh Bình, đặt trụ sở tại phường Nam Sơn, thị xã Tam Điệp, Ninh Bình. Dù công ty làm ăn thua lỗ, không hoạt động kinh doanh, nhưng Hải không làm thủ tục giải thể.
Năm 2006, Chi cục thuế quận Thanh Xuân ra thông báo công ty của Hải không có trụ sở và không khai báo thuế. Tuy nhiên, Hải vẫn sử dụng pháp nhân này để ký kết hợp đồng với các đối tác. Ngoài ra, Hải nhờ các cá nhân khác đến giao dịch với các đối tác.
Năm 2007, Hải mở văn phòng công ty ở địa chỉ phố Hồ Đắc Di, Hà Nội, nhưng không làm thủ tục khai báo với cơ quan chức năng. Thời gian này, Hải đưa ra các thông tin gian dối là Công ty CP Đầu tư giáo dục Miền Bắc ký hợp đồng thỏa thuận với Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Ba Đình, cung cấp số lượng lớn máy tính để bàn trang bị cho các phòng học, phục vụ công tác giảng dạy và một số máy tính xách tay để tặng các thầy cô giáo, nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, ngày 7/11/2007, Hải gặp đối tác Đặng Đức T. là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Cát Tường. Tin tưởng Hải, nên ông T. ký hợp đồng với Hải về việc cung cấp cho công ty Hải 35 chiếc máy tính, trị giá gần 270 triệu đồng; 5 chiếc laptop trị giá hơn 62,4 triệu đồng. Tổng giá trị hợp đồng hơn 332,3 triệu đồng.
Hai ngày sau, Hải nhờ chị H. là chủ quán cà phê đi cùng đến Công ty Cát Tường, giới thiệu là kế toán công ty và đặt cọc 33,2 triệu đồng. Cùng ngày, Công ty Cát Tường giao lô hàng trên đến trường Kinh tế Kỹ thuật Ba Đình. Hải yêu cầu các nhân viên Công ty Cát Tường chuyển máy vào sân trường, gần sát cổng ra vào và ký biên bản bàn giao thiết bị.
Khi nhân viên đề nghị đưa máy vào trường để lắp đặt, Hải nói học sinh đang học nên không tiện chuyển lên. Sau khi các nhân viên rời đi, Hải gọi taxi và chuyển toàn bộ lô hàng trên đi tiêu thụ được 210 triệu đồng. Đến hạn cam kết thanh toán, Hải mới trả được 90 triệu đồng cho Công ty Cát Tường rồi bỏ trốn.
Cùng cách thức trên, trong tháng 11/2007, Hải chiếm đoạt 105 bộ máy tính để bàn, 15 máy tính xách tay của 3 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Tổng giá trị tài sản Hải chiếm đoạt của các doanh nghiệp này là hơn 941,2 triệu đồng. Trừ số tiền đặt cọc, Hải chiếm đoạt hơn 808,8 triệu đồng.
Sau khi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt máy tính, Hải bỏ trốn và sinh sống tại nhiều nơi như Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa. Ngày 25/8/2021, Hải về nhà bố đẻ ở ở Ninh Bình sinh sống. Đến ngày 1/9/2021, Hải bị bắt theo lệnh truy nã.
Tại cơ quan điều tra, Hải khai nhận có quen biết Dương Thái Sơn. Sơn hướng dẫn Hải cách đặt mua máy tính của các công ty có chính sách bán hàng chỉ yêu cầu đặt cọc trước 10-30% giá trị đơn hàng. Hải nhờ Sơn tìm giúp các công ty này.
Qua Sơn liên hệ, Hải đã mua máy tính của 3 công ty trên và chiếm đoạt tiền của các bị hại. Hải chia cho Sơn 100 triệu đồng, còn hưởng lợi hơn 317 triệu đồng. Tuy nhiên, tài liệu điều tra xác định Sơn không bàn bạc với Hải để chiếm đoạt tài sản các của các doanh nghiệp trong vụ án và không được hưởng lợi.
HĐXX nhận định hành vi của bị cáo Hải có sự chuẩn bị tinh vi, gây bức xúc trong dư luận. Hải trực tiếp chiếm đoạt 941,2 triệu đồng từ 3 doanh nghiệp. Tại phiên tòa, Hải tỏ ra ăn năn hối cải, xin được giảm nhẹ mức án. Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Nam Hải mức án 13 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về phạt tiền, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.