Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyên nhân gây tử vong sớm hàng đầu thế giới đang bị lãng quên

Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và báo cáo của Ủy ban Hiệp hội Tâm thần, trầm cảm là một trong những nguyên nhân gây tử vong sớm hàng đầu.

Hiện nay, khoảng 280 triệu người trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Các chuyên gia cho rằng đây là cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, song, nó đang bị lãng quên.

Tác động tàn khốc

Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ, ước tính khoảng 21 triệu người trưởng thành ở nước này đang sống chung với trầm cảm. Con số này chiếm khoảng 8% trong số những người từ 18 tuổi trở lên. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng lưu ý khoảng 11% lượt khám bệnh có liên quan trầm cảm.

Hầu hết người bệnh cảm thấy buồn bã, ảm đảm theo thời gian, song, trầm cảm là tình trạng vượt ra ngoài những dao động tâm trạng thông thường.

Người bệnh sẽ có những cảm giác như buồn bã, tuyệt vọng hoặc giá trị bản thân thấp, mất hứng thú với các hoạt động thường ngày, khó ngủ và thiếu năng lượng. Các triệu chứng kéo dài trong 2 tuần hoặc hơn, ảnh hưởng cuộc sống hàng ngày của một người.

Trong giai đoạn trầm cảm, người bệnh lần lượt trải qua tâm trạng chán nản (cảm thấy buồn, cáu kỉnh, trống rỗng) hoặc mất niềm vui, không còn hứng thú với các hoạt động khác.

Một số triệu chứng khác cũng xuất hiện như kém tập trung, cảm giác tội lỗi quá mức, tuyệt vọng về tương lai, suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử, giấc ngủ bị gián đoạn, thay đổi cảm giác thèm ăn hoặc cân nặng.

Đặc biệt, họ cảm thấy rất mệt mỏi hoặc không còn năng lượng làm bất kỳ điều gì. Đồng thời, người bệnh khó chia sẻ với gia đình, người xung quanh

Tram cam anh 1

Trầm cảm là căn bệnh âm thầm, nhiều người dễ bỏ qua vì khó mở lời, chia sẻ với bạn bè, người thân. Ảnh: Freepik.

Các dạng rối loạn tâm trạng khác nhau gồm: Rối loạn trầm cảm giai đoạn đầu; rối loạn trầm cảm tái phát (người bệnh có tiền sử ít nhất hai giai đoạn trầm cảm); rối loạn lưỡng cực. Trong đó, rối loạn lưỡng cực là các giai đoạn trầm cảm xen kẽ với triệu chứng hưng cảm, như hưng phấn hoặc cáu kỉnh, tăng hoạt động hoặc năng lượng, nói nhiều, tăng lòng tự trọng, giảm nhu cầu ngủ, mất tập trung và bốc đồng, hành vi liều lĩnh…

Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ (ACOG), các bà mẹ cũng có thể gặp trầm cảm sau sinh với các dấu hiệu như cảm xúc hay thay đổi, dễ bùng nổ (mood swings trong baby blues); cảm thấy buồn bã cả ngày; cảm giác khó thở như bị đè chặt; lo lắng quá mức với các biểu hiện bồn chồn, bất an; thu mình và từ chối các giao tiếp xã hội; giảm trí nhớ và kém tập trung; khóc nức nở (với những lý do nhỏ nhặt); rối loạn giấc ngủ; chán ăn; cảm giác kiệt sức và mất năng lượng.

Nếu không được điều trị, trầm cảm có thể gây ra những tác động tàn khốc. Báo cáo của Ủy ban Hiệp hội Tâm thần Thế giới, được công bố trên tạp chí The Lancet, lưu ý rằng khoảng 50% người bị trầm cảm ở các nước có thu nhập cao không được chẩn đoán hoặc điều trị. Con số này tăng lên tới 90% ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

WHO nhấn mạnh khi tái phát, với cường độ trung bình hoặc nặng, trầm cảm có thể trở thành bệnh lý nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn tới hành vi tự tử. Hơn 700.000 người qua đời vì tự tử mỗi năm. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong thứ 4 ở thanh, thiếu niên 15-29 tuổi.

Cách phòng ngừa

Căn bệnh này là hệ lụy của nhiều tương tác phức tạp trong xã hội, tâm lý, sinh học. Xu hướng trầm cảm tăng cao trong đại dịch, nhất là ở những người phải đối mặt với áp lực về y tế, mất mát người thân, tài chính...

Những người đã trải qua những biến cố bất lợi trong cuộc sống (thất nghiệp, mất người thân, những sự kiện đau buồn) có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn. Ngược lại, trầm cảm có thể dẫn đến căng thẳng và rối loạn chức năng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh. Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa trầm cảm và sức khỏe thể chất. Ví dụ bệnh tim có thể dẫn tới trầm cảm và ngược lại.

Để ngăn ngừa trầm cảm, theo WebMD, bạn nên tập thể dục thường xuyên, hạn chế sử dụng mạng xã hội, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, giảm căng thẳng, áp lực hàng ngày, ngủ đủ giấc.

Tram cam anh 2

Tập luyện, giữ lối sống lành mạnh có thể ngăn ngừa và giảm tác hại của trầm cảm. Ảnh: Freepik.

Một trong những nguyên nhân gây trầm cảm ở trẻ vị thành niên là áp lực học tập, thi cử. Điều đó luôn khiến trẻ cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi. Ngoài ra, một số trẻ dễ rơi vào tình trạng “sốc tâm lý” và nghĩ đến chuyện tiêu cực, thậm chí kết thúc cuộc đời sau những thất bại trong học tập, thi cử.

Do đó, phụ huynh cần phân bổ thời gian học tập và vui chơi giải trí cho con một cách hợp lý, khuyến khích con tập luyện thể dục thể thao. Người lớn cũng cần dạy trẻ các kỹ năng sống để trẻ có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc sống.

Chúng ta nên theo dõi và thẳng thắn với con về việc sử dụng mạng xã hội. Trên mạng, trẻ có thể trở thành nạn nhân bị bắt nạt, lan truyền tin đồn, bôi nhọ. Nếu con bị tổn thương bởi bất kỳ bài đăng, tin nhắn nào trên mạng xã hội, hãy khuyến khích trẻ trò chuyện với người lớn. Việc được kết nối, hỗ trợ sẽ giúp con có cảm giác an toàn, dễ mở lòng khi gặp khó khăn.

Lý do căng thẳng nguy hại với dân văn phòng

Căng thẳng trong công việc nếu không được giải quyết có thể trở thành thủ phạm khiến chúng ta rơi vào trầm cảm, kiệt sức và mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm