Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyên nhân khiến bé 3 tuổi bị đột quỵ

"Cậu bé mới 3 tuổi, nhập viện trong tình trạng co giật toàn thân, hôn mê. Các bác sĩ vừa cấp cứu cho bé, vừa căng thẳng không thể diễn tả", bác sĩ Huỳnh Hữu Danh chia sẻ.

Nhiều ngày sau khi bé T.N. (3 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long) được can thiệp thành công, bác sĩ Danh và đồng nghiệp vẫn còn ấn tượng về buổi tối trong đêm trực cách đây một tháng. Đó là thời điểm các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) tiếp nhận bé N. trong tình trạng hôn mê, co giật. Ca bệnh đột quỵ nhỏ tuổi khiến bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố không khỏi hồi hộp.

Căng thẳng

Sau khi các bác sĩ hồi sức ổn định, bé tiếp tục được chụp DSA mạch máu não để tìm nguyên nhân gây đột quỵ. Kết quả đúng như dự đoán, bệnh nhi bị túi phình mạch máu não. Đây là nguyên nhân gây tình trạng đột quỵ.

“Khi khoa Ngoại Thần kinh được thông báo để hội chẩn ca bệnh này, kết quả CT-Scan đã quá rõ ràng là hình ảnh của xuất huyết não nên chúng tôi cũng không phán đoán gì thêm. Chúng tôi không ngạc nhiên lắm vì trước giờ cũng tiếp nhận nhiều ca tương tự”, bác sĩ Huỳnh Hữu Danh, khoa Ngoại Thần Kinh, nói.

be trai 3 tuoi dot quy anh 1

Bác sĩ Danh cùng đồng nghiệp can thiệp thủ thuật cho bé trai. Ảnh: Phương Vũ.

Tuy nhiên, ở đứa trẻ 3 tuổi, việc ghi nhận túi phình mạch máu não rất hiếm. Đây cũng là độ tuổi nhỏ nhất được can thiệp đặt stent chuyển dòng được ghi nhận.

Bác sĩ Danh cho biết theo báo cáo hội nghị LINCC tại Singapore năm 2020, Giáo sư Jacques Moret, người sáng lập ra chuyên ngành can thiệp thần kinh, chia sẻ ca đặt stent nhỏ nhất được ghi nhận tại thời điểm đó là 5 tuổi.

“Không thể diễn tả được cảm giác lúc đó như thế nào vì trong đầu chúng tôi chỉ còn mục tiêu cao nhất là phải cứu sống bé bằng mọi giá. Mọi thứ khá căng thẳng vì bệnh nhi còn quá nhỏ”, anh nói.

Theo bác sĩ Danh, thời gian vàng áp dụng chủ yếu cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não. Còn đối với đột quỵ do xuất huyết não, nếu có chỉ định phẫu thuật để giải áp tạm thời, khung thời gian vàng lý tưởng là 6 giờ.

Tuy nhiên, theo nam bác sĩ, với tình huống này, bé không thể phẫu thuật giải áp tạm thời do có dạng xuất huyết dưới nhện. Sau cuộc hội chẩn căng thẳng, các bác sĩ quyết định hồi sức cho bé trước. Khi tình trạng hồi sức ổn định, bé sẽ được can thiệp để đặt stent chuyển dòng để tránh việc túi phình vỡ thêm lần nữa.

Dù căng thẳng, khi tiến hành làm thủ thuật, vị bác sĩ và đồng nghiệp chăm chú quan sát từng mạch máu. Anh khéo léo luồn ống thông vào trong mạch máu của bệnh nhi qua lỗ kim rất nhỏ ở ngoài da, đi theo các mạch máu đến vị trí túi phình, sau đó thả stent chuyển dòng gây tắc túi phình. Tất cả thở phào nhẹ nhõm sau khi stent đặt thành công, túi phình tắc hoàn toàn.

"Sự hồi phục của bệnh nhi là thành công chung của ê-kíp. Trong đó, vai trò quan trọng là các bác sĩ cấp cứu và hồi sức. Nhờ được hồi sức ổn định, bác sĩ Ngoại Thần kinh chúng tôi mới tiến hành can thiệp tắc túi phình cho bé thành công được", bác Danh chia sẻ.

Cảnh giác với "quả bom nổ chậm"

Theo phân tích của bác sĩ Danh, túi phình mạch máu não có nhiều nguyên nhân, có thể là bẩm sinh hoặc bé bị ngã trước đó. Sang chấn này dẫn đến thành mạch máu yếu, từ từ hình thành túi phình. Ngoài ra, tình trạng viêm nhiễm mạch máu trước đó cũng có thể là nguyên nhân. Thậm chí, túi phình này như “quả bom nổ chậm”, có thể đến bất ngờ từ bất cứ nguyên nhân nào.

be trai 3 tuoi dot quy anh 2

Hình ảnh túi phình trên phim chẩn đoán hình ảnh. Ảnh: Phương Vũ.

Đột quỵ ở trẻ em rất hiếm gặp. Thông thường, đột quỵ xảy ra ở trẻ nhỏ là xuất huyết nhồi máu hay tắc mạch máu não. Đa phần đột quỵ xuất huyết là do vỡ dị dạng động tĩnh mạch não hoặc túi phình mạch máu não.

Ngoài ra, các bệnh lý huyết học gây rối loạn đông máu, trẻ có bệnh lý tim mạch bẩm sinh, rối loạn đông máu cũng dễ dẫn đến nguy cơ này.

“Điều đáng lo ngại là những trường hợp trẻ bị đột quỵ xuất huyết ở đơn vị chúng tôi tiếp nhận đa phần không có yếu tố nguy cơ gì. Việc nhận biết và phòng ngừa đột quỵ ở trẻ em là rất khó”, bác sĩ Danh nói.

Ngoài ra, nam bác sĩ nhấn mạnh đột quỵ có thể xảy ra trên những bé khỏe mạnh, không có các bệnh lý huyết học hay tim bẩm sinh.

“Có thể bé dị dạng động tĩnh mạch não hoặc túi phình từ lúc mới sinh nhưng không có biểu hiện gì. Đến khi những tổn thương này vỡ ra, gây xuất huyết thì mới biết được. Nhưng một khi những tổn thương này vỡ ra, nguy cơ tử vong rất cao. Gần đây, một bé trai khoảng 12 tuổi nhập vào đơn vị chúng tôi do vỡ túi phình mạch máu não, khi nhập viện, bé đã xuất huyết não rất nhiều, tiên lượng tử vong. Chúng tôi đã cố gắng hồi sức nhưng bé không qua khỏi”, bác sĩ Danh kể lại.

Bác sĩ chuyên khoa Ngoại Thần kinh cho biết hiện tại, y văn chưa có khuyến cáo hay bất kỳ tài liệu nào liên quan vấn đề phòng ngừa đột quỵ ở trẻ em. Nguyên nhân một phần là bệnh quá hiếm nên không đủ nghiên cứu chứng minh.

“Tôi nghĩ phụ huynh cần đưa con em đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ để tầm soát các nguy cơ ở trẻ. Đó là cách phòng ngừa bệnh tật tốt nhất”, bác sĩ Danh chia sẻ.

Nguyên nhân gây đột quỵ Đột quỵ là hiện tượng lưu lượng máu thông qua động mạch đến não giảm, khiến các tế bào chết.

Bé trai 3 tuổi bị đột quỵ

Đang ngồi chơi, bé trai đột ngột ngã xuống sàn, lên cơn co giật và bất tỉnh.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm