Nôn trớ là tình trạng phổ biến và bình thường ở trẻ sơ sinh sau khi bú, ăn. Ảnh: Flohealth. |
Con bạn có bị trớ nhiều sau khi bú không? Thực tế, điều này là bình thường. Tiến sĩ William Byrne, Trưởng khoa Tiêu hóa Nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Doernbecher, ở Portland, Oregon (Mỹ), cho biết 70% trẻ sơ sinh dưới 3 tháng sẽ nôn trớ 3 lần một ngày. Thậm chí, việc chúng trớ thường xuyên tới hơn 10 lần là điều hoàn toàn bình thường.
Tại sao trẻ sơ sinh bị nôn trớ?
Theo tạp chí Parents, nếu em bé của bạn tiếp tục nôn trớ trong vòng 2 giờ sau khi bú nhưng vẫn có vẻ hoàn toàn vui vẻ, đó có thể là do bé bị trào ngược dạ dày thực quản (GER). Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, tình trạng này lên đến đỉnh điểm vào khoảng 4 tháng tuổi, khi 2/3 trẻ sơ sinh có triệu chứng nôn trớ.
Điều này là do vòng cơ ngăn cách đáy thực quản của trẻ với dạ dày vẫn đang phát triển, cho phép các chất trong dạ dày trào ngược lên. Trẻ sơ sinh cần tiêu thụ rất nhiều calo để hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của chúng - gấp 3-4 lần so với người lớn trên mỗi pound (0,45 kg) trọng lượng cơ thể.
Ngoài ra, trẻ có xu hướng nuốt không khí khi bú. Kết quả là dạ dày của trẻ trở nên rất đầy và trẻ dễ bị nôn ra những gì đã ăn (bé cũng có thể nôn ra sau khi khóc hoặc ho dữ dội).
Trẻ có bị đói sau khi trớ không?
Ngay cả khi em bé của bạn nôn trớ sau mỗi lần bú, có lẽ bé đã hấp thụ đủ. Bác sĩ sẽ đánh giá mức tăng cân của con bạn khi kiểm tra sức khỏe trẻ sơ sinh. Nếu mọi thứ đang đi đúng hướng, trẻ có thể đã nhận được lượng calo cần thiết.
Tiến sĩ Byrne khuyên cha mẹ sau khi trẻ trớ, có thể cho bé ăn như bình thường nhưng ít hơn một muỗng canh. Đừng cố gắng cho bé uống thêm sữa nếu bé nôn trớ sau khi ăn. Trên thực tế, cho ăn quá nhiều có thể dẫn đến trào ngược nhiều hơn.
Việc bú, ăn quá nhiều có thể khiến trẻ bị trớ. Ảnh: Boldsky. |
Khi nào trẻ ngừng nôn trớ?
Các triệu chứng GER có xu hướng giảm dần vào khoảng 6 tháng tuổi, khi hệ thống tiêu hóa của bé đã trưởng thành, bé bắt đầu ngồi thẳng và ăn thức ăn đặc. Vấn đề thường biến mất vào ngày sinh nhật đầu tiên của bé, khi các cơ ở đáy thực quản trở nên khỏe hơn. Tuy nhiên, một số bé vẫn tiếp tục nôn trớ cho đến khi được 24 tháng tuổi.
Cha mẹ cũng đừng ngạc nhiên nếu GER trầm trọng hơn trước khi nó được cải thiện. Một số triệu chứng ở trẻ em xuất hiện trở lại khi học bò và các chất trong dạ dày thay đổi, khiến trẻ bị nôn nhiều hơn bình thường.
Đối phó với việc bé bị trớ
Mặc dù không thể thực sự ngăn chặn GER, bạn có thể giảm thiểu tình trạng rối loạn này bằng một số mẹo dưới đây:
Tránh cho con ăn quá nhiều
Tiến sĩ Aeri Moon, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nhi khoa ở New York (Mỹ), cho biết bụng quá đầy là nguyên nhân chính gây trào ngược, vì vậy, hãy tránh cho bé ăn quá nhiều.
Ợ hơi cho em bé
Nuốt quá nhiều không khí trong khi ăn dẫn đến bong bóng khí trong dạ dày có thể khiến một số thức ăn bị mắc kẹt. Khi không khí trào ngược lên dưới dạng ợ hơi, sữa mẹ hoặc sữa công thức cũng vậy. Đảm bảo rằng em bé được ngậm đúng cách và cho bé ợ hơi trước, trong suốt và sau mỗi lần bú có thể giúp giảm thiểu vấn đề này.
Các bước vỗ ợ hơi cho bé:
- Đặt trẻ nằm đúng tư thế chuẩn bị vỗ ợ hơi. Các tư thế vỗ ợ hơi được mô tả theo kiểu tựa vai, kiểu ngồi và kiểu nằm.
- Một tay giữ chân, đầu hoặc ngực bé.
- Tay còn lại vỗ nhẹ vào khoảng giữa lưng trẻ từ dưới lên. Mẹ cũng có thể dùng tay còn lại xoa lưng trẻ ngược chiều kim đồng hồ.
- Nếu thực hiện trong 10-15 phút mà con vẫn chưa ợ hơi, mẹ chuyển tư thế và thực hiện lại các thao tác trên.
Sử dụng sản phẩm dành cho trẻ bú sữa công thức
Nếu em bé của bạn nôn ra sữa công thức, hãy cân nhắc sử dụng bình sữa giảm khí. Với trẻ trên 4 tháng tuổi, nếu được bác sĩ chấp thuận, bạn có thể thử làm đặc sữa công thức để giúp bé dễ tiêu hóa hơn (trộn một muỗng canh ngũ cốc gạo cho mỗi 120 ml sữa công thức).
Giữ em bé thẳng đứng sau khi cho ăn
Khi cho trẻ bú, bế hoặc để trẻ nằm ở tư thế hơi nghiêng, đầu cao hơn bụng khoảng 30 độ. Sau đó, giữ em bé thẳng đứng trong ít nhất 20 phút sau đó, bế hoặc địu, để thức ăn có thể di chuyển ra khỏi dạ dày và vào ruột non dễ dàng.
Khi cho trẻ nằm, cha mẹ cũng cần đảm bảo cho đầu bé cao hơn thân người. Điều này sẽ làm giảm khả năng em bé nôn trớ khi ngủ (nhưng đừng đặt gối trong cũi vì điều này làm tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh).
Sữa mẹ là dưỡng chất rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ sơ sinh. Vì vậy, sau khi sinh con, bà mẹ nào cũng muốn cho con được bú sữa mẹ hoàn toàn. Các bà mẹ cho con bú nên ăn gì để tăng cường dưỡng chất cho sữa mà vẫn tốt cho sức khỏe?
Cuốn sách Ăn gì, khi nào của các tác giả Michael Crupain, Michael Roizen, Ted Spiker khám phá điểm giao thoa giữa “ăn cái gì” và “ăn khi nào”, phân tích tỉ mỉ cách thức những thực phẩm lành mạnh nhất tương tác với cơ thể bạn tùy thuộc vào thời điểm bạn ăn chúng, từ đó đưa ra một kế hoạch chi tiết giúp bạn có phương án ăn uống tối ưu mỗi ngày.