Cảm lạnh có thể khiến trẻ khó chịu vì nghẹt mũi, mệt mỏi. Ảnh: Bellybelly. |
Trẻ sơ sinh dễ bị cảm lạnh. Trong năm đầu đời, hầu hết trẻ sơ sinh bị cảm lạnh 6-8 lần, thậm chí nhiều hơn nếu bé đi lớp hoặc có anh chị mang mầm bệnh từ trường về nhà.
Mặc dù những tiếng sụt sịt và hắt hơi ở trẻ sơ sinh hiếm khi nghiêm trọng, chúng cũng gây khó khăn cho cha mẹ - và là một trong những lý do lớn nhất khiến trẻ phải đến gặp bác sĩ nhi khoa. Khi biết cách giúp con tốt hơn và khi nào nên gọi bác sĩ, bạn có thể cảm thấy tự tin hơn cho đến khi trẻ khỏi bệnh.
Nguyên nhân
Theo WebMD, trẻ sơ sinh dễ bị cảm lạnh vì hệ thống miễn dịch của bé chưa sẵn sàng để chống lại khoảng 100 loại virus gây ra các bệnh nhiễm trùng này. Virus cảm lạnh lan truyền trong không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
Virus cũng bám vào các bề mặt phổ biến như đồ chơi, bàn ghế... Khi em bé chạm vào những bề mặt này và sau đó cho tay vào miệng - điều mà chúng làm rất nhiều - tạo điều kiện cho virus cảm lạnh xâm nhập dễ dàng.
Trẻ sơ sinh có thể nhiễm bệnh từ các anh chị mang virus từ trường về nhà hoặc từ những người trưởng thành bị nhiễm bệnh.
Triệu chứng
Theo Mayo Clinic, em bé bắt đầu có dấu hiệu cảm lạnh khoảng 1-3 ngày sau khi bị nhiễm bệnh. Các dấu hiệu đầu tiên của cảm lạnh thông thường ở trẻ sơ sinh thường là nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, nước mũi lúc đầu có thể trong nhưng có thể đặc lại và chuyển sang màu vàng hoặc xanh. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Hắt hơi.
- Ho.
- Chán ăn.
- Khó bú mẹ hoặc bú bình do nghẹt mũi.
- Mệt mỏi.
- Khó ngủ.
- Cáu gắt.
- Sốt.
- Nôn mửa, tiêu chảy.
Hệ thống miễn dịch của bé sẽ cần thời gian để trưởng thành. Nếu con bạn bị cảm lạnh không có biến chứng, bệnh sẽ khỏi trong vòng 10-14 ngày.
Sốt, ho, nghẹt mũi, mệt mỏi là những triệu chứng điển hình của cảm lạnh ở trẻ sơ sinh. Ảnh: Parents. |
Lưu ý khi điều trị cảm lạnh cho bé
Cảm lạnh không cần phải điều trị, thường tự biến mất sau vài ngày. Thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng vì chúng tiêu diệt vi khuẩn và trong trường hợp này, virus là thủ phạm.
Cha mẹ cần nhớ không được cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi dùng thuốc ho và cảm lạnh không kê đơn. Những loại thuốc này không hoạt động hiệu quả ở trẻ em dưới 6 tuổi, thậm chí có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo không nên sử dụng các loại thuốc này cho trẻ em dưới 4 tuổi.
Điều quan trọng là cha mẹ muốn làm dịu các triệu chứng của bé, giúp bé cảm thấy thoải mái hơn. Để hạ sốt, bạn có thể dùng acetaminophen (Tylenol dành cho trẻ em) hoặc ibuprofen (Motrin hoặc Advil dành cho trẻ em) nếu trẻ trên 6 tháng tuổi. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để đảm bảo cung cấp đúng liều lượng theo cân nặng và tuổi của trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc nào có chứa aspirin. Nó có thể làm tăng nguy cơ mắc một căn bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng gọi là hội chứng Reye.
Để giúp con bạn cảm thấy dễ chịu hơn, hãy để trẻ nghỉ ngơi nhiều và thực hiện một số biện pháp khắc phục tại nhà, bao gồm:
- Tăng cường chất lỏng: Cho trẻ bú thường xuyên hơn hoặc cho trẻ uống Pedialyte. Với trẻ trên 6 tháng tuổi, bạn cũng có thể cho con uống nước và nước trái cây 100%. Chất lỏng được bổ sung sẽ ngăn ngừa tình trạng mất nước, giữ ẩm cho mũi và miệng của con.
- Xịt nước muối sinh lý và hút dịch nhầy ra ngoài: Nếu con bạn khó thở khi bị nghẹt mũi, hãy xịt vài giọt dung dịch nước muối sinh lý (thường có bán ở các hiệu thuốc) vào mỗi lỗ mũi để làm lỏng chất nhầy. Sau đó hút chất nhầy ra cho bé.
Rửa đầu ống hút bằng xà phòng và nước sau mỗi lần sử dụng. Nếu bạn tự pha dung dịch muối, hãy sử dụng nước cất hoặc nước máy đun sôi.
- Bật máy tạo độ ẩm: Máy tạo độ ẩm phun sương mát sẽ bổ sung độ ẩm cho không khí và giúp mũi bé không bị khô. Rửa sạch máy sau mỗi lần sử dụng để ngăn vi khuẩn và nấm mốc tích tụ. Nếu con bạn bị viêm thanh khí phế quản, hít hơi nước ấm trong phòng tắm hoặc tiếp xúc với không khí mát mẻ có thể giúp giảm triệu chứng ho khan.
Cách phòng ngừa
Thật không may, bạn không thể ngăn ngừa mọi cơn cảm lạnh, đặc biệt là trong thời tiết lạnh khi những loại virus này phát triển. Nhưng bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh cho bé bằng cách:
- Yêu cầu bất cứ ai bị bệnh không đến nhà bạn và tránh tiếp xúc với trẻ.
- Giữ bé tránh xa những nơi đông người, nơi có nhiều mầm bệnh.
- Rửa tay thường xuyên. Yêu cầu bất cứ ai bế em bé cũng phải rửa tay.
- Làm sạch đồ chơi của bé thường xuyên bằng xà phòng và nước.
- Đừng để bất cứ ai sử dụng cốc, đồ dùng hoặc khăn tắm của em bé.
- Dạy trẻ lớn hơn ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy hoặc khuỷu tay thay vì hắt hơi vào không khí.
- Không để bất cứ ai hút thuốc gần con bạn. Khói thuốc lá có thể khiến trẻ dễ bị ốm hơn.
Làm thế nào để tránh cho con bạn không bị bỏng, điện giật? Biện pháp nào giúp bảo vệ đường ruột của trẻ? Hay trẻ nhỏ có bị đau nhức xương như người lớn hay không?... Đây là những băn khoăn phổ biến mà mọi cha mẹ đều quan tâm.
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả Trần Quốc Khánh sẽ giải đáp những thắc mắc đó. Ngoài ra, cuốn sách tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.