Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà 6 người, tách 3 nơi khi mắc Covid-19

Sinh hoạt của gia đình bị xáo trộn khi Covid-19 ập đến khiến vợ chồng chị Thanh Hiên (Cầu Giấy, Hà Nội) không còn tâm trí, sức lực để lo cho con học trực tuyến.

Ngày 27/2, nhìn 2 vạch trên kit test, chị Thanh Hiên sửng sốt. Dù mấy hôm trước, chị có các triệu chứng như mệt mỏi, gai người, rát họng, chị không ngờ tới mình lại mắc Covid-19 vì từ tháng 4/2021, chị gần như không ra ngoài. Gia đình luôn thực hiện nghiêm 5K.

“Chúng tôi đã cố gắng mà vẫn nhiễm virus. Khi đã ‘2 vạch’ rồi, cả nhà đành đón nhận thôi. Ban đầu, gia đình lo lắng, xáo trộn. Đến khi 4 người đều mắc Covid-19, cuộc sống lại đỡ hơn”, chị Thanh Hiên tâm sự trong tiếng ho không ngớt.

4 người trong nhà mắc Covid-19

Chị là người đầu tiên trong gia đình có triệu chứng. Tuy nhiên, trước khi xét nghiệm ra kết quả dương tính, chị vẫn sinh hoạt chung cùng chồng và 2 con vì nghĩ chỉ mắc cúm mùa.

4 nguoi trong nha la F0 anh 1

Trẻ được xông mũi khi mắc Covid-19. Ảnh: V.A.

Nghĩ lại đến giờ, chị vẫn thấy may vì mấy hôm đó, mẹ chồng vào bệnh viện truyền hóa chất, 2 ông bà không ở nhà. Khi xác định chị mắc Covid-19, gia đình cho ông bà cách ly từ đầu nên không nhiễm.

Mấy hôm đầu, cuộc sống của họ xáo trộn nhiều khi chị Thanh Hiên cách ly một phòng riêng, ông bà ở yên trong một phòng khác. Một mình chồng chị vừa chăm 2 con vừa lo việc ăn uống cho 2 “phòng cách ly”, dọn dẹp nhà cửa.

Mấy hôm sau, con trai (5 tuổi) có triệu chứng, kết quả test dương tính, chồng chị sốt và con gái (học lớp 2) rát họng. Lúc đó, họ quyết định 4 người lại sống chung với nhau, chỉ ông bà cần cách ly.

Đó là chuỗi ngày lo lắng của chị Thanh Hiên khi 2 con sốt cao trên 39 độ, bản thân chị cũng mệt mỏi, chồng không sốt nhưng chỉ số SpO2 lại thấp nhất. Chị thấp thỏm không biết có nên cho chồng nhập viện điều trị không.

Cũng may, chị tham gia vào một nhóm tự điều trị F0 tại nhà, được các bác sĩ trong nhóm hướng dẫn, theo dõi, tư vấn theo từng triệu chứng, chỉ số và cấp thuốc cần thiết.

Chị Thanh Hiên cũng đầu tư hơn cho việc ăn uống để bồi bổ thêm cho mọi người có sức vượt qua bệnh tật. Chi tiêu gia đình tốn kém hơn thường ngày nhưng đổi lại, tình hình sức khỏe mọi người khởi sắc. Chị sốt 2 ngày, con trai sốt 1 ngày, con gái sốt 3 ngày nhưng may mắn không có triệu chứng nặng khác.

“Tính ra, từ lúc 4 người cùng mắc Covid-19, chúng tôi lo lắng hơn nhưng cuộc sống lại đỡ rối. Ba hôm cách ly với mẹ, 2 con hiểu cần tách ra nhưng vẫn nhớ mẹ rồi viết thư nhét qua khe cửa, thương lắm”, chị Hiên kể.

Khi 4 người lại sống cùng nhau, tự tay chăm lo cho con, chị yên tâm hơn dù mọi thứ vẫn chưa thể trở lại bình thường do họ chưa bình phục.

4 nguoi trong nha la F0 anh 2

Hai con chị Hiên viết thư gửi mẹ khi chị đang cách ly trong phòng riêng. Ảnh: T.H.

Tạm gác lại việc học của con

Chị Thanh Hiên nói thêm Covid-19 cũng khiến việc học của con chịu gián đoạn. Bình thường, trong thời gian con học online, chị cũng ở nhà, đồng hành với việc học của con.

Vì học trực tuyến kéo dài, giáo viên chủ nhiệm cho học sinh học nhóm để vừa trao đổi bài vừa tăng tương tác giữa các trẻ. Điều đó đồng nghĩa phụ huynh cần tham gia nhiều nhóm chat để biết con cần làm bài gì, học theo nhóm nào.

Ngoài ra, để bù lại những thiệt thòi khi con không thể đến trường, bà mẹ 2 con còn thường xuyên cùng con đọc sách, trò chuyện, giúp con phát triển kỹ năng mềm.

Khi Covid-19 ập đến, mọi hoạt động như vậy đều tạm gác lại. Trong 3 ngày chị cách ly trong phòng riêng, chồng chị không ở trong các nhóm chat, không biết con học hành như thế nào. Chị phải đọc thông báo rồi truyền đạt lại. Hiệu quả đương nhiên không bằng khi chị trực tiếp theo sát.

Chưa kể đến, chồng chị còn nhiều việc khác phải lo, đặc biệt là việc cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Ba ngày đó, việc học của con gần như bị bỏ bê.

Khi có kết quả dương tính, con lại sốt, mệt, không thể tham gia việc học trực tuyến nên tạm nghỉ học tiếp 3 hôm.

“Trước khi xin nghỉ cho con, tôi có xem qua sách giáo khoa. Hai mẹ con cũng tự học nên trừ những kiến thức cô mở rộng thêm trong giờ học, còn lại, con vẫn nắm được cơ bản”, chị Thanh Hiên nói.

Chị cho biết sau khi con đỡ, chị sẽ cho con trở lại với nhịp học trực tuyến bình thường. Bà mẹ 2 con cũng sẽ đồng hành cùng con trong quá trình học, lại đọc sách, trò chuyện, có các hoạt động phát triển kỹ năng mềm cho con như trước đây để con không bị tụt lại khi không thể đến trường vì Covid-19.

Chị thừa nhận với tình hình dịch bệnh như hiện nay, chị mong trẻ tiếp tục được học online. Hồi tháng hai, khi thành phố quyết định cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở nội thành trở lại trường, chị cùng nhiều phụ huynh khác thấp thỏm.

Phòng học bé, sĩ số lại trên 60 học sinh. Nếu đi học, các con ngồi sát, tiếp xúc rất gần. Chưa kể đến, những đứa trẻ thường hiếu động, các con không tránh khỏi vui chơi, nói chuyện nhiều với nhau và rất khó thực hiện đeo khẩu trang suốt buổi học.

Nếu vẫn áp dụng cách làm như hiện nay, tức khi lớp có F0, những học sinh tiếp xúc gần phải tạm nghỉ học, xét nghiệm lúc đó rồi lại phải xét nghiệm lại trước khi trở lại trường. Trẻ bị lấy mẫu nhiều lần sẽ sợ hãi.

Ngoài ra, gia đình có ông bà già, yếu, bà lại nhiều bệnh, chưa tiêm mũi vaccine nào, chị Hiên rất lo khi con đi học, nhiễm nCoV rồi lây cho ông bà vì không phải lúc nào gia đình cũng may mắn như lần này - ông bà cách ly được từ đầu nên không lây bệnh.

“Cháu tôi học THPT, đi học được mấy buổi, nhiễm virus từ bạn học. Cả nhà thành F0, thực tế, rất khó không lây nhiễm khi gia đình thường tiếp xúc gần gũi. Cũng may, cuối cùng, thành phố lùi việc cho trẻ đến trường”, chị Thanh Hiên tâm sự.

Phụ huynh sợ, trường lo nếu phải xét nghiệm cả lớp ngay khi có F0

Lãnh đạo các trường học đánh giá việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên ngay cho toàn bộ học sinh khi lớp có F0 gây tốn kém, không cần thiết.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm