Một tháng sau khi bê bối tuyển sinh chấn động nước Mỹ bị phanh phui, thông tin về các vụ xét xử liên quan đường dây mua suất và các trường hợp bị thôi học vì trúng tuyển nhờ gian lận liên tục được cập nhật.
33 phụ huynh khó thoát khỏi án tù dù họ là người giàu có, quyền lực hay nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn trong văn hóa, kinh tế, chính trị.
Cái giá nhất định phải trả
Án tù không chỉ được đưa ra cho William “Rick” Singer - kẻ đứng đầu đường dây - hay những cán bộ khảo thí, nhân viên trường học đã tiếp tay cho hành vi gian lận tuyển sinh. Nó còn dành cho những ông bố, bà mẹ lợi dụng quyền lực, tiền bạc để “trải hoa hồng” cho hành trình tiến vào trường danh tiếng của con. Tội danh đầu tiên mà 33 phụ huynh đối mặt là âm mưu gian lận qua mail.
Felicity Huffman có thể phải nhận án từ 4-10 tháng tù sau khi nhận tội. Ảnh: People. |
Theo CNN, 13 người, bao gồm diễn viên, đã nhận tội dùng tiền mua suất vào trường hàng đầu cho con. Đổi lại, nhờ hợp tác điều tra và thỏa thuận nhận tội, án phạt của họ có thể giảm xuống còn 4 đến 10 tháng tù. Tòa cũng không tiếp tục đưa thêm cáo buộc với những người này. Tháng 5 tới, họ sẽ xuất hiện ở tòa để nghe tuyên án.
19 người khác, trong đó có vợ chồng diễn viên Lori Loughlin (người bị cáo buộc chi 500.000 USD để giúp 2 con lách vào ĐH Southern California), kiên quyết chống lại bản án. Lori Loughlin và chồng tuyên bố bản thân vô tội.
Quyết định không nhận tội bị dư luận chỉ trích kịch liệt, đặc biệt khi hàng loạt bằng chứng cho thấy hành vi chi tiền để con gian lận vào trường của họ được công khai.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, đây là quyết định sai lầm bởi ngay sau đó, Loughlin và 15 người khác tiếp tục nhận cáo buộc về tội âm mưu gian lận và âm mưu rửa tiền hối lộ. Hình phạt cao nhất cho mỗi tội danh là 20 năm tù.
Như vậy, diễn viên nổi tiếng có thể phải ngồi nhà đá đến 40 năm nếu không thể chứng minh bản thân vô tội.
Theo các chuyên gia pháp lý, việc thêm cáo buộc đối với những người tuyên bố vô tội là phương pháp “cây gậy và củ cà rốt”, nhằm gây áp lực để các bị cáo nhận tội hoặc nhận thêm tội danh khác - đồng nghĩa gia tăng bản án.
Mức án Lori Loughlin phải nhận có thể lên đến 40 năm. Ảnh: Reuters. |
Ngoài các trường hợp trên, một phụ huynh tên Toby MacFarlane vẫn chưa quyết định có nhận tội danh gian lận qua mail hay không. Người này cũng có 2 lựa chọn - thỏa thuận để giảm án hoặc chống án và nhận thêm cáo buộc khác.
Như vậy, dù nhận tội từ đầu hay không, nhiều khả năng, 33 phụ huynh ở Mỹ không thể thoát khỏi tù tội - cái giá nhất định phải trả cho hành vi gian lận thi cử.
“Chúng ta không thể có hệ thống tuyển sinh riêng cho người giàu, cũng không thể có hệ thống tư pháp riêng cho những người dính vào vụ gian lận chấn động cả nước này”, luật sư Andrew Lelling, người đứng đầu đoàn công tố của vụ đường dây nhà giàu chạy suất học cho con, khẳng định. Ông nói thêm tất cả phụ huynh chi tiền mua suất cho con sẽ bị trừng trị thích đáng.
Những đứa trẻ “vô tội”
Trong bê bối tuyển sinh lớn nhất lịch sử nước Mỹ, cơ quan điều tra chưa khởi tố thí sinh vì cho rằng các em vô tội, không biết đến hành vi phạm pháp của cha mẹ.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa họ không phải chịu sự trừng phạt. Ngay sau khi đại án gian lận bị phanh phui, các trường liên quan bắt đầu xem xét lại quá trình tuyển sinh, đuổi học những sinh viên trúng tuyển nhờ tiền, quyền của cha mẹ.
ĐH Yale (Mỹ) vừa hủy bỏ kết quả tuyển sinh của một sinh viên vì gia đình người này bị cáo buộc chi 1,2 triệu USD để mua suất vào trường.
Tiếp đến, ĐH Stanford buộc thôi học một nữ sinh vì gian lận. Đây là một trong 3 trường hợp lách vào ngôi trường hàng đầu thế giới qua con đường phạm pháp. Hai thí sinh khác trúng tuyển nhưng không nhập học.
Hai con gái của Lori Loughlin sẽ phải ra tòa để công tố viên kiểm tra chéo sau khi bố mẹ họ kiên quyết không ký thỏa thuận nhận tội. Ảnh: Getty. |
ĐH Southern California tạm giữ hồ sơ của 6 trường hợp liên quan đường dây chạy suất để xem xét kỹ hơn. Trong thời gian đó, những sinh viên này không thể tham gia các khóa học hay lấy bảng điểm học tập.
Quá trình thanh trừ những sinh viên gian lận tại các trường vẫn chưa dừng lại và chắc chắn số lượng sinh viên bị đuổi học sẽ tăng lên đáng kể. Như vậy, dù biết hay không biết đến hành vi sai trái của cha mẹ, các em vẫn phải trả giá vì hành vi đó.
Jim Jump, cựu Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tuyển sinh đại học Mỹ, cho rằng đây là cách làm hợp lý vì khi điền đơn, các thí sinh khẳng định thông tin trong hồ sơ ứng tuyển là chính xác, đúng sự thật. Nếu sai, họ phải chấp nhận việc hồ sơ bị hủy khi trường phát hiện.
Không dừng lại ở đó, các thí sinh bị chỉ trích kịch liệt. Người hứng chịu nhiều nhất là 2 con gái của Lori Loughlin, Olivia Jade và Isabella, đặc biệt sau khi diễn viên kiên quyết không nhận tội.
Cả 2 vẫn chưa bị đuổi khỏi ĐH Southern California nhưng không trở lại trường sau khi cơ quan điều tra khởi tố cha mẹ họ với cáo buộc chi 500.000 USD để con có thể theo học tại đây.
Sau quyết định không thỏa thuận nhận tội của vợ chồng Loughlin, Olivia Jade và Isabella sẽ phải xuất hiện tại phiên tòa tiếp theo để các công tố viên kiểm tra chéo. Đây cũng là biện pháp nhằm gây áp lực để Loughlin nhận tội.
“Lori rất sợ hãi con gái phải ra làm chứng vì nó khiến họ tổn thương nhiều hơn, ảnh hưởng tương lai và sẽ là vết nhơ không thể xóa trong cuộc đời 2 cô gái mới 20 tuổi”, một nguồn tin cho biết trên People.