Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà hàng Trung Quốc khuyến khích phụ nữ say để đàn ông tiếp cận

Tấm áp phích "Hãy uống say đi để cho anh ta một cơ hội tiếp cận" khiến một nhà hàng Trung Quốc phải hứng chịu làn sóng chỉ trích nặng nề.

Tấm áp phích trong nhà hàng Trung Quốc mang thông điệp kỳ thị nữ giới. Ảnh: The Paper.

Bức ảnh chụp bên trong nhà hàng thịt nướng ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) cho thấy một tấm áp phích được treo trên tường, in hình tấm lưng của người phụ nữ mặc đồ lót gợi cảm và đi tất lưới.

Bên dưới tấm áp phích là một khẩu hiệu mang thông điệp kỳ thị nữ giới, có nội dung: “Hãy uống say đi để cho anh ta một cơ hội tiếp cận”.

Nói với hãng truyền thông địa phương Gongfu Caijing, ngày 29/5, một nhân viên làm việc tại nhà hàng cho biết tấm áp phích đã được treo nhiều năm và chưa bao giờ bị chỉ trích. Cô cũng cho biết khẩu hiệu chỉ là “một trò đùa” của nhà hàng.

phan biet gioi tinh anh 1

Kỳ thị nữ giới là một vấn đề nhức nhối từ lâu ở Trung Quốc. Ảnh minh họa: China Daily.

“Vui hay không còn phụ thuộc vào cách bạn nghĩ. Bạn không cần phải nhìn nhận tấm áp phích một cách nghiêm túc”, nhân viên nói.

Tấm áp phích gây ra một cuộc tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội Trung Quốc về nạn phân biệt giới tính, vốn là một vấn đề nhức nhối từ lâu trong xã hội nước này. Cuộc tranh cãi được thúc đẩy chủ yếu bởi phái nữ.

Nhiều bình luận cho rằng nhà hàng này “không chỉ gây ảnh hưởng xấu, mà còn xúi giục mọi người phạm tội”.

Theo luật hình sự Trung Quốc, hành vi quan hệ tình dục với phụ nữ say rượu mà không có sự đồng thuận của họ có thể cấu thành tội hiếp dâm. Thủ phạm có thể bị phạt tù 3-10 năm.

Ngày 30/5, sau khi sự việc lan truyền trên mạng xã hội, Qihuan Video đưa tin rằng cơ quan quản lý thực phẩm địa phương đã vào cuộc và nhà hàng quyết định gỡ bỏ tấm áp phích quảng cáo.

Đáng chú ý, đây không phải trường hợp đầu tiên một sản phẩm quảng cáo gây xúc phạm công chúng do nội dung phân biệt giới tính.

Tháng trước, Five Doctors, nhãn hiệu thuốc bổ sức khỏe dành cho phụ nữ, đã cố gắng quảng bá sản phẩm của mình tới khách hàng tiềm năng bằng cách ghi hình những người phụ nữ la hét cuồng loạn.

Trong số đó, một người hét lên: “Già thêm một tuổi nữa sao? Uống thuốc bổ ngay đi!”. Nội dung quảng cáo lập tức bị chỉ trích khi cố gắng trục lợi khách hàng từ định kiến phụ nữ lo lắng về vấn đề lão hóa.

Năm 2022, Procter & Gamble, tập đoàn hàng tiêu dùng khổng lồ Mỹ, xin lỗi vì tuyên bố “bàn chân của phụ nữ có mùi hôi gấp 5 lần so với nam giới” trong một bài viết quảng cáo nhằm bán các sản phẩm tẩy rửa của họ tại Trung Quốc mà không có bằng chứng khoa học nào.

Nói với SCMP, một nhà hoạt động nữ quyền Trung Quốc giấu tên, người tốt nghiệp chương trình nghiên cứu về giới của Đại học Goldsmiths (London, Anh), cho biết vô số vụ bê bối công khai liên quan đến vấn đề kỳ thị phụ nữ đã phản ánh “sự kiêu ngạo” của các thương hiệu và nhãn hàng. Người này cho biết các doanh nghiệp chỉ đơn giản bỏ qua những cuộc biểu tình trực tuyến.

Tuy nhiên, việc ngày càng nhiều trường hợp bị phơi bày đang dần tạo ra sự thay đổi tích cực, khi nhiều người nhận thức được sự phân biệt giới tính và sẵn sàng sàng lên án vấn đề.

Quán bar ở Australia bị chỉ trích vì tặng đồ uống theo cơ thể phụ nữ

Khuyến khích khách nữ cởi bỏ áo ngực để nhận đồ uống miễn phí, sự kiện của quán bar ở Australia bị nhiều người chỉ trích là phản cảm, xúc phạm nữ giới.

Ánh Dương

Bạn có thể quan tâm