Phong cách Mid-century là sự giao thoa giữa nét cổ điển và hiện đại. Ảnh: Architectural Digest. |
Xuất hiện cách nay gần một thế kỷ, phong cách kiến trúc Mid-century (Giữa thế kỷ) hấp dẫn người yêu nội thất với vẻ đẹp hoài cổ xen lẫn hiện đại. Kiểu thiết kế này đặc trưng ở những đường nét cong mềm mại, kết hợp vật liệu nhân tạo và chất liệu thiên nhiên.
Ngoài ra, bảng màu độc đáo với nhiều màu sắc lạnh cũng giúp không gian Mid-century thêm phần cá tính.
Những điểm đặc trưng nhất của phong cách nội thất luôn thịnh hành này được Living etc tổng hợp dưới đây.
Nguồn gốc
Phong cách Mid-century khởi nguồn từ Mỹ vào những năm 1930. Thời điểm đó, đồ nội thất thuần về công năng, hình dáng tối giản để sử dụng ít gỗ nhất có thể, màu sắc phổ biến là xanh lá cây và nâu đậm.
Sau thế chiến thứ 2, chất liệu gỗ được ứng dụng theo nhiều cách mới mẻ, sáng tạo hơn. Đồ nội thất không chỉ đơn thuần phục vụ công năng mà còn cần tiện nghi, thẩm mỹ.
Từ đó, phong cách Mid-century modern (Giữa thế kỷ hiện đại) ra đời vào khoảng năm 1945, tạo cảm giác tươi mới mà không sặc sỡ, đồ đạc được sắp xếp hợp lý nhưng không buồn tẻ.
Màu sắc của phiên bản cải tiến này cũng trở nên đa dạng hơn do có sự ảnh hưởng từ thiết kế của các nước Bắc Âu. Quan trọng hơn, phong cách này phù hợp với tâm trạng lạc quan đương thời và giúp mọi người thể hiện tinh thần đó vào trong ngôi nhà của mình.
Phong cách Giữa thế kỷ hiện đại tạo cảm giác tươi mới xen lẫn chút cổ điển. |
Chất liệu gỗ
Phong cách Giữa thế kỷ ưa chuộng gỗ tếch bởi chất liệu này có màu sẫm, bền và đa dạng. Gỗ tếch hài hòa với các gam màu đậm, thường được sử dụng cho các đồ nội thất như bàn trà, bàn làm việc và tủ...
Gỗ sồi cũng là lựa chọn thích hợp vì rất chắc và bền vững. Loại gỗ này có màu sáng hơn gỗ tếch, nên thường được kết hợp với các gam màu lạnh.
Gỗ dẻ gai sáng hơn gỗ sồi, có khả năng chống va đập cao nên thường được sử dụng làm khung ghế và khung sofa. Việc sử dụng gỗ dẻ gai trong đồ nội thất cho thấy ảnh hưởng của thiết kế Bắc Âu với phong cách Mid-century.
Chất liệu gỗ được sử dụng một cách đa dạng. |
Các đặc điểm khác
Màu vàng
Đặt một chiếc ghế bành màu vàng là cách nhanh nhất giúp không gian của bạn có thêm chất Mid-century. Nếu không muốn chọn màu vàng cho các đồ nội thất lớn, bạn có thể thêm màu này vào phụ kiện để tạo điểm nhấn.
Với phần còn lại của không gian, hãy chọn bảng màu trung tính.
Các tác phẩm nghệ thuật bắt mắt
Những tác phẩm nghệ thuật trừu tượng và bắt mắt, lặp lại màu sắc trong bảng màu sẽ giúp gắn kết không gian. Thêm vào đó, vị trí thích hợp để bức tranh trở nên nổi bật là chính giữa một bức tường trắng.
Những bức tranh lớn, nổi bật là đặc trưng của phong cách Mid-century. |
Thảm đơn giản
Bạn có thể thêm một tấm thảm dưới bàn ăn hoặc bàn trà để mang lại cảm giác ấm cúng. Màu sắc và hoạt tiết của thảm nên đơn giản nhất có thể để làm nổi bật đường nét của đồ nội thất.
Kết hợp các chất liệu gỗ
Kết hợp các chất liệu gỗ tối màu với sáng màu sẽ giúp không gian trở nên sinh động. Màu gỗ sẽ nổi bật hơn nếu bạn chọn tường và các phụ kiện có màu lặng.
Gối trang trí
Nếu sofa có màu trung tính, bạn hãy chọn những chiếc gối trang trí nổi bật để tạo điểm nhấn. Các họa tiết hình khối của gối trang trí kết hợp màu vàng, xanh lam, xanh lá cây và cam sẽ gây ấn tượng mạnh.
Gối có họa tiết bắt mắt giúp không gian có thêm điểm nhấn. |
Đèn
Nếu đồ nội thất của bạn được làm từ kim loại và chủ yếu là màu lạnh, hãy chọn hệ thống chiếu sáng có màu bạc. Bên cạnh đó, đèn ánh sáng màu vàng sẽ phù hợp với những không gian có chất liệu gỗ chủ đạo.
Các họa tiết hình học
Các họa tiết hình học là nét đặc trưng của phong cách Giữa thế kỷ. Nếu chọn giấy dán tường có kiểu họa tiết này, bạn nên hạn chế phụ kiện để làm nổi bật tường và đồ nội thất.
Những chiếc bình độc đáo
Bên cạnh các tác phẩm nghệ thuật trừu tượng, bạn có thể bổ sung những chiếc bình có kiểu dáng độc đáo. Những món trang trí này nên có độ cao khác nhau và cùng được bày trên một chiếc bàn trang trí.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.