Với hành trình không mệt mỏi vượt qua mọi rào cản, chàng trai khiếm thính đã nhận được thành quả xứng đáng. Cùng những cống hiến tận tình cho xã hội, năm vừa qua, Thành đã đạt giải thưởng tình nguyện của năm và được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam 2015.
Tuổi thơ khó khăn
Thành giờ đã là chủ một salon tóc có tiếng tại Hà Nội. Dù không giao tiếp được với khách bằng lời nói, nhưng gương mặt vô tư với nụ cười luôn nở trên môi, Thành luôn tạo cảm giác gần gũi với người khác và cũng ít người nghĩ chàng trai ấy đã từng trải qua tuổi thơ đầy gian khó.
Nguyễn Thái Thành sinh năm 1991, quê ở Bắc Giang. Đến năm 3 tuổi, gia đình mới phát hiện Thành không có khả năng nghe và nói như những đứa trẻ khác. Dù gia đình đã tìm đủ cách chạy chữa, nhưng cuối cùng Thành vẫn phải lớn lên với với cách giao tiếp duy nhất là bằng những động tác huơ tay. Nhưng Thành không hề tỏ ra buồn bã, tự ti, thay vào đó, Thành vẫn hòa đồng với mọi người.
“Ngày đó mình không hề buồn vì việc không thể nghe nói được, nhưng cũng có lúc chạnh lòng khi nghĩ đến tương lai” - Thành chia sẻ bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Thành được bố mẹ đưa đến một trung tâm dạy cho trẻ khuyết tật ở Bắc Giang, nhưng do vô tình chứng kiến những đứa trẻ bị đối xử không tốt tại trung tâm khiến Thành rất sợ, không dám đi học. Bố mẹ đành tìm cho Thành một ngôi trường bình thường và Thành học hết cấp 1, cấp 2 ở Bắc Giang.
Ở trường này, các thầy cô giáo giảng bằng lời nói vì thế Thành không thể tiếp thu được kiến thức, đặc biệt là những môn Toán, Văn, tiếng Anh, tiếng Việt. “Ngày còn học, mình thích nhất môn vẽ và những bức vẽ của mình được thầy cô khen rất nhiều”.
Học trong một môi trường mọi người đều có thể nghe, Thành nhanh chóng nhận ra mình là người “đặc biệt” nhất trong lớp.“Những ngày tháng học tập cứ thế trôi qua, mình thật sự chơ vơ và không biết sau này sẽ làm công việc gì.
Rất may, sau khi kết thúc năm học cấp 2 thì chị mình đã tìm được một ngôi trường dành cho những người không thể nghe như mình là trường Nhân Chính. Vì thế, năm 2005, mình chuyển ra Hà Nội học tại ngôi trường này” - Thành chia sẻ.
Và đây cũng là lần đầu tiên Thành được tiếp xúc với ngôn ngữ ký hiệu. Nhìn hình ảnh mọi người giao tiếp với nhau bằng cử chỉ tay, Thành rất xúc động khi biết rằng những người điếc như mình cũng có một ngôn ngữ riêng.
Với ngôn ngữ ký hiệu, Thành đã được giảng giải và được hiểu những kiến thức mà trước đây Thành không thể hiểu được. Từng bài toán, bài văn được giảng dạy bằng ngôn ngữ ký hiệu khiến Thành dễ tiếp thu hơn, Thành dần cảm thấy tự tin hơn và có thêm nghị lực sống để tiếp tục học tập tại trường.
Tuy nhiên, ước mơ trở thành họa sỹ không đến với Thành khi có quá nhiều khó khăn, rào cản, trong đó khó khăn lớn nhất là giao tiếp. Vì thế anh chàng chỉ muốn lưu giữ những bức vẽ như một sở thích, một đam mê.
Nguyễn Thái Thành . Ảnh: An Ninh Thủ Đô. |
Hành trình theo đuổi đam mê nghề tóc
Năm 2007, Thành tốt nghiệp trường Nhân Chính và quyết định đi học may ở trường dạy nghề Hoa Sữa. Sau một thời gian học may, học thêu thùa, những đường may cứ uốn éo, lệch lạc, xiên xẹo khiến Thành nhận ra mình không phù hợp với công việc này.
Trong lúc đang lúng túng về công việc thì Thành được gặp một người khiếm thính dạy cắt tóc nên cũng muốn theo học xem sao. Tuy nhiên, người này chỉ dạy về cắt tóc nam nên cậu cũng không học hỏi được nhiều.
Sau một đêm suy nghĩ nghiêm túc về nghề, Thành đã xin phép bố mẹ về Bắc Giang để theo học nghề cắt tóc và cậu tìm được một thầy bị khiếm thính dạy cắt tóc cả nam lẫn nữ. Những động tác, những kỹ thuật xoay kéo điệu nghệ như mê hoặc chàng trai khiếm thính, Thành nhìn rồi say mê từ khi nào không biết. Thành quyết định theo đuổi nghề làm tóc và đến nay đã có 8 năm trong nghề cầm kéo.
Suốt thời gian học nghề, Thành phải sáng tối đi đi về về bằng xe đạp rất vất vả. Khi đã thạo việc, Thành lên Hà Nội xin việc với mong muốn vừa làm vừa học thêm, nhưng hành trình xin việc của Thành gặp không ít khó khăn vì từ salon lớn đến các tiệm tóc vỉa hè đều không muốn nhận người khiếm thính.
Mãi đến đầu năm 2008, một chủ tiệm tóc trên đường Khâm Thiên nhìn thấy ở chàng trai khiếm thính sự ham học hỏi, sự lương thiện và nghiêm túc với nghề nên đã nhận Thành vào vừa học việc, vừa làm.
“Ngày đó, mình xin việc rất khó khăn, cứ đi xin việc cả ngày như vậy, tối về lại vắt tay lên trán nghĩ xem mai lại đi xin việc ở đâu tiếp. Thật may mắn khi mình gặp được người chủ tiệm tóc trên phố Khâm Thiên, thầy đồng ý nhận mình vào làm và truyền dạy nghề. Bây giờ mình ít có thời gian về thăm thầy nhưng trong lòng mình luôn yêu quý và cảm ơn vì thầy đã chấp nhận mình và chỉ dạy để mình có được như ngày hôm nay” - Thành tâm sự.
Ngày mới đi học, Thành chăm chú quan sát thầy hướng dẫn, tối về thực hành trên ma-nơ-canh và nhờ mọi người trong gia đình làm mẫu. Kỹ thuật cắt tỉa không hề dễ, làm rồi hỏng liên tục. Nhưng với quyết tâm theo đuổi nghề, Thành đã vượt qua mọi trở ngại và tay nghề dần được nâng cao.
Đến năm 2010, Thành mạnh dạn tham gia cuộc thi “1.000 năm tóc” kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà - Nội và đạt giải triển vọng. Đây là một giải nhỏ nhưng đã giúp Thành có thêm động lực để mở cửa hàng của riêng mình. Sau đó 1 năm, Thành đã có một cửa hàng nhỏ xinh tại ngõ Văn Chương.
Mới đầu, cửa hàng chỉ có một mình Thành tất bật xoay xở. Khó khăn lớn nhất là Thành không thể giao tiếp với người bình thường. Khách không biết ngôn ngữ ký hiệu, Thành thì lại không thể nghe người khác nói gì nên nhiều lúc không hiểu ý của họ, có lúc cũng làm sai khiến khách phật ý.
Rồi Thành nhận ra mình có thể giao tiếp với khách hàng bằng cách viết ra giấy, khó khăn về giao tiếp đã được khắc phục, cửa hàng cũng dần dần có thêm khách.
Chưa bằng lòng với những gì đã đạt được, Thành vẫn tích cực học thêm ở nhiều nơi khác. Giữa năm 2011, Thành vào TP.HCM để học thêm nghề. Lúc này, ngôn ngữ ký hiệu đã phổ biến hơn, Thành có người phiên dịch nên việc học cũng dễ dàng hơn so với ngày trước. Đến năm 2012, Thành quyết định học thêm về nghề trang điểm.
Mùa hè 2013, Thái Thành tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng tạo mẫu tóc trong TP.HCM và đạt giải đặc biệt cùng học bổng 6 tuần học nghề tóc ở Singapore. Tuy nhiên Thành đã từ chối học bổng vì lúc này Thành đã có một cửa hàng riêng, nếu như theo học quá xa như thế sẽ không thể chăm lo cho cửa hàng của mình được. Hơn nữa sau khi học xong thì phải cam kết làm 2 năm tại Sài Gòn.
Dạy nghề cho người điếc
Sau giải thưởng này, được nhiều người biết đến hơn, Thành rất vui vì cuối cùng mình cũng được mọi người công nhận, nhiều người khiếm thính ở khắp mọi miền Tổ quốc cũng tìm đến Thành để học nghề. Thành nhận ra rằng không chỉ nên chú tâm làm việc tốt mà còn phải quan tâm đến cộng đồng, điều đó đã thôi thúc Thành lập nên một doanh nghiệp xã hội để giúp đỡ những người khuyết tật như mình.
Năm 2015, Thành nhận một dự án xã hội ý nghĩa và trao tặng học bổng cho những người không có trả năng nghe như Thành. 7 người bị khiếm thính sẽ được nhận một học bổng theo học tại cửa hàng của Thành. Với học bổng này, học viên được Thành trực tiếp giảng dạy không chỉ về nghề cắt tóc mà còn học về kỹ năng sống, học cách giao tiếp, học văn hóa…
“Mình không chỉ muốn doanh nghiệp của mình hướng đến kinh tế dịch vụ mà còn hướng đến cộng đồng xã hội, mình muốn giúp đỡ những người giống như mình có được một công ăn việc làm, muốn các bạn ấy cũng được mọi người công nhận” - Thành bộc bạch.
Với suy nghĩ hướng về cộng đồng như vậy, nhiều năm qua Thành đã nhận và đào tạo 15 người khiếm thính tìm đến theo học nghiêm túc, không chỉ ở Hà Nội mà có người ở Nha Trang, Lạng Sơn.
Chia sẻ về dự định tương lai, Thành cho biết anh vẫn đang ấp ủ mơ ước về một trung tâm đào tạo nghề chuyên nghiệp cho cộng đồng người khiếm thính để có thể mở rộng quy mô cộng đồng, giúp đỡ người khác hơn.