Thời đại lên ngôi của nhà thiết kế gốc Á
Anna Sui và Vera Wang sớm khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, phải đến đầu những năm 2000, làn sóng nhà thiết kế châu Á mới đổ bộ mạnh mẽ. Đó là những nhà mốt đang được đánh giá rất cao hiện nay như Jason Wu, Alexander Wang, Derek Lam, Peter Som, Phillip Lim, Prabal Gurung, Thakoon Panichgul, Naeem Khan. Bên cạnh đó, không thể không kể đến 2 NTK gốc Việt ghi dấu ấn ở Paris Fashion Week - Barbara Bui và Olympia Le Tan.
Theo New York Times, năm 1995, chỉ có 10 NTK gốc Á là thành viên của Hiệp hội các nhà thiết kế thời trang Mỹ. Trong khi đó, con số của năm 2010 ít nhất là 35.
Dấu mốc quan trọng đánh dấu thành công vang dội của thế hệ NTK Mỹ gốc Á là vào tháng 6/2010. Lần đầu tiên CFDA trao ba giải thưởng quan trọng cho người gốc Á. Đó là Richard Chai với dòng thời trang nam, Jason Wu cho lĩnh vực thiết kế đồ nữ và Alexander Wang – lĩnh vực phụ kiện.
NTK Jason Wu,Richard Chai và Alexander Wang (từ trái qua phải). |
Cũng tại sự kiện này, ba sinh viên thiết kế xuất sắc nhận được học bổng đều mang trong mình dòng máu châu Á. Các báo quốc tế nhận định đây là bước chuyển mình ngoạn mục, làm thay đổi ngành công nghiệp thời trang.
Jason Wu, 32 tuổi, NTK gốc Đài Loan, phát biểu trong lễ nhận giải: “Thật tuyệt vời! Cách đây không lâu, Donna Karan và Michael Kors (người Mỹ) được tôn vinh. Còn bây giờ, ba chúng tôi đều mang trong mình dòng máu châu Á”. Trước đó, năm 2009, Jason Wu được giới mộ điệu trên khắp thế giới biết đến sau khi Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama chọn thiết kế của anh để mặc trong lễ nhậm chức của chồng.
Với Alexander Wang, có thể gọi anh là “hiện tượng” bởi những thành công đáng nể ở tuổi 31. Khi mới là sinh viên năm thứ hai ngành thiết kế, Wang đã xây dựng thương hiệu riêng mang tên mình. Bộ sưu tập đầu tiên anh trình làng tại sàn diễn New York năm 2007 nhanh chóng gây tiếng vang và được bày bán ở 700 cửa hàng lớn nhỏ trên khắp thế giới.
Hiện, ngoài phát triển dòng sản phẩm Alexander Wang, anh còn đảm nhận vai trò giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang Pháp - Balenciaga.
Hồi cuối năm 2014, NTK gốc Đài Loan còn gây sốt khi hợp tác với H&M, ra mắt bộ sưu tập. Bà Margareta van den Bosch, nhà thiết kế lâu năm của hãng bán lẻ Thụy Điển, hết lời khen Alexander Wang: "Anh ấy là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất đến ngành công nghiệp thời trang hiện nay. Wang biết chính xác các tín đồ muốn mặc gì và thiết kế bằng tất cả năng lượng cũng như lòng đam mê”.
Alexander Wang gây sốt khi ra mắt BST kết hợp với H&M. |
Đúng như dự đoán của bà, ngày bộ sưu tập Alexander Wang x H&M chính thức được mở bán, người ta đã chứng kiến cuộc "càn quét" kinh hoàng của các tín đồ thời trang. Kết quả là nhiều khách hàng phải ra về tay không vì “cháy hàng”.
Những người đi tiên phong
Để có được thời đại toàn những người thiết kế đến từ châu Á như hiện tại, làng thời trang chứng kiến nỗ lực của những người tiên phong. Vera Wang (sinh năm 1949) và Anna Sui (sinh năm 1964) được coi là hai cây đại thụ. Trong đó, Vera Wang là nhà thiết kế váy cưới nổi tiếng thế giới. Bà đã tạo nên những chiếc đầm cô dâu lộng lẫy, sang trọng cho nhiều mỹ nhân Hollywood như Kim Kardashian, Jessica Simpson, Mariah Carey, Jennifer Lopez, Arvil Lavigne, Jennifer Aniston, Hillary Duff, Victoria Beckham.
Vera Wang sinh ra tại New York trong một gia đình người Hoa, được nuôi dạy theo cách truyền thống của nền văn hóa phương Đông. Bà tốt nghiệp đại học ngành Lịch sử Nghệ thuật, nhưng sau đó lại chuyển hướng sự nghiệp sang lĩnh vực thời trang.
Vera Wang thiết kế váy cưới cho nhiều ngôi sao. |
Bà khởi nghiệp vào năm 1970 trong vai trò biên tập viên thời trang của tạp chí Vogue Mỹ danh tiếng và gắn bó với ngôi nhà này suốt 17 năm. Tuy nhiên, thất bại trong việc giành chiếc ghế tổng biên tập đã khiến Vera Wang quyết định dứt áo ra đi.
Rời Vogue, bà chuyển sang làm giám đốc thiết kế cho Ralph Lauren trong vòng 2 năm. Những kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian này giúp bà tự tin hơn, sẵn sàng đi trên con đường của riêng mình.
Năm 1990, một năm sau khi kết hôn, Wang mở viện thiết kế áo cưới Vera Wang Bridal House (New York) với sự giúp đỡ tài chính từ gia đình. Đến nay, bà đã sở hữu thêm nhiều cửa hàng lớn nhỏ ở các thành phố khác trên thế giới như London, Tokyo, Sydney.
Trái ngược với “bà tiên váy cưới”, Anna Sui lại tìm thấy niềm đam mê thời trang từ khi còn nhỏ. Ước mơ đó theo bà lớn dần lên. Sui nhớ lại: “Hồi ở độ tuổi teen, tôi đọc một bài báo trên tạp chí Life nói về một cô gái tốt nghiệp trường thiết kế Parsons, sau đó chuyển đến Paris mở cửa hàng riêng. Tôi đã reo lên và nghĩ đây chính là tấm vé cho tương lai của mình. Thế là tôi đến New York, vào học trường Parsons”.
Không được trợ giúp vốn từ gia đình như Vera Wang, Sui khá chật vật trong những năm đầu. Bà phải sử dụng một góc nhỏ trong phòng khách làm không gian sáng tạo. Để có thể sống được với nghề, Sui còn chăm chỉ làm thêm nhiều công việc khác và tích cóp từng đồng.
Khoảng thời gian những năm 1980 là thời kỳ đỉnh cao của các thương hiệu lớn gồm Chanel, Lacroix và Versace. Vì thế, việc khẳng định tên tuổi của những NTK mới càng khó khăn hơn bao giờ hết.
NTK Anna Sui. |
Năm 1991 được coi là bước ngoặt lớn với Anna Sui. Được sự động viên của hai người bạn – cũng là những siêu mẫu đình đám lúc bấy giờ, Naomi Campbell và Linda Evangelista – Sui mạnh dạn tổ chức fashion show đầu tiên. Bà trả thù lao cho các người mẫu bằng cách tặng trang phục. Show diễn thành công hơn cả mong đợi, đưa tên tuổi Anna Sui lên một tầm cao mới. Không lâu sau đó, bà mở cửa hàng ở khu Greene Street (New York) và phát triển thương hiệu lớn mạnh khắp thế giới.
Với những sáng tạo không ngừng nghỉ, luôn đổi mới chính mình, báo The New York Timesgọi Sui là nhà thiết kế "không bao giờ biết thỏa mãn". Trong khi đó, tạp chí Time xếp bà vào danh sách top 5 biểu tượng thời trang của thập kỷ.
Năm 2009, Anna Sui được Hiệp hội các nhà thiết kế Mỹ (CFDA) tôn vinh ở giải thưởng Cống hiến trọn đời. Trước đó, giải thưởng này từng được trao cho một loạt tên tuổi lớn gồm Yves Saint Laurent, Giorgio Armani, Ralph Lauren và Diane von Furstenberg.
Chống đối bố mẹ để theo đuổi ước mơ
Những ngày đầu khi chọn thời trang để phát triển sự nghiệp, hầu hết nhà thiết kế đều bị gia đình phản đối kịch liệt. Nguyên nhân là các gia đình châu Á nhập cư sang Mỹ muốn con cái theo đuổi những nghề nghiệp mang tính truyền thống như doanh nhân, kỹ sư, bác sĩ… Theo họ, những lĩnh vực này mới được xã hội đánh giá cao và tôn trọng.
Anna Sui tâm sự, những đứa trẻ lớn lên ở thế hệ của bà đều nhận được cùng một câu hỏi từ cha mẹ: “Tại sao con muốn làm thiết kế, trong khi con có thể trở thành một bác sĩ?”.
Vera Wang cũng vậy. Cho đến khi qua đời vào năm 2006, bố đẻ bà chưa bao giờ ủng hộ hướng đi của con gái. Khi tìm gặp Wang vào một buổi chiều ở Paris, trong lúc bà đang thực hiện bộ ảnh thời trang với mái tóc bù xù, ông hỏi giọng đầy trách móc: “Bố không biết tại sao con lại chọn công việc này. Con có thể chải tóc, mặc váy gọn gàng và đi ăn tối cùng bố được không?”.
Đến lượt lớp trẻ hơn như Jason Wu, mặc dù tư tưởng của các bậc phụ huynh đã thoáng hơn trước, áp lực vẫn chưa giảm sút. Bản thân Wu phải giấu bố mẹ để nộp đơn vào trường thiết kế Parsons (Mỹ).
Tương tự, Phillip Lim hay Thakoon Panichgul cũng đi ngược lại với những gì gia đình mong đợi. Thakoon tốt nghiệp Đại học Boston với tấm bằng kinh doanh để làm mẹ vui lòng. Nhưng đam mê thời trang vẫn âm ỉ cháy trong con người anh: “Không gì có thể ngăn cản được tôi. Thế hệ chúng tôi không làm theo những gì cha mẹ sắp đặt”.
NTK Phillip Lim bên hai người đẹp, Jessica Alba và Solange Knowles. |
Giải mã sự thành công
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần đem đến thành công cho các NTK gốc Á là hầu hết đều được đào tạo bài bản ở những trường thiết kế danh tiếng. Sau đó, họ sẽ học việc từ những “ông lớn” ngành thời trang trước khi mở cửa hàng riêng. Chẳng hạn như Richard Chai từng làm việc cho Lanvin, DKNY và Marc Jacobs. Peter Som đảm nhận vai trò trợ lý cho Michael Kors và Calvin Klein.
Theo thống kê năm 2010, trường Parsons the New School for Design (Mỹ) có khoảng 70% sinh viên quốc tế là người gốc Á. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Viện Thời trang và Công nghệ Mỹ (F.I.T.) là 23%.
Joanne Arbuckle, giảng viên của trường, chia sẻ: “Sinh viên châu Á ở F.I.T. liên tục thay đổi trong những năm qua, nhưng đây có lẽ là sự thay đổi rõ ràng nhất. Con số tăng vùn vụt theo từng năm. Thực sự tôi không lường trước được”.
Bên cạnh đó, khi dũng cảm phản kháng bố mẹ và theo đuổi đam mê đến cùng, họ cũng phải nỗ lực hết mình để chứng minh bản thân thật xuất sắc ở lĩnh vực đó. Các giảng viên ở trường thiết kế đều nhận xét sinh viên gốc Á rất tài năng và có thái độ cực kỳ nghiêm túc trong học tập. Ngoài ra, họ còn có nền tảng tốt về toán học và kỹ thuật. Điều này hỗ trợ khá nhiều cho người làm công việc thiết kế.
Cô Joanne chia sẻ: “Suốt hơn 10 năm giảng dạy ở khoa thiết kế thời trang, hơn ai hết, tôi cảm nhận được sự cố gắng không biết mệt mỏi của các bạn trẻ người châu Á. Họ không bao giờ từ bỏ cho đến khi tìm ra đáp án chính xác”.