Bài thơ “Hát về một hòn đảo” nằm trong tập Trường Sa, một tuyển tập bao gồm cả thơ và tiểu thuyết viết về Trường Sa của nhà thơ Trần Đăng Khoa, vừa ấn hành ở Nhà xuất bản Văn học, đã được trích đưa vào đề thi môn Ngữ văn của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sáng 2/7.
- Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa, cảm xúc của ông như thế nào khi tác phẩm của mình được đưa vào đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015?
- Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Điều tôi quan tâm không phải một trích đoạn thơ Trần Đăng Khoa được đưa vào trong đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, tốt nhất ta không nên quan tâm đến ông Khoa, mà hãy bàn đến một việc lớn hơn là chuyện ra đề thi năm nay của Bộ GD&ĐT.
Có lẽ, trong nhiều năm qua, cứ mỗi lần kỳ thi diễn ra là lại có sự bàn cãi, nhiều khi là tranh luận đến nảy lửa của dư luận về đề thi, nhưng năm nay dường như đã gặp được sự đồng thuận rất cao của dư luận xã hội.
Từ những tờ báo chính thống đến những trang báo mạng, cả mạng xã hội (Facebook), đều ủng hộ cách ra đề năm nay của Bộ GD&ĐT. Tôi cũng không nằm ngoài những người ủng hộ việc làm này.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa. Ảnh: VOV. |
Tôi đánh giá rất cao đề thi năm nay. Đề vừa bám sát chương trình (Con thuyền ngoài xa), vừa thoát ra khỏi chương trình, đề cập đến những vấn đề nóng hổi của xã hội, như chuyện chủ quyền biển đảo, hay chuyện bàn về tính vô cảm.
Cái tài của người ra đề là tính bao quát rất rộng. Vì thế, đề thi không khó, dù có nội dung nằm ngoài chương trình học. Một em có lực học trung bình yếu cũng có thể làm được bài để có đủ điểm tốt nghiệp. Còn với những em khá giỏi, đó là một mảnh đất màu mỡ rất tốt để các em khai thác và phát huy được đến tối đa năng lực của mình. Đoạn thơ được trích nằm trong tuyển tập Trường Sa. Cuốn sách cũng mới ra. Điều đó cho thấy Bộ GD&ĐT cập nhật rất nhanh những vấn đề có tính thời sự nóng hổi.
- Nhưng nhiều người cho rằng, các em được dạy văn theo cách khác nay đề thi lại ra theo hướng mở sẽ khó cho nhiều em, thưa ông?
- Tôi không thấy như vậy. Là một đề mở nhưng không có gì khó cả. Vô cảm là một căn bệnh rất đáng lưu ý, bởi nó làm băng hoại đạo đức xã hội. Đây là một vấn đề mà giới truyền thông bàn đến rất nhiều. Nhiều trường phổ thông cũng đưa vào chương trình sinh hoạt Đoàn, Đội, rồi các chương trình ngoại khóa, để các em thảo luận. Vì thế, bàn về vấn đề này, không có gì khó đối với các em. Thậm chí nhiều em có thể viết rất hay.
Còn đoạn thơ trích về biển đảo và các chiến sĩ bảo vệ biên cương Tổ quốc cũng quá đơn giản. Em nào cũng có thể trả lời được ngay về thể loại, nó là thơ tự do có vần. Còn chi tiết diễn tả những khó khăn, hiểm nguy đối với những người lính đảo, thì ngay cả những em ở bậc Trung học cơ sở, chứ không nói đến Trung học phổ thông cũng nhận ra ngay: “...đồng đội tôi có người ngã trước miệng cá mập/Có người bị vùi dưới cơn bão dữ tợn”.
Rồi cách so sánh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với “ngọc dát”. Đơn giản thế thôi là các em cũng đã đủ điểm rồi. Còn những em giỏi hơn có thể vươn đến câu thơ xa hơn: “Chúng tôi ngồi đây trần trụi giữa trời”. Nói người lính “trần trụi giữ trời” thì đúng là lính biển đảo. Và đó cũng là sự nguy hiểm nhất của người lính khi đối diện với kẻ thù. Người lính chiến đấu ở đất liền thì còn có đất làm chiến hào bảo vệ hay lá rừng chở che.
Tố Hữu viết: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Nhưng ở giữa biển Đông, thì không có gì hết, cứ trần trụi giữa trời nước. Chỉ có lòng dũng cảm và tình yêu Tổ Quốc là chiến hào che chở cho các anh thôi. Không ai cầm được nước mắt khi các chiến sĩ đảo Gạc Ma đã lấy lá cờ của Tổ quốc quấn quanh mình rồi hiên ngang che chắn những luồng đạn của kẻ thù tàn bạo.
Những thước phim này do kẻ thù tung lên mạng, và vì thế chúng ta đã được chứng kiến những giây phút lẫm liệt của các dũng sĩ Biển Đông. Các em chỉ cần viết từ 5-7 dòng là đủ. Và chỉ 5-7 dòng cũng đã đủ khu biệt trình độ, năng lực của các em. Chỉ cần làm được bài, các em đã tốt nghiệp phổ thông, những em khá hơn có thể tuyển vào Đại học, Cao Đẳng.
Một kỳ thi mà làm được hai việc lớn, mà rất chính xác, lại giảm tải được những khó khăn vất vả cho học sinh và cả phụ huynh. Tôi đánh giá cao việc làm của Bộ GD&ĐT cũng vì thế. Và với cách ra đề thông minh, thiết thực như thế này, tất cả những hệ lụy của ngành Giáo dục lưu cữu từ bao nhiêu năm qua, như nạn văn mẫu, nạn phao thi sẽ hoàn toàn bị vô hiệu hóa. Rồi cách học tủ, bài tủ cũng sẽ vô nghĩa.
Năm trước Bộ GD&ĐT cũng ra đề mở, đưa chuyện em Nam, một em bé đã lao xuống dòng nước lũ cứu bạn và hy sinh, chuyện vừa xảy ra đó, đã được Bộ Giáo dục đưa vào đề văn để các em bình luận. Tôi cũng đã lên tiếng ủng hộ cách làm này.
Việc dạy văn là dạy phương pháp tư duy, chứ không phải biến các em thành những con vẹt, chỉ biết nhắc lại những gì thày cô nói trên lớp. Cách ra đề này, là chúng ta trở lại với nền giáo dục trong trẻo, lành mạnh, sáng tạo mà chúng ta cũng đã từng có những năm trước đây.
Tôi nhớ năm 1971, khi dũng sĩ Lê Mã Lương vừa được tuyên dương Anh hùng, chuyện của anh cũng đã vào đề thi học sinh giỏi năm đó: “Anh hùng Lê Mã Lương nói: 'Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù'. Em hãy bình luận câu nói đó”. Đề thi chọn học sinh giỏi là vậy. Tôi có bài viết dài đến 8 trang ca tụng anh Lê Mã Lương và câu nói này. Nhưng anh bạn tôi lại có bài phản biện. Người ra trận là đẹp rồi, nhưng người nông dân cày cuốc trên cánh đồng, người công nhân vào hầm lò xưởng máy có đẹp không? Nếu ai cũng ra trận cả thì lấy đâu ra người làm ra hạt thóc củ khoai nuôi quân đánh giặc. Rồi còn người dọn vệ sinh, người quét rác có đẹp không?
Tố Hữu nói: “Chị lao công – Như sắt - Như đồng- Chị lao công- Đêm đông – Quét rác” cũng đẹp lắm chứ. Bài phản biện ấy, anh bạn tôi chỉ viết ba trang, nhưng điểm cũng rất cao. Và cả hai chúng tôi, với nội dung bài làm hoàn toàn khác nhau, thậm chí ngược hẳn nhau, nhưng đều là học sinh giỏi của Tỉnh, nằm trong đội tuyển văn, tiếp tục được bồi dưỡng để đi thi tiếp Học sinh giỏi toàn Miền Bắc. Khi ấy, đất nước chưa thống nhất, nên chỉ có học sinh giỏi toàn Miền Bắc chứ chưa có cấp Quốc gia.
Thí sinh hào hứng với đề văn năm nay. Ảnh: VOV. |
- Thế nhà thơ có sợ thí sinh hiểu sai ý đồ của ông trong bài thơ này không?
- Tôi nghĩ rằng, chẳng có lý do gì để hiểu sai ý đồ của tác giả. Bởi nội dung phơi hết ra câu chữ rồi. Nói như các cụ, nó rõ “như bánh đúc bày sàng”. Mà đề thi chỉ đơn giản hỏi chi tiết nói việc gian khổ của người lính nên em nào cũng có thể trả lời được ngay.
Tôi nghĩ, học sinh trung bình, học sinh chưa học hết phổ thông hay trình độ tiểu học cũng có thể trả lời được. Còn trả lời hay hay không lại là vấn đề khác. Đây chính là phân định giữa học sinh tốt nghiệp phổ thông với học sinh có thể tuyển vào Đại học, Cao đẳng như tôi đã nói ở trên.
- Vậy nhà thơ có theo dõi phản ứng của thí sinh về đề thi này không?
- Có. Năm nào tôi cũng bàn về chuyện thi cử. Nhiều em cảm thấy rất thoải mái khi làm đề thi năm nay. Cả các thày cô, các vị phụ huynh học sinh và với chuyên môn cũng bàn luận. Nhìn chung mọi người rất ủng hộ và đồng thuận cao với việc làm của Bộ Giáo dục. Điều này báo chí và cả mạng xã hội cũng đã nói rồi.
- Vậy nhà thơ có bất ngờ và ngạc nhiên khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn tác phẩm của ông để ra đề thi không?
- Bất ngờ thì có. Nhưng ngạc nhiên thì không. Bất ngờ vì bài thơ không nằm trong chương trình học. Cũng có phóng viên hỏi khi ra đề người ta có hỏi ý kiến anh không, vì anh là tác giả. Đề thi là phải bí mật tuyệt đối. Có thể xem như bí mật quốc gia. Hỏi thì lộ hết à? (cười). Vì thế nên chẳng việc gì phải hỏi.
Theo tôi, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, những người ra đề thi cũng nên bám sát vào những sự kiện của đất nước, những vấn đề mới nảy sinh mà xã hội đang quan tâm để các em nhập cuộc, bình luận.
Việc bình luận cũng rất thoáng. Có thể đồng thuận. Có thể phản biện. Cần tập cho các em có tư duy phản biện. Xã hội và cuộc sống sẽ đẹp lên, và tốt hơn nhờ sự phản biện. Tất nhiên phải hợp lý, sâu sắc và có tính xây dựng cao.
Để làm được thế, Bộ GD&ĐT phải đổi mới cả việc chấm thi, trong đó có việc ra barem để chấm điểm cũng phải rất đa dạng. Tránh khô cứng và giáo điều. Như thế sẽ rất hay.