Sinh viên tìm thông tin phòng trọ trên tờ rơi dán trước cổng ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Ảnh: Tiền Phong. |
Rạng sáng 23/8, từ An Giang, chị Nguyễn Thị Lan (43 tuổi, công nhân giày) đưa con gái đến ĐH Giao thông vận tải TP.HCM (quận Bình Thạnh, TP.HCM) làm thủ tục nhập học, đóng các khoản tiền đầu năm. Sau đó, chị liên hệ với người quen để tìm phòng trọ cho con.
Cơn sốt phòng trọ
“Nhiều ngày nay, tôi đã nhờ người quen ở TP.HCM, lên cả những website giới thiệu nhà trọ để tìm phòng trọ gần trường cho con dễ đi lại. Tuy nhiên, nhiều nơi đều chào giá rất cao, khoảng 5-6 triệu đồng/phòng 3-4 sinh viên. Còn dưới mức giá đó, tình trạng phòng xuống cấp, an ninh không đảm bảo và xa trường. Nhiều nơi hối tôi nên đến xem và đặt cọc sớm để giữ chỗ, vì chần chừ là hết phòng”, chị Lan nói.
Chăm chú đọc tờ rơi quảng cáo phòng trọ được phát ngay cổng trường đại học, em Ngọc Diệp (quê Gia Lai), tân sinh viên ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết em tranh thủ lên thành phố sớm để tìm chỗ trọ nhưng đa số nhà trọ có tiện nghi, nhà vệ sinh riêng, có khu vực nấu nướng… đều đã kín chỗ hoặc giá rất cao.
“Em đã đến xem hơn chục phòng trọ gần trường học nhưng hầu như không thuê được phòng. Vì vậy, em buộc phải tìm đến những khu vực xa hơn để có phí rẻ hơn đôi chút”, Diệp nói.
Trong vai sinh viên đi tìm phòng trọ, chúng tôi đến hẻm 36 đường Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh), nơi đây có nhiều người dán thông báo còn phòng cho thuê với giá 1,5-5,5 triệu đồng/tháng. Liên hệ với số điện thoại 08532…, một người đàn ông giới thiệu là chủ nhà trọ và hỏi chúng tôi muốn thuê với giá bao nhiêu. Khi biết mức giá 1,5 triệu đồng/tháng, người này cho biết địa chỉ chúng tôi đang đứng đã hết phòng trọ với giá đó, chỉ còn phòng với giá 1,8 triệu đồng/tháng. Khi vào xem phòng, chúng tôi khá bất ngờ vì căn phòng rộng chưa tới 4 m2, như một chiếc hộp được ngăn vách bằng lớp ván ép mỏng manh, nhà vệ sinh chung được bố trí nằm ở cuối dãy phòng…
Chọn chung cư thay vì thuê nhà trọ
Thị trường cho thuê căn hộ chung cư cũng nhộn nhịp thời gian gần đây vì được nhiều sinh viên lựa chọn, nhờ vào giá cả thuê cạnh tranh và không gian sống được đảm bảo an ninh.
Hoàng Nguyên - sinh viên năm thứ hai ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết em rất hài lòng sau một năm sinh sống trong chung cư một phòng ngủ, cách trường vài phút chạy xe máy. Căn hộ của Nguyên rộng 40 m2, có 3 người ở, giá 4 triệu đồng/tháng. Ngoài tiền thuê phòng, Nguyên và các bạn phải đóng thêm phí quản lý 8.000 đồng/m2 và phí gửi xe 80.000 đồng/chiếc.
“Một người em bà con sắp nhập học ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn nên cuối tháng này sẽ vào ở cùng, như vậy tiền thuê phòng sẽ được giảm một phần. Ở chung cư sẽ không canh cánh nỗi lo mất xe hay nóng bức nên em tập trung học tập hơn”, Nguyên nói.
Một phòng trọ rộng khoảng 3 m2 với giá thuê gần 2 triệu đồng tại quận Bình Thạnh (TP.HCM). Ảnh: Tiền Phong. |
Anh Thanh Tài, quản lý ở một công ty chuyên kết nối chủ căn hộ và người thuê tại khu vực ĐH Quốc gia - TP Thủ Đức, TP.HCM, cho hay 2 tuần trở lại đây, các căn hộ trong khu vực đã được lấp đầy 80%, dự báo cuối tháng 8, đầu tháng 9, cung sẽ không đáp ứng đủ cầu.
Anh Tài dẫn chứng giá cho thuê phòng trọ quanh làng đại học dao động 1,5-2 triệu đồng/phòng, có thể ở được 2-3 người, còn chung cư 2 phòng ngủ, rộng 50 m2 có giá 5-5,5 triệu đồng, có thể ở được 4-6 người, chưa tính phí quản lý. Tính ra, giá thuê chung cư giá chỉ cao hơn phòng trọ 500.000-700.000 đồng/người/tháng. Chung cư có riêng nhà bếp, nhà vệ sinh, ban công, phòng khách và người thuê còn được hưởng các tiện ích chung như hồ bơi, phòng tập gym.
“Chủ nhà sẽ yêu cầu đặt cọc một tháng tiền nhà và bắt buộc thuê ít nhất 6 tháng, đây là một khoản chi lớn với tân sinh viên vào đầu năm học. Chưa kể đang ở, chủ có thể bán nhà, người thuê phải chuyển đi trong thời gian ngắn. Hoặc trường hợp người ở cùng muốn chuyển đi, sinh viên còn lại phải gánh một khoản tiền thuê nhà rất lớn trước khi tìm được người ở mới”, anh Tài phân tích mặt trái khi ở chung cư.
Anh Tài lưu ý sinh viên trước khi ký hợp đồng thuê chung cư nên đọc kỹ các điều khoản về giá, thời gian thuê, số tiền cần đặt cọc và cách thức hoàn trả khi kết thúc hợp đồng.
Ký túc xá quá tải
Những ngày qua, cùng với lịch nhập học của tân sinh viên, ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM - ký túc xá có quy mô lớn nhất TP.HCM cũng nhộn nhịp đón tân sinh viên. Theo Ban quản lý Trung tâm Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, năm học 2024-2025, trung tâm dự kiến tiếp nhận 35.500 sinh viên vào ở nội trú, trong đó dành 10.500 chỗ ở cho tân sinh viên. Từ tháng 8-12, trung tâm cải tạo 1.268 phòng, tập trung vào các hạng mục chống thấm, sửa chữa nhà vệ sinh, sơn tường, trần nhà…
Lãnh đạo một trường đại học tại TP.HCM cho hay hàng năm, nhà trường đều đau đáu mỗi lần xét duyệt đơn xin ở ký túc xá của sinh viên. Trường có quy mô hơn 20.000 sinh viên nhưng ký túc xá của trường chỉ có chưa đầy 1.000 chỗ ở, số suất dành cho tân sinh viên chỉ khoảng 200 nên tiêu chí đầu tiên để duyệt là ưu tiên sinh viên nghèo, cận nghèo, khó khăn…
“Ở ký túc xá, các em được quản lý, chăm lo tốt, giá cả lại phải chăng nên rất nhiều em sinh viên có nhu cầu ở, tha thiết làm đơn nhưng không đủ chỗ, chúng tôi đành phải từ chối”, lãnh đạo này nói.
Vị này bày tỏ mong muốn các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng thêm nhiều ký túc xá như ký túc xá của ĐHQG TP.HCM hay ký túc xá Cỏ May (do doanh nghiệp tài trợ xây cho sinh viên nghèo ở miễn phí) để giảm gánh nặng cho sinh viên, giúp các em an tâm học hành.
Nhiều tổ chức hỗ trợ tìm phòng trọ
Trước tình trạng lừa đảo khi thuê phòng trọ hiện nay, ông Lê Nguyễn Nam - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM (SAC) - khuyên tân sinh viên cần xác định khu vực ở thuận tiện cho việc học tập, nhu cầu đi lại, làm việc. Khi khoanh vùng được nơi cần thuê trọ sẽ đến bước lựa chọn mức giá phòng, các tiện ích đi kèm.
Ông Nam khuyên: “Ngoài việc tìm hiểu trên mạng, sinh viên cần đến tận nơi để kiểm tra phòng trọ và đảm bảo xác thực người cho thuê chính là chủ nhà. Khi xem phòng và ký hợp đồng, các em nên nhờ người lớn có kinh nghiệm sống, làm việc ở thành phố đi cùng”.
Theo ông Nam, Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP.HCM và các trường đại học hàằng năm đều có chương trình kết nối sinh viên với những nhà trọ uy tín. Tân sinh viên khi làm hồ sơ nhập học có thể tham khảo qua kênh này.
Hiện nay, trung tâm đã bắt đầu tiếp nhận đăng ký từ những nhà trọ khắp TP.HCM. Các chủ nhà trọ sẽ đến trực tiếp trung tâm hoặc liên hệ qua số điện thoại để cung cấp thông tin thuê trọ. Sinh viên chỉ cần lên fanpage nhà trọ của trung tâm để tìm được nhà trọ đã được trung tâm kiểm duyệt.
“Nhờ sự kết nối này, nhiều sinh viên năm thứ nhất thuê được nhà trọ đã ở đến khi ra trường mà không phải chuyển nhiều lần”, ông Nam nói.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.