Tân sinh viên liên hệ nhiều chỗ cho thuê trọ nhưng không tìm được phòng ưng ý vì giá cao, chất lượng không tương xứng. Ảnh: Phương Lâm. |
Cuối tháng 7, Vũ Hằng (học sinh ở Quảng Ninh) bắt đầu cùng chị gái lên mạng tham khảo, tìm phòng trọ ở Hà Nội.
“Mình nói muốn tìm phòng khoảng 2 triệu đồng thôi cho tiết kiệm, nhưng chị gái cười rồi nói mình ngây thơ quá. Chị bảo nhà trọ Hà Nội bây giờ mà giá 2 triệu đồng thì không ở được”, Hằng tâm sự.
Chật vật tìm phòng trọ bình dân
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Vũ Hằng cho biết ban đầu, do không nắm được mặt bằng chung giá thuê ở Hà Nội, nữ sinh cứ nghĩ chỉ cần chi khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng là có chỗ ở tốt.
Thế nhưng, không như nữ sinh tưởng tượng. Lướt các hội nhóm mỏi tay, Hằng vẫn không thể tìm được chỗ ở nào có giá khoảng 2 triệu đồng mà đủ rộng cho 2 người ở. Nữ sinh sốc, bất ngờ vì không nghĩ giá thuê ở Hà Nội lại đắt như vậy.
Quỳnh Anh tìm trọ nhưng rất khó tìm được nơi ở giá rẻ. Ảnh: NVCC. |
Tương tự, một tháng nay, Quỳnh Anh (18 tuổi, ngoại thành Hà Nội) cũng rảo khắp hội nhóm cho thuê nhà trọ để tìm phòng sớm trước khi nhập học. Nhiều khả năng đỗ vào Học viện Ngân hàng, Quỳnh Anh muốn tìm trọ ở khu vực quận Đống Đa, Thanh Xuân, cách trường khoảng 5 km.
Sau một tháng khảo sát, tìm hiểu, Quỳnh Anh nhận thấy ở khu vực quận Đống Đa, Thanh Xuân, đa số các phòng có gác xép hoặc giường tầng thì giá đều trên 4 triệu đồng, rất hiếm phòng có đủ tiện ích mà giá 2-2,5 triệu.
Đây cũng cũng là lý do Quỳnh Anh chọn ở ghép thay vì ở một mình bởi cầm 1,5-2 triệu đồng, khả năng cao em chỉ tìm được những căn phòng xập xệ, thiếu tiện nghi, không đảm bảo an ninh hay phòng cháy chữa cháy…
Với nữ sinh, phòng trọ lý tưởng là có gác xép hoặc giường tầng để ở ghép 3-4 người, nội thất cơ bản như điều hòa, nóng lạnh, tủ lạnh. Giá thuê khoảng 4-5 triệu đồng chưa bao gồm dịch vụ như điện nước.
“Nếu gom 2-3 bạn ở chung, vẫn với mức chi 1,5 triệu đồng/người, em sẽ có nhiều lựa chọn hơn”, Quỳnh Anh chia sẻ.
Thế nhưng, một tháng trôi qua, nữ sinh vẫn chưa “chốt" được căn nào hợp lý. Quỳnh Anh cho hay một số phòng gần trường có mức giá cao ngất ngưởng, trên 3 triệu đồng, trong khi diện tích lại nhỏ (khoảng 17 m2), không gian bí bách, không có cửa sổ và không có chỗ nấu ăn, chỉ được trang bị điều hòa và nóng lạnh.
Ngược lại, những phòng trọ đẹp, giá cả phải chăng nhưng giá dịch vụ cao khiến chi phí độn lên khá nhiều. “Có nơi tính tới 40.000 đồng/khối nước. Mình choáng", Quỳnh Anh chia sẻ.
Đủ lý do tăng giá phòng trọ
Tân sinh viên than trời vì nhà trọ đắt, thực tế phản ánh đúng những điều các bạn chia sẻ. Khảo sát thị trường nhà trọ trên địa bàn Hà Nội ngày 14/8, với vị trí tập trung nhiều trường đại học, khu dân cư đông đúc, giá thuê phòng trọ ở quận Cầu Giấy nhìn chung thuộc top cao nhất nhì thành phố và tăng so với giai đoạn trước.
Cụ thể, dạng phòng trọ khép kín, diện tích 20-30 m2 có mức giá 3-5,5 triệu đồng/tháng, tùy nội thất, tiện nghi và chưa bao gồm dịch vụ như điện, nước, mạng…
Các khu vực xa trung tâm như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm mới có chi phí thuê thấp hơn, diện tích 18-20 m2 có giá trên 2-3 triệu đồng/phòng.
Trên toàn thành phố, những phòng dưới 2 triệu đồng/tháng rất ít ỏi, thường là phòng có diện tích dưới 15 m2, thiếu tiện nghi hoặc những phòng cho thuê dạng homestay, giường tầng, chung chủ, gác mái…
Thậm chí, có những phòng đơn chỉ 10 m2 ở khu vực Đống Đa cũng có giá 1,6-2,2 triệu đồng. Căn phòng này được quảng cáo trang bị điều hòa, nóng lạnh, giường, đệm, ga, tủ quần áo, vệ sinh chung…
Tại TP.HCM, giá nhà trọ cũng không hề rẻ dù nhiều căn trống trơn, không có đồ dùng hay nội thất cơ bản. Ví dụ, một phòng trọ ở quận Gò Vấp báo giá 4 triệu đồng nhưng phòng không có đồ dùng, chỉ có gác lửng để làm chỗ ngủ và nhà vệ sinh khép kín. Một phòng trọ tương tự ở quận 10 cũng lấy giá lên đến 4,5 triệu đồng dù không hề có nội thất cơ bản như giường, tủ, bếp…
Nếu muốn thuê phòng trọ có giá dưới 2 triệu, người thuê phải chấp nhận phòng thuê rất nhỏ, không có nội thất. Ví dụ, Tri Thức - Znews tìm thấy một bài đăng cho thuê phòng trọ tại quận Tân Phú có giá 1,6 triệu đồng/tháng nhưng phòng này chỉ rộng 10 m2 và không có nội thất, không có nhà vệ sinh khép kín.
Tại Hà Nội và TP.HCM, nhiều khu trọ đều thu giá cao nhưng không có gì ngoài căn phòng trống, diện tích lại nhỏ. |
Trao đổi với Tri Thức - Znews về chuyện tìm trọ của sinh viên, chị Đỗ N., chủ một hệ thống căn hộ dịch vụ tại quận 1 (TP.HCM), cho biết thời gian gần đây, khá nhiều sinh viên, hoặc phụ huynh của các sinh viên, cũng liên lạc với chị hoặc môi giới để hỏi thuê phòng.
Hiện, nơi chị N. cho thuê vẫn còn phòng trống nên khách thuê có thể đến xem trước. Tuy nhiên, khi nghe báo giá, nhiều khách “quay xe” vì giá quá cao. Sinh viên đại học chỉ có nhu cầu thuê phòng khoảng 2 triệu đồng, nếu đắt hơn thì phải ở ghép, nhưng chỗ chị N. lại chỉ cho một khách thuê một phòng.
So với mặt bằng chung căn hộ dịch vụ tại trung tâm TP.HCM, phòng của chị N. cho thuê khá cao, dao động từ 5,5-7 triệu đồng/phòng, tùy tầng và diện tích. Tuy nhiên, chị khẳng định giá thuê này phù hợp với chất lượng phòng vì ở ngay trung tâm thành phố, nội thất mới, sạch sẽ, cửa ra vào phòng là cửa dùng thẻ từ, còn cổng chung là cửa cuốn rất đảm bảo an toàn.
Nói thêm về lý do tăng giá phòng trọ, chị N. cho biết thực tế chị cũng đã tăng giá từ đầu năm vì mới bổ sung hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo yêu cầu của quận. Hơn nữa, nhà trọ, căn hộ dịch vụ hay nhà đất thường có “chu kỳ” tăng giá, cứ sau một năm lại tăng vài % nên chị “không tăng không được”.
Chị N. cũng dự đoán giá thuê nhà tại thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM trong năm 2024 có thể sẽ tăng mạnh hơn các năm trước vì các nhà trọ, căn hộ dịch vụ phải “đua nhau” cải tiến phòng để thu hút khách thuê, tân sinh viên lại sắp nhập học nên nhu cầu tìm phòng lại cao hơn vài tháng trước.
Hơn nữa, do tình trạng cháy nhà trọ, chung cư mini trong thời gian gần đây, các bên thuê phòng được yêu cầu lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy nên chủ nhà phải tăng giá để “bù lỗ”.
“Tăng giá là điều khó tránh, nhưng mức tăng sẽ khoảng vài trăm nghìn đồng thôi. Nếu chủ nhà đòi tăng cả triệu đồng so với giá cũ, các bạn cũng nên cân nhắc lại vì mức tăng như vậy là quá khủng khiếp”, chị N. khuyên.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.