Sát thềm tân sinh viên nhập học, nhiều nhà trọ lại tăng giá. Ảnh minh họa: Thế Bằng. |
Tháng trước, khi đang nghỉ hè ở quê, Phạm Trang, sinh viên tại Hà Nội, bất ngờ nhận được thông báo từ chủ nhà trọ là kể từ tháng 8, giá thuê nhà sẽ tăng từ 3,3 triệu đồng/tháng lên 3,5 triệu đồng/tháng với lý do “nhà trọ mới lắp thêm camera an ninh và bổ sung bình chữa cháy”.
Sốc, bất bình là cảm giác của Trang khi nhận tin nhắn từ chủ nhà trọ vì hợp đồng thuê nhà của nữ sinh phải đến tháng 10 mới hết, nhưng chủ nhà lại ngang nhiên “phá giá” so với mức đã nêu trong hợp đồng.
Trang ấm ức, nhắn tin phân bua với chủ nhà trọ để đòi quyền lợi nhưng phía cho thuê chỉ lạnh lùng trả lời rằng “không muốn ở nữa thì dọn ra ngoài đi”.
“Chủ nhà vi phạm hợp đồng nhưng mình không làm gì được vì là sinh viên mà, kiện tụng cũng rắc rối nên mình đành phải cắn răng thuê tiếp. Đến tháng 10 hết hợp đồng, mình sẽ chuyển đi”, Trang tâm sự.
Đủ cách để tăng giá nhà trọ
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Phạm Trang cho biết cô thuê phòng trọ tại quận Nam Từ Liêm từ tháng 10/2023 vì giá thuê ở khu vực này rẻ hơn một chút so với khu vực quận Cầu Giấy - gần trường đại học. Giá thuê là 3,3 triệu đồng/tháng, tiền điện 4.500 đồng/số, tiền nước 100.000 đồng/người và gửi xe 100.000 đồng/xe.
Thời gian gần đây, khi lướt mạng xã hội, Trang cũng thấy tin tân sinh viên sắp lên thành phố lớn học đại học nên giá nhà trọ tăng phi mã. Lúc đó, nữ sinh còn nghĩ bản thân may mắn vì không phải cất công tìm trọ trong giai đoạn giá nhà tăng. Không ngờ, chủ nhà trọ lại có “nước đi” khiến nữ sinh không ngờ đến là tăng giữa chừng.
Đối với sinh viên như Trang, 200.000 đồng là số tiền rất quý nên việc chủ nhà tăng giá thuê khiến cô trăn trở rất nhiều. Bất bình nhưng nữ sinh không thể làm gì được vì giai đoạn này giá thuê đắt, lại khó kiếm. Trang sợ nếu trả phòng, cô sẽ khó tìm được nơi thuê có giá rẻ hơn.
Tương tự, Thùy Dung, sinh viên Đại học Hà Nội, cũng gặp tình huống chủ trọ tăng giá vô lý.
Thùy Dung chấp nhận đi học, đi làm xa để thuê được nhà trọ giá rẻ. Ảnh: NVCC. |
Lần thứ nhất là khi vừa hết hợp đồng nhà ở khu vực Mỗ Lao (Hà Đông), chủ nhà thông báo tăng 200.000 đồng so với giá cũ nhưng không nêu lý do tăng giá. Không “gánh” được giá thuê quá đắt, nữ sinh quyết định chuyển đến chỗ khác.
Lần tăng thứ 2 là với nhà thuê hiện tại. Dung đang thuê phòng trọ rộng 14 m2 với giá 1,8 triệu đồng/tháng, tiền điện 4.000 đồng/số còn tiền nước 50.000 đồng/người. Nữ sinh cho biết 4 tháng trước, trước khi cô chuyển vào, phòng này có giá thuê 1,5 triệu đồng/tháng, nhưng chủ trọ bổ sung giường, thêm một chiếc tủ giấy xập xệ nên giá thuê tăng vọt lên 1,8 triệu đồng.
"Giá thuê trọ ở Hà Nội đắt khủng khiếp. Đa số nhà trọ có thể ở được thì có giá thuê từ 2,5 triệu đồng đổ lên, ở trọ gần trường thì phải đến 3,5 triệu đồng/phòng mà phòng rất nhỏ. Ở một mình sẽ rất khó gánh, nhiều bạn bè của em phải chọn cách ở ghép với bạn bè”, Trang tâm sự.
Trong khi đó, gần một tuần nay, vợ chồng chị Nhật Lệ (hiện sống tại Hà Nội) cũng tất tả tìm phòng cho em gái đang là sinh viên năm 2 tại một trường đại học ở Hà Nội.
Chị cho biết trước đó, người em cũng đã phải đi tìm phòng gần một tháng nhưng vẫn chưa tìm được “bến đỗ" hợp lý. Nguyên nhân là giá phòng trọ tăng cao, tháng 8 là giai đoạn cao điểm của thị trường phòng trọ, các phòng có giá cả hợp lý đã bị chốt cọc từ sớm.
Bao nhiêu hội nhóm, trang web về phòng trọ trên mạng xã hội, chị Lệ đều tham gia và liệt kê khoảng 10 phòng cho mỗi buổi đi xem trực tiếp. Một số yêu cầu chị đặt ra là phòng trọ có đầy đủ đồ dùng cơ bản như giường, tủ quần áo, điều hòa, nóng lạnh, vệ sinh khép kín, có hệ thống phòng cháy chữa cháy đảm bảo và khu vực nấu ăn riêng.
Căn phòng chị Lệ đến xem có giá 2,5-2,7 triệu đồng ở khu vực Cầu Giấy (Hà Nội), chỉ có ván giường và tủ. Ảnh: NVCC. |
Thế nhưng, đi xem đến 20 phòng, chị Lệ vẫn chưa thể tìm được phòng ưng ý. Các phòng đáp ứng đủ tiêu chí trên thì mức giá ngất ngưởng, 4-5 triệu đồng/tháng, chưa kể các chi phí dịch vụ khác như điện, nước vệ sinh, mạng…
Không ít căn phòng xem thông tin trên mạng một kiểu, đến nơi xem thực tế thì khác xa, khiến chị “không tin vào mắt mình". Ví dụ, các phòng cho thuê qua môi giới, họ chụp ảnh góc rộng khá to đẹp, nhưng khi đến thực tế, diện tích chỉ bằng 1/2.
Hay nhiều phòng trọ gọi là chung cư mini, nhưng một mặt sàn có tới cả chục phòng. Chủ nhà thường thu hẹp diện tích mỗi phòng để tăng số lượng. Một số chủ nhà hoặc đơn vị trung gian thuê lại nhà của người dân rồi sắp xếp, bày trí thêm ít vật dụng để độn giá lên cao hơn…
“Thậm chí, mình đi xem thấy nhiều phòng bé xíu, chỉ một chiếc giường và tủ quần áo, không có cửa sổ hay thang máy mà giá cũng 4 triệu đồng/tháng. Mình sốc với mức giá này. Cũng biết nhu cầu tăng cao, nhưng mức giá như vậy là không tương xứng”, chị nói.
Trọ quá đắt thì phải làm sao?
Trực tiếp đến xem 20 phòng trọ, cuối cùng, chị Lệ cũng tạm chốt một căn dù chưa ưng ý lắm. Căn phòng này rộng hơn 20 m2, giá thuê 3,8 triệu đồng/tháng chưa bao gồm các dịch vụ khác.
“Phòng đã có nội thất cơ bản nhưng ở trong ngõ, lại không có bảo vệ trông coi. Mình cũng đành chấp nhận vì ít sự lựa chọn tốt hơn", chị Lệ nói.
Trong khi đó, Thùy Dung vẫn thuê tạm nhà trọ ở quận Hà Đông và sắp tới sẽ chuyển đến nhà anh chị để sống chung. Việc sống chung với anh chị sẽ giúp nữ sinh đảm bảo an toàn và cũng bớt phần nào gánh nặng chi phí thuê trọ.
“Sắp tới, khi tân sinh viên nhập học, mình lo ngại giá nhà trọ lại tiếp tục tăng không điểm dừng. Khi đó, không chỉ sinh viên, tân sinh viên, những người đi làm cũng sẽ rất mệt mỏi với việc tìm chỗ ở”, Thùy Dung nhận định.
Sinh viên, người nhà sinh viên đều gặp khó khăn trong việc tìm phòng trọ giá rẻ. Ảnh minh họa: Thế Bằng. |
Với các bạn sinh viên và tân sinh viên, Dung khuyên các bạn nếu quá khó trong việc tìm trọ giá rẻ, các bạn có thể lập nhóm để tìm thuê nhà nguyên căn. Nhà nguyên căn có nhiều phòng, phù hợp với nhóm bạn. Hơn nữa, giá điện nước cũng sẽ được tính "giá dân" nên sinh viên sẽ bớt phần nào áp lực về phí sinh hoạt.
Chị Lệ cũng khuyên các bạn nên chọn những phòng chính chủ do chủ nhà cho thuê, không nên thuê qua môi giới, giá nhà sẽ bị độn cao hơn. Ngoài ra, sinh viên cũng nên tìm chỗ nào an ninh đảm bảo, chỗ để xe rộng rãi nếu không mỗi lúc lấy xe ra, cất xe vào cũng mất rất nhiều thời gian.
“Các em nên tìm các phòng gần đường lớn. Nếu ở trong ngõ cũng nên tìm ngõ không quá sâu. Nhất là mùa mưa cũng nên tìm hiểu xem khu vực đó có bị ngập nước hay không. Đồng thời, các em cần hỏi kỹ giá dịch vụ và làm hợp đồng cẩn thận rồi mới đặt cọc, tránh trường hợp bị lừa, tiền mất tật mang”, chị Lệ nói.
Phạm Trang cũng đưa ra lời khuyên tương tự. Trong tình trạng giá nhà tăng mạnh như hiện tại, sinh viên có thể tính đến những phương án khả thi hơn như ở ký túc xá, thuê phòng rộng rồi ở ghép với nhau.
“Ở ghép sẽ tiết kiệm chi phí nhiều hơn nhưng có chút bất tiện là chung đụng nhiều, dễ xích mích nếu không hợp tính nhau. Nếu xác định ở ghép, các bạn nên chọn người hợp tính và cùng nhau thống nhất nguyên tắc sống chung ngay từ đầu để tránh phát sinh rắc rối”, Trang khuyên.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.