Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà trường nói gì về clip giáo viên than 'áp lực vì dạy con sếp'

Trao đổi với Zing, đại diện trường THCS Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh, TP.HCM) xác nhận clip xuất hiện trên mạng xã hội do một giáo viên của trường thực hiện.

Hiệu trưởng nhà trường cho hay giáo viên quay lại clip với mục đích ban đầu là để giải trí. Ảnh: THCS Nguyễn Văn Linh.

Trước đó, Zing đã thông tin về clip do một cô giáo đăng tải trên TikTok. Cụ thể, cuối tháng 12/2022, cô giáo này chia sẻ một clip, diễn cảnh “cô bị áp lực, dạy không nổi”.

Lý do cô áp lực là lớp do cô phụ trách có học sinh là con hiệu trưởng, con thư ký hội đồng trường, con của đại gia bất động sản, con của công an, con của phó chánh án Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh…

Khi quay clip này, cô giáo đi một vòng quanh lớp, dí sát camera vào từng học sinh rồi liệt kê em này là con của ai. Các học sinh khi bị cô giáo chỉ mặt, gọi tên đều ngượng ngùng, thậm chí một em đã cố che mặt nhưng cô giáo này vẫn bắt học sinh để lộ mặt để cô quay clip.

“Bỏ quạt xuống, bỏ quạt xuống cho mọi người thấy mặt đi con. Nhỏ này biết gì không, con hiệu trưởng”. Dù bị cô giáo bắt bỏ quạt xuống, học sinh này vẫn không làm theo, thậm chí phải cúi mặt xuống.

Sau khi đăng tải trên TikTok, cô giáo này nhận về phản ứng tiêu cực, chỉ trích từ cộng đồng mạng, cho rằng cô tự ý chia sẻ hình ảnh, thông tin của học sinh mà chưa có sự cho phép từ phía gia đình. Hiện tại, chủ tài khoản đã khóa video này, tuy nhiên, nhiều bên khác đăng tải lại.

Trao đổi với Zing, ông Lưu Bá Linh, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh, TP.HCM), xác nhận video xuất hiện trên mạng xã hội được thực hiện và đăng tải bởi cô T.T.T. - giáo viên dạy Ngữ văn của trường.

Ông Linh cho hay cô T. đã quay lại clip trong giờ nghỉ giải lao, mục đích ban đầu là để giải trí, làm kỷ niệm với học sinh, thực tế cô giáo này không áp lực gì cả. Trước khi quay, cô và trò đã có sự bàn bạc về nội dung, phải quay đến lần thứ 2 mới ưng ý.

"Việc cô T. quay clip và đăng tải đã nhận được sự đồng ý từ học sinh, tuy nhiên, về phía phụ huynh thì chưa. Hiện tại, nhà trường chưa nhận được bất cứ phản ánh nào từ học sinh và phụ huynh nhưng một số bên đã cắt ghép lại video với nội dung khác, dẫn đến hiểu lầm và gây ảnh hưởng đến uy tín nhà trường", vị hiệu trưởng nói và cho biết nhà trường đã họp, nhắc nhở, kiểm điểm đối với giáo viên T., đồng thời báo cáo sự việc với Phòng GD&ĐT.

Cô T. cũng đã rút kinh nghiệm, thừa nhận còn thiếu sót, suy nghĩ chưa kỹ khi quay, đăng tải video trên.

Ông Linh cho biết theo quy chế nhà trường, giáo viên chỉ được quay, chụp những vấn đề liên quan trong chương trình học để làm tư liệu, phục vụ công tác giảng dạy sau này.

Việc quay, đăng tải nội dung như cô T. làm theo nguyên tắc là không được phép. Điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh, nhất là việc lộ lọt thông tin hoặc các bên cắt ghép, chỉnh sửa lại với nội dung không đúng.

Với những video bị cắt ghép và đăng tải lại trên mạng xã hội, ông Linh cho biết nhà trường đã liên hệ yêu cầu gỡ xuống, tuy nhiên, nhiều bên sử dụng để câu view nên không đồng ý gỡ. Hiện trường chỉ còn giải pháp chờ sự việc lắng xuống.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

Nguy hại khi giáo viên cho trẻ nhảy nhót phản cảm trên TikTok

Nhiều phụ huynh thích thú khi con nhảy nhót, uốn éo trên các nền nhạc TikTok. Không những thế, nhiều giáo viên các cấp học cũng hưởng ứng tình trạng này.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm